Chúng tôi có một cuộc trò chuyện cởi mở với PGS. TS. Nguyễn Thị Ngân Hoa nói về vấn đề này.
Không có cái gọi là “chương trình quốc tế” đúng nghĩa khoa học
- Chương trình dạy học trong một số trường ngoài công lập tại Việt Nam hiện nay thường được quảng bá là “chương trình quốc tế”, bà có thể cho biết bản thực chất của vấn đề này là thế nào?
- Từ “quốc tế” nhiều khi được dùng như một cách PR, quảng bá. Tuy nhiên, về bản chất, các trường ngoài công lập đã có rất nhiều cố gắng để đổi mới các nội dung dạy học đặc biệt là dạy học Tiếng Anh và các môn học bằng tiếng Anh chủ yếu là Toán, Khoa học, có thể thêm Ngữ văn tiếng Anh trong nhà trường. Các trường sử dụng các giáo trình đạt chuẩn của Anh, Hoa Kỳ, các giáo trình này của các nhà xuất bản lớn và dùng trên toàn thế giới, có thể gọi là những giáo trình mang tính quốc tế. Nên hiểu như vậy thì hợp lý hơn.
|
PGS. TS. Nguyễn Thị Ngân Hoa. |
- Như vậy, ở đây chỉ là giáo trình mà thôi còn cái gọi là “chương trình quốc tế” là thế nào, thưa bà?
- Không có cái gọi là “chương trình quốc tế” theo đúng nghĩa là một thuật ngữ khoa học, một nội hàm chặt chẽ. Nhưng có những chương trình giáo dục quốc gia của các nước phát triển có tầm ảnh hưởng toàn cầu - tầm ảnh hưởng quốc tế. Chính vì thế tại Việt Nam chúng ta, việc tiếp cận được chuẩn đầu ra theo chương trình của các nước phát triển đó cũng là một nỗ lực lớn, vươn ra tầm quốc tế. Các trường tư thục, trường ngoài công lập muốn tồn tại được phải có nỗ lực đó. Điều này, theo quan điểm của tôi, là một sự tiến bộ. Ví dụ, chúng ta cố gắng tiếp cận chuẩn giáo dục của các nước phát triển trong khu vực như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, và trên thế giới như Anh, Đức, Pháp, Hoa Kỳ. Hiện tại, chủ yếu chúng ta mới tiếp cận được ở lĩnh vực giáo dục Toán học, Khoa học - Công nghệ, các lĩnh vực của các môn Khoa học Xã hội và Nhân văn thì phức tạp hơn và khó giải quyết hơn.
- Đã từng có những ý kiến cho rằng chúng ta không cần phải cải cách, xây dựng lại Chương trình quốc gia mà mua luôn Chương trình của một sô nước phát triển như Hàn Quốc hay Singapore (cũng là quốc gia châu Á) về để sử dụng và dịch sách của các nước này rồi dùng trong nhà trường Việt Nam. Như vậy sẽ nhanh chóng tiếp cận chuẩn quốc tế và tiết kiệm chi phí, thời gian. Bà có thể cho biết thêm ý kiến về vấn đề này?
Tôi xin phép không đề cập đến vấn đề kinh phí vì không thuộc phạm vi hiểu biết của tôi về khoa học. Chỉ nói về nguyên lý, cơ sở khoa học của việc xây dựng Chương trình giáo dục cho bất kỳ một quốc gia nào, một nhà trường nào thì cách làm đó cũng hoàn toàn phản khoa học: mua một Chương trình nào đó về và dịch ra rồi áp vào nền giáo dục hoặc nhà trường của mình.
Không quốc gia nào giáo dục và đào tạo được con người thay cho chính chúng ta, vì thế, một đất nước muốn phát triển giáo dục, muốn đạt chuẩn quốc tế và ngang hàng được với các quốc gia khác trong chất lượng giáo dục, phát triển con người thì cần phải có sức mạnh nội tại của nó. Phải có quá trình nghiên cứu, chọn lọc và xây dựng được Chương trình giáo dục phù hợp. Điều này đúng với tầm vĩ mô của quốc gia và với từng nhà trường.
Việc ký kết chỉ là hình thức và chủ yếu để PR chứ không phải thực chất
- Như vậy, việc ký kết với một trường phổ thông hoặc đại học, hoặc hệ thống giáo dục, xuất bản của Anh, Mỹ, Nhật hay Hàn quốc có phải là một giải pháp nhanh chóng nhất để nâng cấp Chương trình Nhà trường hay không, thưa bà?
- Mỗi nhà trường tự lựa chọn giải pháp để tiếp cận chuẩn đầu ra và cần có đầu tư cho việc xây dựng Chương trình Nhà trường cũng như hợp tác, liên kết quốc tế. Tuy nhiên, có một sự thực là: Không có trường học nào của các nước phát triển chuyển giao hoàn toàn chương trình hay các sản phẩm dạy học cho một trường ở Việt Nam được.
|
Việc ký kết chỉ là hình thức và chủ yếu để PR chứ không phải thực chất. |
Thứ nhất, Chương trình Nhà trường chỉ là sự cụ thể hoá lại Chương trình quốc gia và diễn giải cụ thể các tài liệu giáo dục (của các Nhà xuất bản có uy tín). Thứ hai, Chương trình Nhà trường phải cập nhật hằng năm, phải được thẩm thấu vào từng giáo viên trong quá trình dạy học. Không có trường nào trên thế giới làm thay cho mình được.
Hơn nữa, kinh phí để mua bản quyền Chương trình Nhà trường thực sự có chất lượng rất cao, và cũng không dùng mãi được một phiên bản. Cho nên đa số việc ký kết chỉ là hình thức và chủ yếu để PR chứ không phải thực chất. Các nhà quản lý và giáo viên của các trường ngoài công lập vẫn phải là đội ngũ chủ chốt để nâng cấp, đổi mới Chương trình Nhà trường.
- Vậy giải pháp cụ thể ở đây là gì, thưa bà?
- Mỗi nhà trường cần đầu tư xây dựng nhân lực mạnh, đào tạo đội ngũ đủ năng lực nghiên cứu các Chương trình quốc gia của các nước phát triển (chẳng hạn theo chuẩn CCS của Hoa Kỳ, Singapore... và một số quốc gia khác trên thế giới, trong khu vực).
Trên cơ sở các chuẩn đó, đội ngũ quản lý của nhà trường cần xác định mục tiêu, chuẩn đầu ra của trường mình, phù hợp với đối tượng và điều kiện thực tế. Sau đó, tiến hành lựa chọn giáo trình, tài liệu phù hợp tương thích với các chuẩn đầu ra đó và xây dựng các công cụ dạy học, đánh giá quá trình trong nhà trường. Nhất thiết phải dùng giáo trình bản quyền. Thế giới sợ nhất việc vi phạm bản quyền tại Việt Nam. Còn các chuẩn Chương trình quốc gia như CCS của Hoa Kỳ, của cả các tiểu bang nữa thì đều được công bố công khai trên mạng và chúng ta có thể nghiên cứu, vận dụng.
Khi theo học các Chương trình Nhà trường như vậy học sinh có đạt được các chuẩn quốc tế như các nhà trường thường quảng bá không, hay đây cũng chỉ là hình thức để PR chiêu sinh, thưa bà?
Thực tế làm việc cho tôi thấy, giáo viên tại các trường ngoài công lập tại Hà Nội phần lớn là rất sáng tạo, nỗ lực và làm việc rất trách nhiệm. Có sự quản lý, tư vấn và đào tạo sát sao thì giáo viên có thể đưa học sinh đạt các chuẩn quốc tế, đặc biệt về Khoa học - Công nghệ. Với Khoa học Xã hội thì chúng ta cần thêm thời gian.
Học sinh có thể thi đạt các chuẩn quốc tế như IELTS, SAT, PET, ACT, TOEFL… ở các cấp học. Cùng với quá trình dạy học đảm bảo chất lượng, các trường ngoài công lập nên có lộ trình để hướng dẫn kỹ học sinh tham gia những kỳ thi theo các chuẩn này. Nhiều trường đã làm được điều đó, chẳng hạn như Olympia School, theo tôi biết qua những học sinh cụ thể của họ, làm điều đó rất tốt. Đó thực sự là điều cần khuyến khích.
- Một câu hỏi mang tính riêng tư hơn, thưa bà, được biết là các con của bà đều theo học và làm việc tại Australia hoặc Hoa Kỳ, phải chăng bà thất vọng với nền giáo dục Việt Nam, mặc dù là một nhà giáo và một người tham gia xây dựng Chương trình nhà trường tại Việt Nam?
- Các bạn ấy đều học phổ thông tại các trường công lập hoặc ngoài công lập tại Việt Nam. Tôi để các bạn ấy trải nghiệm khá đa dạng: Trường Tiểu học Kim Giang, Trường Tiểu học Nam Thành Công, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Trường Phổ thông Dân lập Lương Thế Vinh, Trường Phổ thông chuyên Đại học Sư phạm và Trường THSC - THPT Newton… Kết thúc phổ thông, các bạn ấy đều được định hướng để thi đạt các chuẩn quốc tế và lấy học bổng du học.
Tôi muốn các bạn ấy có thể làm việc và học tập trong mọi môi trường trong nước và quốc tế. Không hề có sự thất vọng nào cả! Các bạn ấy là sản phẩm của giáo dục phổ thông Việt Nam và giáo dục đại học tại Australia, Hoa Kỳ… Nhưng trên hết là giáo dục gia đình, các bạn ấy thường đùa là bị gia đình “nhồi sọ” một quan niệm “cổ hủ”: Học tập và làm việc là phải vất vả và nỗ lực không ngừng, không có chuyện dễ dàng đạt được kết quả. Về bản chất, các bạn ấy là những học sinh bình thường như mọi học sinh Việt Nam khác.
Xin cảm ơn bà!