Liên tiếp vi phạm kỉ luật
Ít ngày trước Tết Nguyên đán, phóng viên đến trại giam số 3 (Bộ công an) đóng tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An để ghi nhận không khí xuân về nơi đây.
Hỏi về quá trình cải tạo của phạm nhân Lê Văn Luyện - sát thủ giết 3 người trong tiệm vàng Ngọc Bích ở phố Sàn, tỉnh Bắc Giang, thiếu tá Hoàng Công Thành - Trưởng phân trại 1 (Trại giam số 3, Bộ Công an) bảo vẫn nhớ như in ngày đầu gặp phạm nhân này.
|
Lê Văn Luyện đang bị giam giữ tại Trại giam số 3. Ảnh: Công an nhân dân. |
Trong số hơn 1.500 phạm nhân mà phân trại 1 quản lý, thiếu tá Thành cho biết Lê Văn Luyện được chuyển tới trại giam số 3 hôm 4/6/2012. “Cậu ta giáp mặt tôi vẻ lạnh lùng. Quản giáo hỏi gì Luyện đáp nấy, giọng vô cảm”, thiếu tá công an có hơn 20 năm công tác ở nơi giam giữ kể.
Do hàng ngày các phạm nhân đều được đọc báo, xem tivi nên họ biết khá rõ tội ác mà Luyện gây ra. Cùng chung cảnh tù tội nhưng khi thấy hung thủ sát hại gia đình chủ tiệm vàng Ngọc Bích bước chân vào trại, nhiều người phản ứng dữ dội, lăng mạ cậu ta khiến trại viên này lộ vẻ hoang mang.
Là phạm nhân trong độ tuổi vị thành niên nên Luyện bộc lộ rõ sự non nớt trong môi trường giam giữ, bị một số phạm nhân nhiều tiền án tiền sự lôi kéo. “Họ tiêm nhiễm vào đầu Luyện tư tưởng kích động, nói việc cậu ta gây thảm án sẽ không được pháp luật khoan hồng, giảm án. Tư tưởng chán trường khiến Luyện gây ra nhiều việc làm vi phạm nội quy trại giam”, trưởng phân trại nói.
Hai tháng sau ngày vào trại, Luyện bị nhận hình thức kỷ luật đầu tiên. Trung tuần tháng 9/2013, phạm nhân này tiếp tục bị xử lý do vi phạm nội quy.
Qua nhiều lần gặp gỡ cán bộ quản giáo, được động viên, Luyện thú nhận đã gặp hoảng loạn do nghe các phạm nhân xấu xúi giục, kích động. Sau những lần trò chuyện với giám thị, phạm nhân sinh năm 1993 hiểu hơn chính sách khoan hồng của pháp luật với người trong tuổi vị thành niên, dần định hình được tư tưởng, thay đổi bản tính. Việc sinh hoạt, giao tiếp của cậu ta dần vào quy củ.
“Hiện tại Luyện đã tìm được thú vui đọc sách trong lúc rảnh rỗi”, thiếu tá Thành chia sẻ.
Ân hận về tội ác
Năm nay là Tết thứ ba Luyện phải trả giá tội ác trong trại giam. Theo trưởng phân trại 1 (Trại giam số 3, Bộ Công an), do khéo tay nên Luyện được sắp xếp vào tổ thủ công mỹ nghệ - chuyên lắp mi mắt giả. Quản giáo nhận xét trong năm 2014, phạm nhân này lao động vượt mức chỉ tiêu đặt ra.
|
Thiếu tá Hoàng Công Thành chia sẻ về thời gian Luyện bị giam giữ. Ảnh: Việt Đức. |
Luyện được nhận xét sống khép mình, cậu ta thường không ngồi ăn cơm chung với các phạm nhân trong buồng giam. “Sau khi nhận khẩu phần ăn, Luyện ra riêng một góc mà không quây quần chung với mọi người”, thiếu tá Thành kể.
Tâm sự với cán bộ quản giáo, Luyện bảo đã hơn 2 năm cải tạo ở chốn lao tù nhưng cậu vẫn thấy dằn vặt, tự đặt câu hỏi tại sao gây tội ác lớn như vậy. Cậu ta chia sẻ mong muốn một ngày được đến thắp hương cho các nạn nhân mình đoạt mạng.
Giữa năm 2014, Luyện hưởng ứng phát động viết thư "Gửi lời xin lỗi" do Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư phạm (Bộ Công an) tổ chức.
Cậu ta tự tay viết lá thư dài 3 trang, gửi lời xin lỗi đến thân nhân gia đình vụ tiệm vàng Ngọc Bích. Bức thư có đoạn: “Cháu xin lỗi đã gây ra nỗi đau cho gia đình, xin lỗi làm mất đi những người mà gia đình thương yêu, xin lỗi lại khơi dậy nỗi đau khi gia đình đọc lá thư này”.
Trong thư, Luyện kể mỗi khi chợp mắt thường mơ thấy cảnh tượng hãi hùng lúc gây án. Phạm nhân quê Lục Nam, Bắc Giang chia sẻ rằng nếu có thể chết để các nạn nhân sống lại sẽ sẵn sàng, dù cái chết ấy đau đớn.
Những dòng cuối thư, Luyện tâm tư việc được sống như hôm nay là nhờ khoan hồng của pháp luật. “Cháu hứa cải tạo tốt để sau này sẽ trở thành người có ích cho xã hội. Cảm ơn ông đã đọc lá thư và mong mọi người bình an”, phạm nhân dừng bút bức thư gửi đến bố chủ tiệm vàng.
Trưởng phân trại 1 chia sẻ, so với những ngày ở trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang, Luyện hiện gầy hơn nhưng vẫn giữ được nước da trắng. Nhờ cải tạo tốt nên mỗi tháng phạm nhân bị xử 18 năm tù tội Giết người, Cướp tài sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, được gọi điện 5 phút về cho người thân.