Kinh doanh hàng lậu trên sàn thương mại điện tử: Trách nhiệm không của riêng ai

Google News

Hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan trên các sàn TMĐT không còn lạ, vấn đề nhập nhèm hàng lậu, hàng chính hãng luôn nhức nhối và khó để xử lý...

Vua Hàng Hiệu “tiếp tay” cho hàng lậu?

Được biết, sàn TMĐT Vua Hàng Hiệu chịu trách nhiệm điều phối, quản lý bởi Công ty Cổ phần Thương mại Vua Hàng Hiệu. Doanh nghiệp này đi vào hoạt động từ 28/01/2019, với vốn điều lệ là 5 tỷ đồng.
Theo lời quảng cáo trên sàn TMĐT Vua Hàng Hiệu, mục tiêu của sàn là liên tục nâng cao nền tảng của bản chất sàn thương mại điện tử để mang lại những trải nghiệm mua sắm liền mạch, thú vị cho tất cả người dùng và trở thành nền tảng thương mại điện tử chuyên về các sản phẩm hàng hiệu uy tín cả trong và ngoài nước. Đồng thời, Vua Hàng Hiệu mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử và ngành bán lẻ tại Việt Nam. Đây là một phần quan trọng tạo ra động lực mạnh mẽ để phát triển nền kinh tế.
Thế nhưng, đối chiếu theo quy định pháp luật thì sản phẩm không hóa đơn, không có nguồn gốc được bày bán trên sàn TMĐT Vua Hàng Hiệu được quy vào các loại hàng lậu. Như vậy, vô hình chung Vua Hàng Hiệu đang tạo ra “sân chơi” phát triển cho hàng lậu, hàng nhái, gây ảnh hưởng tới thương hiệu, uy tín của các doanh nghiệp chính hãng trong và ngoài nước.
Kinh doanh hang lau tren san thuong mai dien tu: Trach nhiem khong cua rieng ai
Vua Hàng Hiệu "nhập nhèm" hàng lậu
Có thể thấy, vấn đề hàng lậu, hàng nhái tràn lan trên sàn TMĐT Vua Hàng Hiệu nói riêng và các hình thức buôn bán hàng hóa trực tuyến nói chung đã vô cùng phổ biến. Ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, liên tục trong thời gian ngắn, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước phát hiện, bắt giữ hàng loạt vụ tập kết, vận chuyển mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng mà các đối tượng chủ yếu lợi dụng hình thức bán hàng trực tuyến để tiêu thụ.
Điển hình, ngày 22/6, lực lượng quản lý thị trường phối hợp PC03 (Công an thành phố Hà Nội) "tổng tấn công" các địa điểm tại Hưng Yên và Hà Nội thu giữ hàng trăm nghìn sản phẩm, chủ yếu là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang và đồ gia dụng không rõ nguồn gốc xuất xứ, được kinh doanh chủ yếu trên nền tảng thương mại điện tử.
Tại Hà Nội, Đội Quản lý thị trường số 14 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phối hợp Đội 7, PC03 (Công an thành phố Hà Nội) tiến hành kiểm tra nhiều điểm kinh doanh và tổng kho nằm ở các vị trí khác nhau trên địa bàn thành phố. Với 8 địa điểm được đồng loạt kiểm tra trong ngày 22/6, lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ khoảng 40 tấn hàng gồm 123.425 sản phẩm mang dấu hiệu vi phạm.
Ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội cho biết, mặc dù đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, song các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử vi phạm pháp luật diễn biến ngày càng phức tạp. Khó khăn lớn nhất là các đối tượng không có cửa hàng, chỉ thông qua các website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sau đó chuyển hàng và thanh toán trực tiếp theo thỏa thuận. Hàng hóa được phân tán nhỏ lẻ, cất giấu ở nhiều nơi, đặc biệt, nhiều địa điểm hoạt động kinh doanh trực tuyến nằm trong nhà dân, khu chung cư, khiến lực lượng chức năng khó tiếp cận, kiểm tra, xử lý.
Cũng theo ông Chu Xuân Kiên, các đối tượng còn thường xuyên lợi dụng kho hàng, xe hàng của các hãng chuyển phát, giao nhận mà lực lượng quản lý thị trường không có thẩm quyền dừng xe, mở niêm phong kiểm tra để vận chuyển hàng. Bên cạnh đó, việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch thương mại điện tử, hàng hóa giao dịch còn gặp nhiều khó khăn bởi lực lượng quản lý thị trường không có thẩm quyền đề xuất lấy các sao kê ngân hàng, theo dõi giao dịch tài chính của đối tượng…

Quy định pháp luật chưa đủ để răn đe

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Luật sư Công ty Luật TNHH DTLaw nhận định: Các quy định pháp luật hiện nay liên quan đến hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu được căn cứ vào giá trị hàng hóa chưa đủ để các doanh nghiệp phải “sợ”. Theo đó, mức phạt tiền rơi vào khoảng 30 - 40% giá trị hàng nhập lậu, thế nhưng để định giá giá trị của hàng lậu này cũng không hề dễ dàng, và số tiền lãi từ buôn bán hàng nhập lậu cũng “dư sức” để chi trả cho mức phạt này.
Anh Đ.T.A, một chủ shop chuyên kinh doanh hàng thời trang xuất, nhập khẩu tại Hà Nội cũng cho biết, không ít doanh nghiệp kinh doanh hàng lậu nhỏ và vừa hoạt động kín kẽ qua nhiều năm mà cơ quan chức năng không hay. Nhu cầu tiêu dùng của người dân thì rất lớn, cộng thêm tâm lý ưa đồ hiệu giá thấp hơn đồ chính hãng (dù chỉ 1-2 triệu đồng) là môi trường tốt để cho việc kinh doanh hàng nhập lậu phát triển không ngừng.
Ngày 12/11/2021, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tổ chức hội nghị tập huấn triển khai Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử. Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Kinh doanh hang lau tren san thuong mai dien tu: Trach nhiem khong cua rieng ai-Hinh-2
 Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử
Tại hội nghị, các đại biểu đã được báo cáo viên giới thiệu tổng quan về thương mại điện tử và xử lý vi phạm liên quan đến thương mại điện tử; khung pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử. Quy trình xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thông tin truyền thông và kinh doanh hàng giả, hàng cấm qua đường bưu chính và internet; nhận diện hành vi, phương thức, thủ đoạn vi phạm trong hoạt động xuất nhập khẩu; quản lý thuế và những hành vi vi phạm thuế trong thương mại điện tử; phương pháp thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên không gian mạng.
Theo đó, việc phát triển thương mại điện tử đồng nghĩa với việc kiểm soát thị trường sẽ gặp nhiều bất lợi vì đa số các gian hàng trên mạng là gian hàng ảo có địa chỉ ma, số điện thoại không rõ ràng, dịch vụ bưu chính vẫn chưa có chế tài chặt chẽ. Bên cạnh đó, vi phạm kinh doanh trên môi trường mạng gây ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự an toàn xã hội.
Thời gian tới, để đảm bảo hiệu quả trong công tác thu thập thông tin, tài liệu và phối hợp điều tra xử lý, các lực lượng trong Ban chỉ đạo 389 các tỉnh cần có sự sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị được giao nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch cụ thể chi tiết, phân công rõ vai trò trách nhiệm của từng lực lượng tham gia công tác điều tra xử lý.
Có thể thấy, tương lai để hình thức kinh doanh trực tuyến có thể “sạch sẽ” khỏi các loại hàng lậu, hàng giả, vẫn còn rất xa, khi mà vẫn tồn tại các sàn TMĐT như Vua Hàng Hiệu tiếp tay cho hành vi kinh doanh hàng lậu, hàng nhái. Cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để xây dựng nên một môi trường kinh doanh trên mạng trong sạch và vững vàng, đảm bảo quyền lợi cho cả người tiêu dùng, nhà sản xuất và các đơn vị phân phối hàng chính hãng.
Minh Châu

>> xem thêm

Bình luận(0)