Mới đây (ngày 23/12), Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an TP. Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 26 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã triệt phá cơ sở sang chiết, dán nhãn rượu giả xuất xứ nước ngoài tại một địa điểm ở phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội do Tạ Tiền Mỹ (SN 1984) làm chủ.
Vào thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện rất nhiều can rượu loại 20l và vỏ chai rượu Back Lào đã được rút lõi. Chủ cơ sở khai nhận, dùng rượu này để sang chiết sang các bình rượu hình các con linh vật khác nhau. Những sản phẩm rượu giả xuất xứ này có hình các con linh vật, đang được nhiều người tìm mua trong dịp cuối năm, cận Tết.
|
Số rượu giả mạo nhãn mác nước ngoài bị Tổ công tác liên ngành kiểm tra |
Theo lực lượng chức năng, đối tượng nhận thấy thị trường nổi lên mặt hàng rượu đóng chai hình con Trâu, tượng trưng cho con Giáp năm 2021 nên đã tìm mua số lượng lớn chai thủy tinh, chai sứ hình con giáp, tem nhãn trên mạng xã hội sau đó mua loại rượu Black Lào không có nguồn gốc xuất xứ để làm giả với sản phẩm thật vốn có nguồn gốc từ Armenia, Moscow và bán ra cho người tiêu dùng.
Mỗi một sản phẩm rượu hình linh vật như thế này đang được rao bán trên thị trường có giá hơn 1 triệu đồng. Sau khi làm giả, các đối tượng phân phối và tiêu thụ chủ yếu thông qua mạng xã hội zalo, Facebook.
Với chi phí chỉ mất khoảng 100 nghìn đồng nhưng nếu tiêu thụ trót lọt, giá bán của những "đồ giả" này được thổi lên gấp cả chục lần… Lợi nhuận quá lớn, khiến đối tượng này bất chấp tất cả để sản xuất rượu giả, bán ra thị trường…
Trước đó, Đội QLTT số 26, Cục QLTT Hà Nội, khi kiểm tra một xe tải trên đường Cienco5, quận Hà Đông đã phát hiện 1.400 kg thịt bò nhập khẩu đã hết hạn sử dụng từ tháng 4 năm 2019.
Theo đại diện Đội QLTT số 26 cho biết, số thịt bò nói trên đã bốc mùi hôi thối, nếu không được phát hiện kịp thời sẽ được đưa đi các nhà hàng, quán ăn để tiêu thụ.
Tương tự, tại tỉnh Bình Dương, lực lượng chức năng cũng phát hiện một tấn rưỡi thực phẩm nhập lậu bao gồm ô mai, ngô cay, kẹo mềm. Ngoài ra, hơn 200 kg thực phẩm và một lượng lớn củ cải khô, dầu hào không rõ nguồn gốc cũng được phát hiện và tiêu hủy tại Lạng Sơn.
Đánh giá về tình trạng trên, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục QLTT cho biết, hiện tại, các mặt hàng thực phẩm có thể được nhập về dưới dạng nguyên liệu hoặc bán thành phẩm sau đó được đóng gói.
Sau đó, các sản phẩm nói trên được sang chiết và dán nhãn mác hàng Việt Nam để tiêu thụ. Điều đáng chú ý, việc mua bán các loại thực phẩm giả, không đảm bảo chất lượng thường được thực hiện online hoặc dưới hình thức chuyển phát nhanh. Theo đó, điều này gây nhiều khó khăn cho lực lượng quản lý thị trường trong quá trình kiểm soát.
"Chúng tôi trước hết kiểm tra xử lý vi phạm những nhóm mặt hàng trọng điểm, là thực phẩm thiếu yếu trong dịp Tết như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, đường, mỳ chính. Tập trung vào những tuyến địa bàn trọng điểm như khu vực gần cửa khẩu, đường mòn lối mở, khu vực tập kết hàng gần biên giới, chợ đầu mối, các tuyến đường sắt, đường thủy và hàng không", ông Linh khẳng định.
Chuẩn bị đến Tết Nguyên đán, Ban chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban chỉ đạo 389 các bộ ngành, địa phương xây dựng các kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết, trong đó xác định mặt hàng, địa bàn trọng điểm.
“Các lực lượng chức năng thuộc Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương cần duy trì kiểm soát biên giới chặt chẽ, tăng cường kiểm soát tuyến đường bộ từ biên giới vào nội địa ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng” - Ban chỉ đạo 389 quốc gia nêu rõ.