Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, 90% số vụ tai nạn giao thông trong những năm gần đây liên quan đến học sinh, ở độ tuổi 16-18, đối tượng chủ yếu đang sử dụng xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3 và xe đạp điện, xe máy điện. Có 70% số vụ tai nạn giao thông thương vong là do học sinh THCS đi xe đạp điện, xe máy điện gây ra.
Hiện có trên 50% số học sinh THPT đến trường bằng xe đạp điện, xe máy điện, thậm chí cả xe máy. Đáng lo ngại là do thiếu hành lang pháp lý nên tình trạng học sinh phổ thông sử dụng xe máy điện đang gia tăng đáng báo động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.
|
Học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông khi điều khiển xe đạp điện. Ảnh baolongan.vn
|
Điều đáng nói là nhiều phụ huynh còn khá thờ ơ với các quy định, “vô tình” để con em mình vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Không ít phụ huynh cho rằng, điều khiển xe đạp điện, xe máy điện an toàn hơn so với xe gắn máy. Tuy nhiên, trên thực tế, với vận tốc tối đa của xe máy điện có thể lên đến 40-50km/h thì mức độ nguy hiểm của xe đạp điện và xe máy là tương đương.
Chưa kể, xe đạp điện, xe máy điện chạy rất êm, gần như không phát ra tiếng động, khi vượt lên thì phương tiện lưu thông cùng chiều cũng khó phát hiện để tránh, từ đó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn khi lưu thông với tốc độ cao. Nhiều xe đạp điện, xe máy điện cũng không gắn kính chiếu hậu, còi, đèn xi-nhan nên khi chuyển hướng cũng dễ xảy ra tai nạn.
Do cấu tạo của xe đạp điện, xe máy điện độ ma sát của bánh xe với mặt đường kém nên rất dễ xảy ra tai nạn khi lưu thông với tốc độ cao và ý thức tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện còn hạn chế, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ATGT cho chính người điều khiển.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội nhất là ở khu vực quanh các trường học, vào giờ tan trường, không khó để bắt gặp những hình ảnh nhiều học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện vi phạm quy định về trật tự, ATGT. Các em đang trong độ tuổi mới lớn, muốn thể hiện bản thân nên không ít trường hợp điều khiển xe đạp điện, xe máy điện có hành vi lạng lách, đánh võng, chạy dàn hàng ngang trò chuyện, chạy xe ngược chiều, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm,.. tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho bản thân các em và những người xung quanh.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho biết, ở nhiều nơi, phụ huynh, nhà trường và xã hội đang thiếu sự quan tâm đúng, thậm chí nuông chiều, buông lỏng quản lý đối với học sinh dưới 16 tuổi. Vì vậy, việc để học sinh đi xe máy điện đến trường là một việc làm cần có điều kiện. Để đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh, cần thực hiện các biện pháp như tăng cường tuyên truyền, giáo dục học sinh. Các trường học cần phối hợp với gia đình và chính quyền địa phương để tuyên truyền, giáo dục học sinh về Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là các quy định về điều khiển xe máy điện. Các trường học cần phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng các tuyến đường đi bộ và xe đạp an toàn cho học sinh. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ học sinh đi xe buýt hoặc các phương tiện giao thông công cộng khác đến trường.
Cùng với đó, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là các quy định về điều khiển xe máy điện. Cần xem xét chất lượng của các xe máy điện, đặc biệt chú ý về tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ...