Tối 16/2, tổ tuần tra thuộc Phòng CSGT Bình Dương làm nhiệm vụ trên quốc lộ 13, đoạn qua phường Phú Thọ, TP Thủ Dầu Một thì phát hiện một xe máy chở 3 không đội nón bảo hiểm, người điều khiển xe có dấu hiệu say xỉn.
Lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe để kiểm tra, tiến hành đo nồng độ cồn đối với người điều khiển. Trong lúc lập biên bản xử lý, tổ tuần tra bị một người đàn ông ngồi sau xe máy vi phạm liên tục lăng mạ, đồng thời không cho lái xe thổi vào máy đo nồng độ cồn vì sợ lây nhiễm virus Covid-19. Người này còn đòi CSGT đưa bong bóng để bạn mình thổi vào, không đồng ý thổi trực tiếp.
Sau khoảng 30 phút, người điều khiển xe máy vi phạm đã hợp tác, đồng ý thổi vào máy kiểm tra nồng độ cồn. Kết quả kiểm tra, trong hơi thở của người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn. Lực lượng chức năng sau đó đã lập biên bản, tạm giữ giấy phép lái xe để xử lý theo quy định.
|
Ảnh cắt từ clip. Nguồn: Vietnamnet. |
Vậy với hành vi lăng mạ CSGT, đòi thổi bóng vì sợ lây Covid-19 người đàn ông này có thể sẽ bị xử lý thế nào?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, rõ ràng đây là hành vi cản trở thực hiện công vụ, thậm chí có thể được xác định là hành vi chống người thi hành công vụ, bởi vậy hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xác minh làm rõ hành vi và hậu quả của sự việc này để có căn cứ xử lý người đàn ông này theo quy định pháp luật về hành vi ngăn cản thực hiện nhiệm vụ của người thi hành công vụ.
Nếu hậu quả được xác định là nghiêm trọng gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ. Trong trường hợp hậu quả chưa đến mức nghiêm trọng thì vẫn cần phải xử phạt hành chính đối với người đàn ông này.
Còn đối với người điều khiển phương tiện giao thông bị yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, nếu người này từ chối, trốn tránh việc đo nồng độ cồn mà không có lý do chính đáng thì có thể xử phạt người này ở mức phạt cao nhất theo quy định tại Điều 5, và Điều 6, Nghị định 100/2019/NĐ.
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội. |
Theo quy định tại điểm g, khoản 8, điều 6 của Nghị định 100 thì người điều khiển mô tô này có thể bị phạt tới 8.000.000 đồng và tước giấy phép lái xe có thời hạn 22-24 tháng đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh kiểm tra nồng độ cồn.
Luật sư Cường nhấn mạnh, tuy nhiên, quá trình xem xét xử lý cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ lực lượng cảnh sát giao thông có sử dụng ống thổi riêng cho người vi phạm để dùng một lần hay không.
Trong trường hợp cảnh sát giao thông không có ống thổi sử dụng một lần mà yêu cầu người điều khiển phương tiện giao thông thổi trực tiếp vào phễu dùng chung trong bối cảnh dịch viêm phổi cấp do virút covid-19 đang gây ra, lây lan nhanh nhanh chóng trong cộng đồng như hiện nay và các chỉ đạo của cơ quan chức năng về việc đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông khi kiểm tra nồng độ cồn thời điểm có dịch bệnh thì việc người này yêu cầu phải có biện pháp đảm bảo an toàn là chính đáng, trong trường hợp này thì không thể xử phạt người vi phạm.
Ngoài ra cũng cần làm rõ ý chí chủ quan của người điều khiển phương tiện giao thông này là có không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông hay không hay việc không chấp hành này là do sự cản trở của người đi cùng đến mức người này không thể thực hiện được yêu cầu của người thi hành công vụ. Đây là những yếu tố quan trọng để xác định đúng sai, xác định sự việc xảy ra có tình, có lý hay không.
>>> Xem thêm video: Lăng mạ CSGT, đòi thổi bong bóng vì sợ lây Covid-19
Nguồn: Đài Truyền Hình Đồng Tháp.