Hôm nay, xét xử vụ vỡ đường ống nước sông Đà

Google News

(Kiến Thức) - Ngày hôm nay (5/3), TAND TP Hà Nội sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án vỡ đường ống nước sông Đà.

Trong vụ án này, 9 bị cáo bị đưa ra truy tố gồm có: Hoàng Thế Trung (nguyên giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà – Hà Nội); Nguyễn Văn Khải (nguyên Phó giám đốc Ban quản lý dự án); Trương Trần Hiền, Trần Cao Bằng, Vũ Thanh Hải, Đỗ Đình Trì, Nguyễn Biên Hùng, Hoàng Quốc Thống và Bùi Minh Quân. Tất cả các bị cáo cùng bị truy tố về tội danh “Vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
 Từ tháng 2/2012 đến tháng 10/2016, tuyến ống của hệ thống cấp nước Sông Đà đã bị vỡ 18 lần với 23 cây ống composite cốt sợi thủy tinh bị hư hỏng.
Theo cáo trạng, dự án nước cấp nước sông Đà - Hà Nội, do Tổng công ty Vinaconex làm chủ đầu tư, triển khai xây dựng từ năm 2004, và đến 2009 được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, khai thác hệ thống cấp nước sông Đà, nhiều tuyến ống liên tục xảy ra sự cố nứt, vỡ. Tính từ ngày 4/2/2012 đến ngày 2/10/2016, đường ống nước sông Đà đã bị vỡ 18 lần, với số lượng 23 cây ống composite cốt sợi thủy tinh bị vỡ, doanh nghiệp khai thác đã phải chi phí hơn 16,6 tỷ đồng để khắc phục.
Doanh nghiệp khai thác còn phải dừng cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân trong thời gian 368 giờ, lượng nước ngừng cấp là hơn 1,7 triệu m3, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 177.000 hộ dân trên địa bàn TP Hà Nội.
Cáo trạng nêu rõ, nguyên nhân gây ra hậu quả trên là do vi phạm trong quá trình sản xuất ống, quá trình quản lý, giám sát thi công xây dựng tuyến ống truyền tải nước sạch Dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội. Trong đó, quá trình sản xuất ống chưa kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào, ống được sản xuất có chất lượng không đồng đều, chỉ tiêu độ cứng vòng của nhiều mẫu thử không đạt yêu cầu. Ngoài ra, không thực hiện thử nghiệm độ bền thủy tinh dài hạn để làm cơ sở cho việc kiểm tra độ bền dài hạn của tuyến ống sau này.
Ban quản lý dự án, nhà thầu giám sát chưa kiểm soát chặt chẽ chất lượng ống trước khi lắp đặt trong quá trình thi công. Khi phát hiện có sản phẩm ống không đảm bảo chất lượng, đã không thực hiện kiểm tra lại chất lượng sản phẩm của lô ống tương ứng theo Nghị định của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng; chưa kiểm soát chặt chẽ việc khắc phục các đoạn ống bị khuyết tật trong quá trình thi công…
Bảo Ngân

>> xem thêm

Bình luận(0)