Ký ức của người lính đi qua 3 cuộc chiến

Google News

Bước sang tuổi 96, song mỗi khi nhớ lại một thời cầm súng, người lính từng vào sinh ra tử Trần Văn Đương như sống lại ở tuổi đôi mươi.

“Khi ra chiến trường, dưới làn mưa bom bão đạn, những người lính như chúng tôi chỉ có một suy nghĩ: quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, đánh bại kẻ thù, bảo vệ Tổ Quốc…”. Đây là chia sẻ của ông Trần Văn Đương, thôn Hạ Đồng, xã Cộng Hiền (huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng). Ông là người lính đã trải qua 3 cuộc chiến, từ chiến dịch Điện Biên Phủ đến kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979.
Ky uc cua nguoi linh di qua 3 cuoc chien
Lãnh đạo huyện Vĩnh Bảo tặng quà ông Đương nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
Chia sẻ với PV, ông Trần Văn Đương cho biết: Năm 1951, khi vừa tròn 23 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông đã lên đường nhập ngũ và được bổ sung vào Đại đội 2, Trung đoàn 99. Sau đó, ông được cử sang Trung Quốc học pháo cao xạ. Năm 1953 ông về nước, sau được biên chế vào Trung đoàn pháo cao xạ 367, Đại đoàn 351.
Sáng ngày 21/12/1953, Đại đoàn 351 và Trung đoàn pháo cao xạ 367 nhận lệnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau nhiều ngày đêm hành quân vất vả, vượt qua chặng đường dài 500km đơn vị của ông đã đến khu vực tập kết chiến dịch. Trung đoàn 367 đặc trách chiến đấu với không quân địch, yểm hộ Đại đoàn bộ binh 312 từ vị trí xuất phát tiến công đến vị trí xuất phát xung phong; bảo vệ trận địa pháo binh mặt đất từ Nà Lơi đến Hồng Cúm; sẵn sàng phát triển lực lượng vào phía đông và tây bắc Mường Thanh.
Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ, các lực lượng phòng không, pháo binh, bộ binh đã bắn rơi và phá hủy 62 máy bay các loại của địch, bắn bị thương hàng trăm chiếc khác, tiêu diệt và bắn nhiều phi công của Pháp. Riêng đơn vị của ông đã bắn rơi 1 chiếc máy bay C47 chuyên tiếp tế lương thực và vũ khí của địch.
Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, đơn vị của ông nhận lệnh tập kết về Lạng Sơn, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc. Đầu năm 1960, ông chuyển sang nhiệm vụ xây dựng xí nghiệp phân đạm Hà Bắc. Đến tháng 9/1960, ông được cử đi học nghiệp vụ tổ chức chính quyền ở Tiên Yên (Quảng Ninh), sau đó được bầu vào cấp uỷ và giữ chức Trưởng phòng tổ chức cán bộ huyện Tiên Yên.
Ky uc cua nguoi linh di qua 3 cuoc chien-Hinh-2
 Những huân, huy chương của ông Đương được trao tặng qua 3 cuộc chiến.
Ngày 5/8/1964, Đế quốc Mỹ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ và mang bom đánh phá miền Bắc, trong đó có Quảng Ninh. Ngày 10/8/1964, ông nhận lệnh tái ngũ, xây dựng tiểu đoàn pháo cao xạ. Khi luyện quân xong, đơn vị ông hành quân cơ động tới các khu vực của tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh lân cận. Đơn vị ông đã phối hợp bắn hạ được 2 máy bay địch ở Mông Dương và Cầu Đuống. Sau đó đơn vị tiếp tục di chuyển ra Cát Bà và tiếp tục lập chiến công bắn hạ 2 máy bay địch.
Năm 1970, ông trở về địa phương tham gia công tác, giữ chức xã đội trưởng rồi phó chủ tịch UBND xã Cộng Hiền. Ông đã cùng quân dân Cộng Hiền tham mưu thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, tuyển quân và chi viện cho chiến trường; làm tốt công tác phòng không nhân dân, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu có hiệu quả.
Tháng 2/1979, Trung Quốc tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Theo lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước, ông lên đường tái ngũ, xây dựng phòng tuyến chiến đấu tại Pò Hèn (Móng Cái, Quảng Ninh). Sau chiến thắng của chiến tranh biên giới, năm 1982, đơn vị ông giải thể, ông về công tác tại Xí nghiệp ngói Vĩnh Bảo, giữ chức Bí thư Đảng uỷ, trưởng phòng tổ chức cán bộ. Năm 1995, ông được về hưởng chế độ hưu trí. Trở về với đời thường, ông đã chăm lo dạy bảo con cháu hăng hái thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương, xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ. Năm 2021, gia đình ông được công nhận gia đình văn hoá tiêu biểu TP Hải Phòng.
Ông Đương chia sẻ: Trải qua nhiều cuộc chiến, nhưng ông may mắn hơn nhiều đồng đội là bản thân không bị thương tật, khi trở về sức khỏe còn khá tốt. Ông vinh dự được trao tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng (chuẩn bị nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng), Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, chiến sĩ thi đua toàn quân…
>>> Mời độc giả xem thêm video Mời quý độc giả xem video: Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt chia sẻ về ký ức về trận đánh Điện Biên Phủ trên không:
 
Dương Bích - Thiên Di

>> xem thêm

Bình luận(0)