Câu chuyện em bé lớp 2 ở trường tiểu học Nam Trung Yên đang chơi trên sân trường thì bị taxi chở cô hiệu trưởng đâm vào gãy xương đùi khiến dư luận mấy tháng nay dậy sóng. Một đứa bé bị gãy chân, phải phẫu thuật đau đớn, đến giờ còn chưa đi lại được, việc học dở dang, thế mà liên quan đến tai nạn của em, cô hiệu trưởng đã hành xử khiến mọi người vô cùng thất vọng.
Đầu tiên cô chối, rằng không có chiếc taxi nào cả, cô còn phát phiếu điều tra cho để khảo sát giáo viên, học sinh và khẳng định không có chiếc taxi nào vào sân trường, trò Chí Kiên đang chơi thì tự ngã. Sau đó cô lại nhớ ra có taxi nhưng khi cô ra khỏi xe rồi, taxi quay ra mới đụng vào học trò.
Gần đây, khi công an vào cuộc, tìm ra danh tính người lái taxi, lời khai cho thấy xe đụng vào học trò khi cô đang ngồi trên xe thì cô bảo mình đi khám bệnh về mệt nên đi thẳng vào phòng. Cô bảo không liên quan đến việc lấy phiếu khảo sát, cô chủ nhiệm lớp của Chí Kiên đề xuất theo yêu cầu của phụ huynh. Cô viết lá thư kêu cứu gửi báo chí, một mực kêu oan, đòi được minh oan.
|
Vết mổ của học trò Chí Kiên sau khi bị tai nạn do xe taxi va vào trên sân trường. |
Cô giáo chủ nhiệm của Chí Kiên bức xúc phản pháo, nói rằng cô không hề đề xuất lấy phiếu khảo sát. Gia đình bé học sinh cũng cảm thấy bị xúc phạm khi cô hiệu trưởng đưa ra những thông tin không trung thực. Nhiều giáo viên trong trường cũng cho biết họ không được phát phiếu khảo sát, sao vẫn có con só 100% khẳng định không có xe taxi?
Câu chuyện ngày càng khiến dư luận bức xúc, bởi thay vì nghiêm túc nhận lỗi về phần mình, cô hiệu trưởng đã làm hàng loạt hành động để chứng tỏ, không hề trung thực, không có lòng tự trọng, không có tình thương với học trò.
Đổ lỗi cho học trò chơi đùa nên tự ngã, cô hiệu trưởng có trái tim hay không? Nếu cô là một người mẹ, hẳn cô cũng sẽ phải cảm thấy xót xa khi đứa trẻ lớp 2 phải trải qua bao đau đớn khi phải mổ chân ra, bắt vít lại xương đùi, suốt mấy tháng bó bột nằm yên 1 chỗ. Bé không được đi học, không được chơi, chịu bao đau đớn, đang là một đứa trẻ lành lặn phải mang thương tật như thế, chẳng lẽ cô không chút xót thương?
Cô chỉ mải lo cho danh dự và uy tín của nhà trường như trong lá thư “kêu cứu” mà cô gửi đến các cơ quan báo chí. Thế còn đứa trẻ, ai lo cho tương lai và sức khỏe của cháu? Người dưng cũng còn thấy xót thương, nữa là đấy là học sinh trong trường mình.
Càng ngày tôi càng thất vọng vì ứng xử của cô hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc. Không hiểu cô còn định “cố đấm ăn xôi” cái nỗi gì mà chưa từ chức? Mỗi ngày cô cung cấp 1 “sự thật” mới đá lộn lẫn nhau, chỉ có điểm chung duy nhất là tất cả các sự thật cô cung cấp bao giờ cũng đẩy hết tội cho người khác, lúc thì học trò tự ngã, lúc thì tại người lái taxi, lúc thì là giáo viên trong trường tự đề xuất lấy phiếu khảo sát. Nếu còn có trái tim, nếu cũng là người mẹ, đề nghị cô hiệu trưởng Ngọc nên từ chức ngay, để dư luận còn vớt vát được chút niềm tin vào những người đứng trên bục giảng.
Câu chuyện xảy ra ở giữa Thủ đô, nhưng vai trò của Sở Giáo dục Hà Nội khá là mờ nhạt. Ngay cả khi sự việc đã gây nên một nỗi bức xúc lớn trong xã hội, cũng không thấy ý kiến của Bộ Giáo dục, Sở Giáo dục đâu. Hay bởi vì chuyện 1 đứa bé gãy chân là quá nhỏ, không đáng để các cấp ngành lên tiếng?
Những hành xử vô cảm, thiếu tình người xảy ra ở các ngành nghề khác khiến chúng ta đau 1, thì xảy ra trong ngành giáo dục khiến chúng ta đau 10. Bởi nhà trường là nơi duy nhất, có thể đem lại chỗ trú ẩn an toàn cho trẻ em trước khi chúng bước vào đời. Qua sự việc ở trường Nam Trung Yên, phải đau đớn thừa nhận, chỗ trú ẩn ấy hình như không còn nữa.
Thưa cô hiệu trưởng, cô còn đợi điều gì nữa, mới đưa ra quyết định từ chức, để trả lại môi trường giáo dục trong lành cho học trò?