Công ty TNHH Carimax Sài Gòn ở địa chỉ xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi, TP HCM.
Theo phản ánh của công nhân, theo quy định, từ 1/1/2015 mức lương tối thiểu của người lao động được tăng thêm 400.000 đồng/người/tháng nhưng đến thời hạn, công ty chỉ áp dụng cho những người mới vào làm việc.
|
Các công nhân phản ảnh bức xúc về lương thưởng với báo chí sáng 9-1 - Ảnh: Quang Phương. |
Những người làm việc lâu năm, công ty áp dụng mức riêng theo cách phân loại A (300.000 - 400.000 đồng), B (200.000 - 300.000 đồng), C (100.000 - 200.000 đồng), D (0 đồng).
Để được thưởng thì năng suất sản lượng sản phẩm phải đạt 75%, đồng thời công nhân phải đảm bảo mức tăng thêm 3% sản lượng cho mỗi tháng tiếp theo. Với cách tính lương này, công nhân làm việc lâu năm cho rằng họ bị thiệt thòi.
Bên cạnh đó, công nhân cho biết họ đình công vì bị “xén” lương tháng 13 (lương tháng 13 bằng 90% tháng lương cơ bản của mỗi công nhân nhưng lại chia làm hai đợt: trước tết âm lịch nhận 60%, sau tết nhận 30%). Để nhận được 30% lương tháng 13, công ty đưa ra điều kiện sản lượng 85% trở lên. Đối với những công nhân làm việc dưới 6 tháng thì không được tiền thưởng Tết.
Bà Đỗ Thị Lý làm việc tại công ty từ năm 2005 cho biết dù gắn bó với công ty cả chục năm nhưng mỗi tháng lương của bà chỉ 3,6 triệu đồng. Tết dương lịch vừa rồi cũng không có thưởng. Hàng tháng công ty hỗ trợ tiền ăn sáng và tiền chuyên cần 400.000 đồng nhưng nếu nghỉ quá 5 giờ đồng hồ thì bị cắt tiền chuyên cần (200.000 đồng), tiền ăn sáng nghỉ buổi nào bị trừ buổi đó.
Bức xúc trước vấn đề lương, thưởng, từ ngày 3 đến 7/1, hầu hết các công nhân đều lãn công. Họ đến xưởng nhưng không làm việc.
|
Thông báo sa thải công nhân của công ty khiến hàng trăm công nhân phải ra đứng ngoài đường sáng 9/1. Ảnh: Quang Phương. |
Trước tình hình này, hàng ngày công ty đều ra thông báo với nội dung vì công nhân lãn công nên công ty không đặt cơm trưa cho công nhân, cúp điện tất cả các khu vực có công nhân đình công, không trả tiền lương các ngày lãn công, không trả tiền lương tháng 13.
Cuối cùng, 16h chiều 8/1, tổng giám đốc công ty đã ra thông báo sa thải công nhân với nội dung “Sa thải tất cả những công nhân đang làm việc tại công ty (ngoại trừ 51 công nhân trong danh sách đính kèm)”. Lý do công ty đưa ra để sa thải công nhân là vì công nhân tự ý nghỉ việc.
Sáng 9/1, hàng trăm công nhân kéo đến công ty nhưng công ty đóng cửa không cho vào, họ phải đứng đợi ngoài đường.
Ông Hwang Chan Kyung, tổng giám đốc công ty, cho biết xảy ra tình trạng lãn công là do tình hình kinh tế của công ty gặp nhiều khó khăn, công ty phải điều chỉnh mức lương, thưởng.
Ông Hwang Chan Kyung cho biết thêm từ cuối năm ngoái đến nay, hơn 15 lần lãnh đạo công ty đối thoại, thỏa thuận với công nhân nhưng kết quả không thành, làm cớ cho việc lãn công tiếp diễn. Công ty hứa trả lương tháng 13 cho công nhân với điều kiện không xảy ra lãn công nhưng hiện nay lãn công đã diễn ra nhiều ngày nên không công ty ra thông báo không trả lương tháng 13.
Để giải quyết tình trạng lãn công kéo dài, gây thiệt hai cho cả hai bên, ông Kyung cho biết hiện lãnh đạo công ty chưa có giải pháp cụ thể nào nhưng hướng trước mắt là sẽ kết hợp với công đoàn, liên đoàn lao động huyện Củ Chi vận động, kêu gọi công nhân trở lại làm việc và tiếp tục đối thoại, thỏa thuận để đưa ra cách tính lương, thưởng hợp lý.