Sau hơn 30 năm đổi mới, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả, biên chế ngày càng phình ra và "ngốn" phần lớn chi ngân sách nhà nước. Vì thế, việc Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII thảo luận và quyết định nhiều chủ trương lớn nhằm xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đã "chạm" đúng mong muốn, đòi hỏi bức bách của thực tiễn phát triển đất nước hiện nay. Ðó cũng là nền tảng cho những cải cách sâu rộng, thực chất và quyết liệt về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong thời gian tới.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: NB/Lao động) |
Kết quả hạn chế
Bắt đầu từ năm 1986, cùng với việc khởi xướng công cuộc Ðổi mới đất nước, chủ trương cải cách hành chính nhà nước đã được Ðảng đề ra, liên tục khẳng định trong các văn kiện Ðại hội Ðảng toàn quốc sau này với bước đi cụ thể, phù hợp từng giai đoạn phát triển của đất nước. Nhưng thực tế cho thấy, đến nay, tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị vẫn chậm đổi mới và còn rất xa so với mục tiêu của Ðảng và đòi hỏi của cuộc sống.
Năm 2015, chi thường xuyên, mà chủ yếu là chi cho bộ máy của hệ thống chính trị chiếm 62,3% tổng chi ngân sách nhà nước. Áp lực nợ công và các nguồn lực đầu tư phát triển của đất nước đều rơi vào tình thế khó khăn, các khoản chi ngân sách đều phải cắt giảm ở mức cao nhất, đặc biệt là chi thường xuyên để chắt chiu từng đồng vốn chi cho đầu tư phát triển. Mục tiêu là như vậy. Nhưng thực tế thì sao? Dự toán chi thường xuyên của năm 2017 là 64,9% tổng chi ngân sách. Tuy đã tăng 2,6% so năm 2015, nhưng mức chi trên thực tế tính đến trung tuần tháng 9-2017 đã vượt xa so với dự toán, lên tới 73,1%. Những con số "biết nói này" cho thấy, cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế thời gian qua chưa đạt yêu cầu.
Tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan thuộc khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hầu như "nằm ngoài" tiến trình cải cách. Thậm chí, ông Lê Nam, Phó trưởng Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Khóa XIII, còn cho rằng, trong gần 30 năm cải cách tổ chức bộ máy vừa qua, tổ chức, bộ máy, biên chế của MTTQ, các đoàn thể hình như vẫn được xem là "ngôi đền thiêng", không ai động đến. Thực tế cho thấy, số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách của khối cơ quan Ðảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ năm 2015 - thời điểm bắt đầu thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế - đến nay đã liên tục vượt so với số được giao. Cụ thể là, thời điểm ngày 30-4-2015, số người thực tế vượt 4.465 người so với số được giao của năm 2015: thời điểm ngày 1-3-2017, số người thực tế vượt 3.495 người so với số được giao của năm 2017. Chưa kể, đội ngũ cán bộ, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố hiện đã lên tới gần 1,2 triệu người, tăng tới hơn 130 nghìn người chỉ trong vòng 5 năm (từ 2011 đến 2016). Các tổ chức hội, đoàn thể "vươn" đến tận thôn, tổ dân phố và hội nào, đoàn thể nào cũng "đòi" phải có phụ cấp. Ðiều cần lưu ý như Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, đang có nguy cơ hình thành một cấp chính quyền thứ 5 trong tổ chức bộ máy nhà nước, "cánh tay" càng vươn dài bao nhiêu thì càng quan liêu và xa dân bấy nhiêu.
Trong bức tranh về tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị, tiến trình cải cách, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế ở khu vực Nhà nước đạt được những kết quả tích cực hơn. Mặc dù vậy, sau nhiều lần tách ra, nhập vào, tổ chức bộ máy nhà nước vẫn cồng kềnh, kém hiệu quả với quá nhiều tầng nấc trung gian.
Cơ cấu của Chính phủ hiện có 22 bộ, cơ quan ngang bộ và tám cơ quan thuộc Chính phủ, cắt giảm được tới 23 đầu mối so thời điểm năm 1986. Nhiều bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đã hình thành; đồng thời, cũng không có cơ quan nào thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước như trước đây nữa. Tuy nhiên, ở tầng nấc bên dưới các bộ, cơ quan ngang bộ thì tổ chức, bộ máy, biên chế lại "phình" khủng khiếp. Trong khi cơ cấu Chính phủ giữ nguyên so với nhiệm kỳ Khóa XII thì trong nhiệm kỳ Khóa XIII, các bộ đã thành lập thêm 30 cục, vụ; đơn vị thuộc tổng cục thì tăng đến "chóng mặt" với 822 đơn vị. Chưa kể, số lượng rất lớn các cơ quan, tổ chức thuộc cơ cấu "mềm" được thành lập. Thống kê giai đoạn 2011-2016 cho thấy, có tới 92 cơ quan, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập và có tới 123 Ban Chỉ đạo liên ngành.
Một xu hướng đáng lo ngại cũng được Ðoàn giám sát chuyên đề về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của Quốc hội chỉ rõ là: nguy cơ hình thành bộ nhỏ trong bộ to. Cùng với đó là "chùm rễ" của các bộ, ngành ở địa phương là cực kỳ lớn, hoạt động kém hiệu quả. "Thậm chí, có lãnh đạo địa phương báo cáo với Ðoàn giám sát của Quốc hội là có những đơn vị mà bản thân họ cũng không biết tồn tại để làm gì". Nêu thực tế này, Giáo sư Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chỉ rõ, trước đây, chúng ta đánh giá tổ chức bộ máy nhà nước "cồng kềnh, kém hiệu quả" nhưng bây giờ, phải là "rất cồng kềnh, không hiệu quả và rườm rà".
Tổ chức bộ máy, biên chế phình ra trong khi chức năng, nhiệm vụ không đổi là điều không thể chấp nhận được. Các tư tưởng đổi mới, cải cách tổ chức bộ máy của Ðảng chưa được chấp hành đầy đủ và rất lúng túng khi thực hiện.
Thời điểm chín muồi
Ngay trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ, Trung ương nhận định tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả, chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo, cơ cấu bên trong chưa hợp lý. Và hơn cả sự cồng kềnh, kém hiệu quả, hệ lụy đáng lo ngại nhất là cách thức tổ chức và vận hành của các cơ quan trong tổ chức bộ máy hành chính nói riêng, hệ thống chính trị nói chung đã tạo ra những khoảng trống về quyền lực và trách nhiệm. Trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, của cơ quan nhà nước hiện nay vẫn rất hạn chế. Hệ lụy tất yếu là quyền lực công bị lạm dụng, bị lũng đoạn. Tài sản công bị thất thoát, bị chiếm đoạt, trước đây chỉ mấy chục tỷ đồng đã gây rúng động cả xã hội thì nay, con số đã vọt lên tới hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí mấy chục nghìn tỷ đồng. Một bộ phận cán bộ, công chức đã trở thành những "ông vua con", hình thành những nhóm lợi ích chằng chịt, xâm phạm nghiêm trọng lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp...
Vì thế, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả - hay nói như nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - phải tiến hành một cuộc cách mạng về tổ chức, bộ máy là sứ mệnh mang tính sống còn của Ðảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong bối cảnh hiện nay. Cải cách tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị là đòi hỏi bức bách, không thể nấn ná, dùng dằng thêm nữa. Thách thức là vô cùng lớn. Nhưng với những chủ trương, định hướng và nhiệm vụ vừa được Ban Chấp hành Trung ương thông qua tại Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII; đồng thời, Quốc hội cũng sẽ tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 tại Kỳ họp thứ tư tới, những bất cập, vướng mắc, hạn chế, yếu kém trong cơ cấu tổ chức của bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị và những lực cản giằng níu tiến trình cải cách trong gần 30 năm qua đã được nhận diện sâu sắc hơn bao giờ hết. Vì thế, thời điểm hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia và người dân, là thời điểm chín muồi để tiến hành những cải cách sâu rộng hơn trong thời gian tới.
Xử lý trách nhiệm cấp ủy, người đứng đầu nếu không tinh gọn được bộ máy
Ðể Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII đi vào cuộc sống thì một yêu cầu tiên quyết là cả hệ thống chính trị phải hành động thật sự quyết liệt và phải có chế tài cụ thể để xử lý nếu như cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức không thực hiện được hoặc thực hiện cầm chừng chủ trương của Ðảng.
Cần rút kinh nghiệm sâu sắc từ quá trình triển khai các chủ trương, chính sách của Ðảng về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế trước đây khi chúng ta vẫn coi đó là việc riêng của cơ quan Nhà nước, được giao cho từng cơ quan, tổ chức thực hiện cắt khúc và thiếu sự đồng bộ trong cả hệ thống. Lần này, Trung ương đã xác định rõ, tiến trình cải cách phải bảo đảm tính đổi mới, tính tổng thể, đồng bộ và liên thông trong cả hệ thống chính trị; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, với tinh giản biên chế và cải cách tiền lương, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Cũng có nghĩa là, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan Ðảng, đoàn thể sẽ không còn "nằm ngoài", không ai động đến như lâu nay nữa. Trên tinh thần của Hội nghị Trung ương 6, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Ðảng chỉ đạo Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Ðảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương rà soát, sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác, xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đúng nguyên tắc, một cơ quan, một người có thể đảm nhận nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan hoặc một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Phải có cơ chế cụ thể để khuyến khích việc sáp nhập, hợp nhất các cơ quan, đơn vị hoạt động không hiệu quả; đẩy mạnh việc thực hiện kiêm nhiệm đối với một số chức danh trong hệ thống chính trị và có chính sách đãi ngộ phù hợp; có cơ chế, tiêu chí để thực hiện việc phân bổ ngân sách trên cơ sở nhiệm vụ được giao.
Các chủ trương cải cách tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị phải được quán triệt và thể chế hóa đầy đủ trong các đạo luật về tổ chức, bộ máy và các luật chuyên ngành, nhất là các văn bản dưới luật để tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho quá trình triển khai thực hiện. Chính phủ và đặc biệt là Quốc hội phải hết sức cân nhắc thận trọng với những dự luật chuyên ngành có cài cắm quy định về chức năng, nhiệm vụ có thể tạo kẽ hở dẫn đến việc thành lập thêm các cơ quan, tổ chức mới, làm phình tổ chức, bộ máy và biên chế như vừa qua.
Ðồng thời, Ðảng đoàn Quốc hội cần chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát tổng thể các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Hiện nay, tổ chức Nhà nước ta đang theo mô hình "búp bê Nga", ở Trung ương có cơ quan, tổ chức nào thì ở các cấp chính quyền địa phương bên dưới cũng tổ chức y như vậy. Ðiều này dẫn đến tình trạng một lĩnh vực cả bốn cấp chính quyền đều có thẩm quyền quản lý nhưng phạm vi quản lý của từng cấp đến đâu, trách nhiệm như thế nào lại không được làm rõ. Hệ quả là, một bộ máy đầy đủ ban bệ từ Trung ương xuống địa phương nhưng lại phản ứng rất chậm chạp trước yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống và khi có vụ, việc gì xảy ra thì không truy được trách nhiệm. Vì vậy, để tinh gọn bộ máy thì dứt khoát phải hoàn thiện cơ chế phân công, phân cấp nhiệm vụ quản lý nhà nước đi kèm với đó là một cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, tăng trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý các cấp cũng như người đứng đầu các cơ quan này. Phải kiên trì và kiên quyết để từng bước chấm dứt "bệnh" thích quản lý, ngại phân công, không muốn phân cấp, phân quyền hiện nay.
Việc sắp xếp lại tổ chức, bộ máy cũng phải gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức cả về số lượng và chất lượng. Phải trao quyền, gắn với đó là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương để bảo đảm công cuộc tinh giản biên chế phải thật sự là một cuộc "chưng cất" chọn lọc được những người xứng đáng, có đủ năng lực, phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh chính trị để giữ lại trong tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Mục tiêu hiện nay không phải là giảm biên chế chung chung mà phải là giảm đến mức thấp nhất người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Biên chế công chức, biên chế viên chức và lao động thuộc diện hợp đồng, cán bộ không chuyên trách cấp thôn, tổ, dân phố là ba đối tượng khác nhau, do vậy phải xác định rõ đây là ba bài toán khác nhau, từ đó, có biện pháp, cách thức và lộ trình riêng cho từng nhóm đối tượng. Nếu chỉ hô hào giảm biên chế chung chung thì câu chuyện tinh giản biên chế sẽ còn lúng túng và khó có thể đạt mục tiêu mà Trung ương đã đề ra.
Tại Hội nghị Trung ương 6, Trung ương cũng đã thảo luận và kết luận về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, đổi mới doanh nghiệp nhà nước đặt trong tổng thể đổi mới tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị. Ðây là định hướng quan trọng để tiếp tục tách chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành với chức năng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước và chức năng cung ứng các dịch vụ công của đơn vị sự nghiệp công lập. Cần xác định rõ những ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công mà Nhà nước cần "nắm giữ" nhằm bảo đảm thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa. Với các ngành, lĩnh vực, các đơn vị sự nghiệp công lập khác, nhất là các ngành, lĩnh vực, dịch vụ công mà xã hội có thể làm tốt thì cần thực hiện xã hội hóa ở mức cao nhất; Nhà nước chỉ tập trung vào việc xây dựng thể chế, kiểm tra, giám sát và bảo đảm chính sách, pháp luật đi vào đời sống. Quá trình này phải được thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt nhưng đồng thời phải thận trọng, vững chắc, phát huy được mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, có những biện pháp có thể thực hiện được ngay và sẽ tạo được chuyển biến ngay như: lấy kết quả thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế hằng năm là một tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại kết quả công tác của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương; siết chặt kỷ luật đảng và kỷ luật công vụ...