Buổi hội thảo Góp ý kiến Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) do TSKH. Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội Việt Nam) và TS. Phạm Tất Thắng (Phó Chủ nhiệm Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) làm chủ tọa.
Ngoài ra, hội thảo còn có sự góp mặt của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Đại biểu Quốc hội), GS.TS Nguyễn Ngọc Phú (Hội Tâm lý Giáo dục), PGS.TS Phạm Bích San, PGS.TS Bùi Thị An cùng nhiều đại biểu được mời tham dự.
|
THKS. Nghiêm Vũ Khải phát biểu tại hội thảo. |
Tại Hội thảo Góp ý kiến Dự thảo Luật Giáo dục, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đã nêu ý kiến bổ sung về phạm vi điều chỉnh "Luật Giáo dục quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; nhà trường, cơ sở giáo dục khác; nhà giáo, người học; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục; quyền, trách nhiệm của gia đình và xã hội đối với hoạt động giáo dục; quản lý nhà nước về giáo dục".
Về mục tiêu giáo dục, ông Thuyết cho rằng luật Giáo dục cần thể hiện cả 2 mục tiêu của giáo dục: Mục tiêu chung: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; Mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của con người.
Trong buổi hội thảo, nhiều chuyên gia cũng đóng góp ý kiến về tính chất, nguyên lý giáo dục: nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục khoa học, dân tộc, nhân văn, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin từ tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Mặt khác, hoạt động giáo dục phải được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.
Bên cạnh đó, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú (Hội Tâm lý Giáo dục) cho rằng nên có quy định học sinh không đạt kết quả được tiếp tục học theo lớp nhưng phải thi lại những môn chưa đạt yêu cầu. Nhà trường có trách nhiệm cử giáo viên hướng dẫn những học sinh này. Trong trường hợp cần thiết, nhà trường có thể mời chuyên gia giáo dục, chuyên gia tâm lý tư vấn cho học sinh, cha mẹ học sinh và nhà trường để giúp những học sinh này đạt được yêu cầu.
Tại phiên thảo luận, các chuyên gia và các nhà khoa học cũng đã trao đổi, tranh luận sôi nổi về giáo dục hướng nghiệp, trình độ chuẩn của nhà giáo, việc phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp, quản lý nhà nước...
Phát biểu kết luận và kết thúc hội thảo, TSKH. Nghiêm Vũ Khải khẳng định về cơ bản các ý kiến đồng thuận với Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), nhưng vẫn còn 1 số vấn đề có quan điểm khác nhau, cảm ơn về các đóng góp thiết thực, sôi nổi của các đại biểu, mong muốn các nhà khoa học, các chuyên gia cần có mục tiêu sửa đổi đánh giá lại kinh nghiệp trong hơn 10 năm qua trên cơ sở phát huy, khắc phục những bất cập, những vấn đề chưa cân đối trong nhà trường.