Những chia sẻ chân thật đến từ các bạn học sinh đang chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp, tốt nghiệp THPT là hồi chuông cảnh báo về áp lực thi cử đang đè nặng lên các em.
Áp lực từ điểm số đến mỗi ngày
|
Học sinh cuối cấp cảm thấy quá tải trong thời gian ôn thi (Ảnh minh họa: DT) |
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) và chuyển cấp đang đến rất gần với các bạn học sinh cuối cấp. Bài tập, chứng chỉ, hồ sơ đang dồn dập tới trong giai đoạn nước rút này. Đặc biệt, lứa học sinh năm nay gặp phải nhiều rào cản do dịch bệnh, học online. Phương pháp học mới mặc dù đem lại vô vàn cơ hội nhưng trên thực tế, tồn tại nhiều thách thức và cản trở. Nhưng điều duy nhất không thay đổi là áp lực thi cử.
Hoàng Ngọc Linh (học sinh lớp 12 trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ) chia sẻ: "Cuối cấp bọn em khá áp lực chuyện học hành, vì năm nay còn có thêm kỳ thi đánh giá năng lực cộng với nhiều điểm mới trong phương thức xét tuyển khiến em mơ hồ".
Theo Linh cho biết, từ bé đến giờ em đều học trường chuyên, lớp chọn nên trải qua rất nhiều áp lực. Vì học tập trong môi trường cạnh tranh cao về điểm số nên nhiều lần em bị quá tải. "Một trong những khoảng thời gian khó khăn nhất là khi em vừa phải ôn thi IELTS, vừa phải ôn học sinh giỏi, bên cạnh đó phải cố gắng đạt điểm trung bình môn cao để làm hồ sơ đi du học", Linh cho biết.
Còn theo Thảo Nguyên (học sinh lớp 9 của một trường THCS tại Hà Đông) nói: "Em đã chịu áp lực từ điểm số trên lớp rất nhiều lần. Em nghĩ đến việc nếu không đỗ trường công lập, bố mẹ sẽ không thể chi trả mỗi tháng 4-5 triệu đồng cho việc học của em tại trường tư thục".
Nguyên luẩn quẩn với những lo toan. Nếu bạn bè em đều đỗ, mình em trượt thì sao? Khi em trượt, người ngoài sẽ hỏi bố mẹ "Cháu nó đỗ trường nào?''. Em sợ câu trả lời sẽ là "Cháu trượt bác ạ"... Hay nếu em không đỗ thì liệu bạn bè còn chơi với em như trước không? Bạn em sẽ hẹn nhau đi chơi sau kỳ thi còn em ở nhà chẳng dám ra ngoài vì sợ mọi người dò hỏi, phán xét. Những hậu quả xấu nhất luôn xuất hiện trong đầu Nguyên.
"Em mệt mỏi quá"
|
Áp lực học tập đã tác động xấu đến nhiều học sinh cuối cấp (Ảnh minh họa: DT) |
Theo thống kê của bà Nguyễn Thị Hằng Phương - Trường đại học Sư phạm thuộc Trường đại học Đà Nẵng đăng trên Tạp chí Giáo dục tháng 5/2019, tỷ lệ học sinh lớp 12 rơi vào trạng thái căng thẳng hoặc rất căng thẳng chiếm đến hơn 60% trong tổng số 786 học sinh. Kết quả chỉ ra rằng học sinh có căng thẳng chiếm tỷ lệ rất cao. Thậm chí cao hơn nhiều so với những lần khảo sát trước chỉ ở mức 15-20%.
Các chuyên gia tâm thần học khẳng định, sức ép học tập, thi cử đang đè nặng lên trẻ ngay từ khi còn học mẫu giáo. Trong số gần 200 trẻ em và thiếu niên dưới 17 tuổi đến khám ở Khoa Tâm thần - Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi tuần, phần đông mắc các bệnh lý tâm thần liên quan đến căng thẳng mà nguyên nhân là do các em chịu quá nhiều áp lực học tập, ít bạn bè, ít tiếp xúc, bố mẹ hay mắng, đánh đập và bắt ép noi theo gương bạn này, bạn khác học giỏi.
Theo nữ sinh Thảo Nguyên chia sẻ, em từng nhiều lần nghĩ đến những điều tiêu cực với bản thân. Những lúc điểm kém, bố mẹ mắng, em cảm thấy rất mệt mỏi.
"Em cố gắng học hành đến 2-3h sáng nhưng không là gì, chẳng thể bắt kịp bạn bè. Em cảm thấy mệt mỏi, nhiều lúc em nghĩ đến việc rời bỏ để không phải rơi nước mắt vì điểm số, vì công thức, vì những chi tiết tác phẩm mà dù em có đọc hàng nghìn lần cũng chẳng thể thuộc được. Giai đoạn gấp rút rồi nhưng em mệt mỏi quá", Nguyên chia sẻ.
Khi nhận được số điểm chưa vừa ý, Nguyên thường nghĩ mình chưa đủ cố gắng hoặc do khả năng quá kém nên không thể đáp ứng kỳ vọng của mọi người. Nguyên thậm chí nghĩ tới những điều dại dột vì sẽ không ai thấy mệt mỏi vì em nữa, không phải thất vọng khi em không đạt được kỳ vọng của họ.
Khi sự động viên, chia sẻ cần hơn kỳ vọng
Có đến 43% học sinh cuối cấp tham gia khảo sát nói trên muốn được phụ huynh chia sẻ, tâm sự. Việc bố mẹ quan tâm đến tâm sinh lý cùng những nguyện vọng của con sẽ giảm áp lực đáng kể, thậm chí còn làm tăng động lực tự nhiên cho con em họ.
Hoàng Ngọc Linh (học sinh lớp 12 trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ) chia sẻ thêm, mặc dù luôn phải tham dự đầy đủ các buổi học, chịu căng thẳng trước các cuộc thi, nhưng điều mà em áp lực nhất là trong thời gian nước rút là không có người để chia sẻ cùng.
Linh đã quan sát và lắng nghe thấy rằng, rất nhiều bạn học cũng lâm vào tình trạng giống mình. Vì bản thân cần được định hướng và có người bên cạnh để sẻ chia, nhưng bố mẹ em bận rộn không có nhiều thời gian nên em thấy cô đơn.
Áp lực là điều không thể không trải qua trong cuộc sống nhưng gia đình và nhà trường cần quan tâm hơn tới sức khỏe tâm lý của học sinh, đặc biệt là các em cuối cấp.