Họp báo Chính phủ tháng 11/2022: Kinh tế, xã hội đạt kết quả ấn tượng

Google News

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.

Chiều 1/12, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ.
Nhiều kết quả ấn tượng
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, KTXH nước ta tháng 11 và 11 tháng tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, nền tảng ổn định, các chỉ số của nền kinh tế tương đối tốt:
Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng tăng 3,02%.
Hop bao Chinh phu thang 11/2022: Kinh te, xa hoi dat ket qua an tuong
 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ.
Các cân đối lớn được bảo đảm (thu NSNN 11 tháng ước vượt 16,1% dự toán, tăng 17,4%; kim ngạch XNK đạt hơn 673,8 tỷ USD, tăng 11,8%, xuất siêu 10,6 tỷ USD; an ninh lương thực được bảo đảm, 11 tháng xuất khẩu nông sản đạt hơn 49 tỷ USD, tăng 11,8%; trong đó xuất khẩu gạo đạt gần 7 triệu tấn; đã cơ bản giải quyết tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ; Cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu).
Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi. Chỉ số IIP tháng 11 tăng 0,3% so tháng trước, tăng 5,3% so cùng kỳ, 11 tháng tăng 8,6% so cùng kỳ...
Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng, nước ta còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý. Các loại thị trường, lưu thông dòng tiền của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Chỉ số sản xuất công nghiệp tổng thể vẫn tăng nhưng đang có xu hướng giảm. Việc triển khai một số nhiệm vụ của Chương trình phục hồi, phát triển KTXH, các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra. Nhiều DN còn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cục bộ chưa được xử lý dứt điểm. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn...
Chỉ đạo các nhiệm vụ thời gian tới, sau khi phân tích tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, đặc biệt nhấn mạnh, những khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn so với cơ hội, thuận lợi, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ quan điểm chỉ đạo, điều hành: Tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo dõi sát diễn biến tình hình, chủ động, linh hoạt, có phản ứng chính sách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, dứt khoát; bảo đảm thực hiện đồng bộ các mục tiêu trước mắt và lâu dài trên tinh thần bài bản, khoa học, sát tình hình thực tiễn, thúc đẩy phát triển KTXH nhanh và bền vững.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác nhưng cũng không hoang mang, lo lắng; càng khó khăn, phức tạp thì càng phải giữ được sự bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì, kiên định; đồng thời hết sức tránh giật cục trong chỉ đạo, điều hành. Tăng cường đoàn kết, thống nhất; nâng cao hiệu quả phối hợp, chia sẻ, cùng nhau gánh vác trách nhiệm; phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh mỗi bộ, ngành, đơn vị, đồng thời huy động hiệu quả sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành.
Chính phủ giao nhiều nhiệm vụ
Trên tinh thần này, chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương:
Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Bảo đảm thanh khoản, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống tiền tệ, tín dụng, ngân hàng.
Phải tìm được điểm cân bằng giữa vấn đề lãi suất và tỉ giá, giữa chống lạm phát và tăng trưởng. Tăng tín dụng phải rà soát kỹ, chắc chắn, hợp lý, hiệu quả gắn với kiểm soát lạm phát; đồng thời, việc mở rộng chính sách tài khóa phải có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả. Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết.
Thúc đẩy các loại thị trường phát triển an toàn, công khai, minh bạch, lành mạnh và bền vững, nhất là thị trường tín dụng, trái phiếu, chứng khoán, bất động sản...; chấn chỉnh những cái sai, những việc làm chưa đúng, đồng thời bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh triển khai 03 CTMTQG và Chương trình phục hồi và phát triển KTXH. Chủ động và quyết liệt hơn nữa trong đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện các công trình trọng điểm, nhất là về giao thông, năng lượng...
Tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Trong đó, tập trung theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả để có biện pháp điều hành phù hợp; bảo đảm nguồn cung, nhất là các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu, lương thực, thực phẩm; không để diễn ra tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ. Thực hiện hiệu quả chính sách bình ổn giá dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán.
Khai thác tốt thị trường nội địa, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các FTA; tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho DN, thúc đẩy SXKD, mở rộng thị trường, đặc biệt là vấn đề vốn. Đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Thúc đẩy sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực gắn với phân bổ nguồn lực; đề cao vai trò người đứng đầu, đồng thời phát huy tính sáng tạo, chủ động, linh hoạt của cấp dưới. Có giải pháp phù hợp, kịp thời đối với các vấn đề phát sinh liên quan đến đời sống người dân. Chuẩn bị chu đáo công tác chăm lo Tết Nguyên đán Quý Mão cho nhân dân, người có công với cách mạng, các đối tượng yếu thế. Đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp cuối năm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng, chống dịch COVID-19; chủ động phòng chống các loại dịch bệnh khác, không để dịch chồng dịch. Khắc phục và giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Nắm bắt tình hình người lao động mất việc làm tại các khu công nghiệp, các ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động để có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.
Nắm chắc diễn biến, tình hình thế giới và khu vực, động thái của các nước để có đối sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả, không để bị động bất ngờ. Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.
Đẩy mạnh thông tin, truyền thông về thành tựu phát triển KT-XH, lan tỏa các nhân tố tích cực, tạo không khí vui tươi, phấn khởi đón mừng năm mới 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão; tạo niềm tin, động lực triển khai nhiệm vụ năm 2023. Chủ động, tích cực đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, xấu, độc, các quan điểm sai trái, thù địch làm phương hại đến lợi ích của nhà nước và nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ kỳ họp Quốc hội bất thường sắp tới bảo đảm tiến độ và chất lượng; khẩn trương ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch; phối hợp chặt chẽ trong triển khai xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, bảo đảm chất lượng, phù hợp, khả thi, đúng tiến độ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) nói về việc Thanh tra Chính phủ chọn ngẫu nhiên 30 cán bộ của 7 bộ ngành để xác minh tài sản
 
Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)