Chiều 7/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã khởi tố thêm 22 bị can cùng về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả", quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình Sự. Trong số này, 3 người bị bắt giam, 19 người được tại ngoại.
Đây là diễn biến mới trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát, chủ Nhà sách Minh Thuận) và 11 đối tượng liên quan có hành vi sản xuất hàng giả, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, môi giới hối lộ và nhận hối lộ.
|
Ông Trần Hùng bị khởi tố tội nhận hối lộ.
|
Trước đó, tháng 6/2021, C03 khởi tố Cao Thị Minh Thuận, Hoàng Mạnh Chiến (Giám đốc Công ty CP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội) cùng 5 bị can khác về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả".
Kết quả điều tra xác định từ năm 2020, các bị can thuộc 2 doanh nghiệp thiết lập dây chuyền thu mua giấy, in ấn sách giáo khoa giả. Công ty In và văn hoá truyền thông phụ trách khâu sản xuất hàng giả. Còn phía Phú Hưng Phát đầu tư hệ thống vận tải để tiêu thụ sách giả.
Khám xét hơn 50 địa điểm của đường dây sản xuất và tiêu thụ sách giáo khoa giả này tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Thanh Hóa, ban chuyên án tạm giữ trên 3,2 triệu cuốn sách giáo khoa giả, 3 máy in, hơn 1,5 triệu tem giả... Cơ quan điều tra cho rằng nhóm sản xuất hàng giả đã thu lợi bất chính gần 50 tỷ đồng.
Liên quan vụ án này, tháng 11/2021, Bộ Công an đã khởi tố ông Trần Hùng (cựu kiểm soát viên chính, cựu Tổ trưởng Tổ 1444 thuộc Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương) về tội "Nhận hối lộ". Bị can Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) bị xác định là người "Môi giới hối lộ".
Cơ quan chức năng cáo buộc, từ tháng 7/2020, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện một số doanh nghiệp trên địa bàn có sai phạm trong hoạt động kinh doanh in ấn, phát hành sách giáo khoa. Thời điểm đó, ông Trần Hùng trực tiếp chỉ đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội và Đội quản lý thị trường số 17 kiểm tra kho của Công ty Phú Hưng Phát do Cao Thị Minh Thuận làm giám đốc. Tại đây, lực lượng quản lý thị trường phát hiện, thu hơn 27.000 quyển sách thuộc 68 đầu sách giáo khoa giả.
Ông Hùng bị cho rằng, đã không chỉ đạo cấp dưới giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Hành vi này khiến vụ sản xuất sách giả bị phát hiện nhưng không được điều tra, xử lý hình sự. Việc làm của ông Hùng để cho đường dây sách giả này tiếp tục hoạt động.
Đến nay, vụ án có tổng cộng 34 người bị khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ điều tra.
Danh sách 22 bị can vừa bị khởi tố, gồm:
Các bị can bị tạm giam: Văn Thị Hiền, Đỗ Văn Được, Phan Thị Thanh Thoan.
Nhóm bị can tại ngoại: Đỗ Đức Tiến (chủ Công ty Long Phát); Lục Văn Quán (Giám đốc Công ty Hoài Đức); Nguyễn Ngọc Phương (Giám đốc Công ty Thuận Phát); Nguyễn Văn Thắng (Giám đốc Công ty Thái Việt); Nguyễn Mạnh Thắng, Nguyễn Minh Đức (Công ty Tạp phẩm và vật tư ngành in); Nguyễn Văn Toàn (Giám đốc Công ty in Lâm Anh); Đinh Văn Thăng, Lê Đình Quý, Lưu Hồ Thịnh, Nguyễn Quốc Toản, Nguyễn Thị Thanh, Trần Thị Lan, Trần Văn Hoan; Hoàng Kim Oanh (chủ Nhà sách Oanh); Phan Thị Ngọc Hoàn (chủ Nhà sách Oanh Hoàn); Nguyễn Thị Liên, Hoàng Thị Thúy Hằng, Trần Thị Thu Trang (các nhân viên Công ty Phú Hưng Phát).