Ngày 13/2, một phụ huynh có con học tại trường ở Cầu Giấy (Hà Nội) nhận thông báo việc lớp tạm thời chuyển sang học online vì có một số bạn dương tính với SARS-CoV-2.
Cùng với đó, giáo viên chủ nhiệm thông báo các học sinh trong lớp test một lần mỗi ngày, khuyến khích phụ huynh cho con xét nghiệm PCR, báo lại trường để có phương án tiếp theo.
|
Một trường ở Hà Nội thông báo phụ huynh tự test nhanh cho con tại nhà 2 lần/tuần và gửi kết quả cho giáo viên. Ảnh minh họa: PAHO.
|
Phụ huynh nhận thông báo tự test cho con ở nhà
Phụ huynh này cho rằng việc test mỗi ngày một lần không cần thiết vì chi phí test nhanh tương đối cao. Thay vào đó, trong trường hợp lớp có một số học sinh mắc Covid-19, cha mẹ chỉ cần test cho con vài ngày một lần.
Một phụ huynh có con học tại trường tư thục khác, cũng ở quận Cầu Giấy, chia sẻ sau Tết Nguyên đán, giáo viên chủ nhiệm lớp thông báo trong nhóm việc gia đình tự xét nghiệm nhanh cho con ở nhà vào chủ nhật và thứ tư hàng tuần, báo lại kết quả cho giáo viên. Việc này được tiến hành kể cả khi lớp chưa phát hiện ca mắc Covid-19.
Trước đó, chiều 11/2, trường THPT Marie Curie (Hà Nội) gửi thông báo đến nhóm phụ huynh sau khi một học sinh lớp 10 dương tính với nCoV. Theo đó, nhà trường yêu cầu toàn bộ học sinh trong lớp chuyển sang hình thức học trực tuyến tại nhà, theo dõi sức khỏe.
Nhà trường đề nghị phụ huynh test nhanh Covid-19 cho con tại nhà vào ngày 11/2. Học sinh cũng cần xét nghiệm rRT-PCR tại cơ sở dịch vụ y tế ngày 14/2.
Phương án học tập tiếp theo sẽ được đưa ra sau khi học sinh có kết quả xét nghiệm ngày 15/2.
Việc trường thông báo phụ huynh tự test nhanh cho con định kỳ 2 lần/tuần khi chưa ghi nhận F0 trong lớp hay xét nghiệm nhanh mỗi ngày, thậm chí rRT-PCR, khi lớp có ca dương tính SARS-CoV-2 khiến phụ huynh thắc mắc.
Nói về việc test nhanh cho học sinh, anh H.S., phụ huynh ở Nam Từ Liêm, cho rằng chỉ cần làm xét nghiệm nhanh khi lớp có F0 hoặc học sinh có triệu chứng.
Bản thân anh không phản đối việc gia đình tự test cho con. Anh coi đây là cách để phát hiện sớm nếu trẻ mắc Covid-19 nhằm điều trị kịp thời, tránh diễn biến nặng, ảnh hưởng tới sức khỏe. Hơn nữa, việc này cũng giúp trường hạn chế đến mức tối thiểu F0 trong trường, duy trì việc dạy học trực tiếp nhiều nhất có thể.
Trong khi đó, một số phụ huynh khác lại cho rằng việc test định kỳ hay test thường xuyên không cần thiết vì có thể tại thời điểm lấy mẫu, con cho kết quả âm tính nhưng sau buổi học, kết quả đã chuyển sang dương tính.
Một phụ huynh khác cân nhắc đến yếu tố kinh tế khi gia đình có 2 con. Nếu trường yêu cầu test nhanh tại nhà, mỗi ngày, họ cần đến 2 kit test, đẩy chi phí xét nghiệm nhanh lên cao dù hiệu quả phòng, chống dịch khi test liên tục không lớn.
“Để hài hòa giữa phụ huynh và nhà trường, tôi cho rằng trường nên khuyến khích cha mẹ học sinh tự test cho con, tức trên tinh thần tự nguyện, và chỉ yêu cầu xét nghiệm nhanh tại nhà khi lớp có F0”, anh H.S. đề nghị.
Test định kỳ 2 lần/tuần không có ý nghĩa
Trên thực tế, Hà Nội không có văn bản hướng dẫn nào yêu cầu phụ huynh tự test nhanh cho con tại nhà. Trước khi đến trường, gia đình chỉ cần kiểm tra thân nhiệt, theo dõi sức khỏe trẻ. Nếu con có triệu chứng ho, sốt, khó thở, phụ huynh báo giáo viên để buổi đó, con học trực tuyến.
Theo chia sẻ của các hiệu trưởng, việc xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 cũng chỉ áp dụng khi học sinh được xác định là F1 còn test PCR được tiến hành khi các em có kết quả test nhanh dương tính.
Sau khi nhận phản ánh, trường Marie Curie cũng dừng yêu cầu xét nghiệm PCR khi lớp học có F0. Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang thừa nhận việc yêu cầu phụ huynh xét nghiệm rRT-PCR chưa hiệu quả, tốn kinh phí, thời gian và hướng giải quyết của trường chưa thích ứng linh hoạt do thiếu kinh nghiệm ở giai đoạn đầu cho học sinh đến lớp trở lại.
Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đánh giá việc xét nghiệm nhanh liên tục hoặc định kỳ 2 lần/tuần không cần thiết.
“Test định kỳ không góp phần sàng lọc F0 trước. Hơn nữa, việc xét nghiệm thường xuyên gây tốn kém tiền bạc, Mỗi lần test lại thêm chất thải ra bị xả ra môi trường, gây ô nhiễm”, PGS Nguyễn Huy Nga nói.
Theo ông, gia đình chỉ cần test nhanh khi trẻ là F1 (lớp hoặc trong nhà có người mắc Covid-19, tiếp xúc gần) hoặc khi trẻ có triệu chứng nghi nhiễm SARS-CoV-2.
Ông nói thêm khi trường học mở cửa, việc xuất hiện F0 trong lớp là chuyện bình thường. Phụ huynh không cần quá lo lắng hay test hàng ngày vì hết hết học sinh từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine phòng Covid-19.
Ngày 8/2, trong công điện gửi giám đốc các sở GD&ĐT, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý các trường không chủ quan, xem nhẹ việc phòng dịch nhưng cũng không thực hiện căng thẳng quá mức cần thiết, ảnh hưởng việc học tập và sinh hoạt của học sinh.
Bên cạnh đó, các trường cần triển khai nội dung, biện pháp phòng, chống dịch và xử lý các tình huống phát sinh kịp thời, hiệu quả theo các phương án, kịch bản đã được UBND tỉnh phê duyệt và chỉ đạo, đồng thời tổ chức tuyên truyền, tập huấn, diễn tập cho giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận cho trẻ em mầm non, học sinh đến trường, đảm bảo an toàn.