Thời gian qua, khi lực lượng CSGT triển khai xử lý vi phạm về nồng độ cồn đã xuất hiện tình trạng một số tài xế đã sử dụng chiêu trò “né” thổi cồn như để lại xe rồi bỏ đi, xin xỏ… Đây là những hành vi khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Mới đây, một sự việc thu hút sự quan tâm của dư luận khi trên mạng xã hội xuất hiện thông tin, khi CSGT yêu cầu dừng xe, một lãnh đạo Thanh tra Sở Xây dựng TP Hà Nội né kiểm tra nồng độ cồn.
Kèm theo là một đoạn clip do một cơ quan báo chí ghi lại ngày 14/3 cảnh một người đàn ông mặc áo kẻ hồng vừa bước ra khỏi xe ô tô đã từ chối thổi nồng độ cồn. Sau đó, người này lững thững đi vào con ngõ nhỏ, bỏ mặc lời gọi quay lại để phối hợp đo nồng độ cồn của lực lượng chức năng.
|
Thông tin đăng tải trên mạng xã hội. |
Người đăng tải cho biết, khi bị Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cẩu xe về, người đàn ông này đã xin và được trả lại xe.
Ngày 30/3, trao đổi với báo chí, ông Vương Tiến Trung, Phó Chánh Thanh tra, Sở Xây dựng Hà Nội xác nhận người trên clip là mình. Theo đó, sự việc xảy ra vào 13h25 ngày 14/3, ông Trung có lái xe ô tô mang biển kiểm soát số 30F241.63 tham gia giao thông trên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) thì được Tổ công tác Đội CSGT số 6 - Công an Thành phố Hà Nội hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe.
Tuy nhiên, ông Trung cho biết, khi xuống xe, do đang cần giải quyết việc gấp nên đã đi vào ngõ nghe điện thoại. Sau đó, quay ra ngay để kiểm tra nồng độ cồn theo sự hướng dẫn của CSGT. Đồng thời khẳng định không vi phạm nồng độ cồn và CSGT tiếp tục mời ông di chuyển ngay sau đó.
Đội CSGT số 6 sau đó cũng xác nhận người lái xe không vi phạm nồng độ cồn.
Dư luận cho rằng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc tiến hành xác minh, làm rõ thông tin trên. Nếu thông tin đăng tải trên mạng xã hội không đúng cần xử lý người đăng tải vì đã làm ảnh hưởng đến cán bộ thanh tra này. Trường hợp xác định cán bộ thanh tra có hành động “né thổi cồn” như thông tin mạng xã hội đăng tải cũng cần phải có biện pháp xử lý, chấn chỉnh.
Qua vụ việc trên cũng khiến dư luận đặt câu hỏi, đối với các trường hợp bị CSGT chặn lại, yêu cầu thổi để kiểm tra nồng độ cồn mà “giả vờ bận, đi vào ngõ, bỏ xe lại...” sẽ bị xử lý thế nào?
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Nghị định 100/2019/NĐ-CP nêu rõ, trường hợp điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, trong đó hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng CSGT sẽ bị phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng.
Cụ thể, mức phạt đối với hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của cảnh sát giao thông được quy định như sau:
Đối với người điều khiển xe máy, phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng (điểm g, khoản 8 điều 6), tước Giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng (điểm g, khoản 10, điều 6). Có thể bị tạm giữ phương tiện đến 7 ngày (điểm b, khoản 1, điều 82).
Đối với người điều khiển ô tô, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng (điểm g, khoản 10 điều 5), tước Giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng (điểm h, khoản 11, điều 5). Có thể bị tạm giữ phương tiện đến 7 ngày (điểm a, khoản 1, điều 82).
Trong đó, mức phạt chính đối với người điều khiển xe máy có nồng độ cồn thấp nhất là 2 triệu đồng và cao nhất là 8 triệu đồng; với ô tô thấp nhất là 6 triệu đồng và cao nhất là 40 triệu đồng.
Như vậy, mức phạt đối với hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của cảnh sát giao thông bằng mức phạt cao nhất đối với lỗi có nồng độ cồn.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bị kiểm tra nồng độ cồn, tài xế đánh Cảnh sát giao thông
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.