4 ngày không thay quần áo, vượt hàng nghìn km
Trời điểm 3h sáng ngày 7/10, những chiếc xe tải, xe buýt… chở những người kiệt sức sau hành trình dài bằng xe máy từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM qua chốt kiểm soát số 1 - Km 213+400 Cầu Giẽ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Hàng nghìn người trải qua nhiều ngày đi xe máy với chặng đường dài hơn 1.500km khi về đến chốt kiểm soát tại Hà Nội đã không thể đi tiếp. Trên chiếc xe chất đầy đồ họ đã có chuyến hành trình hồi hương đáng nhớ nhất cuộc đời.
Họ nằm tạm dưới nền đường trong cảnh màn trời chiếu đất vì thấm mệt. Thậm chí có người phải trả giá "bằng máu và nước mắt" bởi những thương tích do va chạm giao thông trên đường.
Tại chốt kiểm soát, lực lượng công an, quân đội động viên: "Những anh chị nào nếu còn đủ sức khoẻ thì tiếp tục đi xe máy. Lực lượng cảnh sát sẽ có xe dẫn đoàn đưa các anh chị đi qua địa bàn Hà Nội. Nếu ai kiệt sức có thể nghỉ ngơi tại chỗ.
|
Hình ảnh người dân mệt nhoài ngủ gục sau hành trình dài bằng xe máy từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM qua chốt kiểm soát số 1 - Km 213+400 Cầu Giẽ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội rạng sáng ngày 7/10. Ảnh: Gia Khiêm
|
Trường hợp ai xe hỏng, sức khoẻ yếu sẽ có xe buýt chở mọi người đến điểm cầu Trung Hà về các tỉnh Tây Bắc và theo hướng quốc lộ 1A về các tỉnh phía Bắc và Đông Bắc. Các anh chị đã về tới đây an toàn rồi hãy cố gắng và yên tâm, mọi người sẽ được về tới nhà".
Khuôn mặt lộ rõ nét mệt mỏi sau khi cùng vợ và hai con nhỏ vượt chặng đường dài, anh Mua A Sềnh (24 tuổi, xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) kể, đây là kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời mình.
Đứa con trai 3 tuổi của anh Sềnh mệt mỏi nằm lăn lóc dưới tấm áo mưa. Chân tay lấm lem bùn đất. Còn người con thứ 2 chưa đầy 11 tháng tuổi thi thoảng quấy khóc. Vợ anh Sềnh là chị Hạ Y Sềnh (29 tuổi) liên tục dỗ dành con.
Anh Sềnh chia sẻ, vợ chồng mới bước chân vào Bình Dương từ hồi tháng 3. Cả gia đình 4 người trông chờ vào đồng lương công nhân của anh. Thế nhưng vừa làm chưa đầy 4 tháng do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến anh Sềnh cùng những công nhân khác bị ảnh hưởng, phải nghỉ việc ở nhà.
"Suốt mấy tháng qua không có lương, gia đình tôi sống nhờ số tiền ít ỏi tích cóp được và Nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên, tiền nhà trọ tôi không thể không kham được nữa khi dịch còn kéo dài. Cuộc sống quá khó khăn nên vợ chồng tôi quyết định đưa con về quê bằng xe máy", anh Sềnh xót xa.
Suốt 4 ngày qua, gia đình anh Sềnh cùng nhau đi trên chiếc xe máy cà tàng, băng băng trên mọi ngả đường. Lúc đối mặt với trời nắng cháy xém da, lúc trời mưa tầm tã.
|
Vợ chồng anh Mua A Sềnh mệt mỏi nhìn con trai 3 tuổi ngủ dưới nền đất sau 4 ngày đi xe máy. Ảnh: Gia Khiêm
|
"Trên đường đi, tôi gặp nhiều người là đồng hương cũng đi xe máy lỉnh kỉnh đồ đạc về quê nên nhập đoàn đi cùng nhau. Xe máy của tôi đi từ Nam ra Bắc qua Kon Tum, Huế Nghệ An bị hỏng chân đạp số, hỏng đèn. Đi giữa trời tối phải soi đèn pin hoặc đi nhờ ánh sáng từ xe của mọi người. Xe về đến Hà Tĩnh mưa rất to. Cả nhà đội mưa ướt sũng. Lúc đó, nhiều khi muốn dừng lắm nhưng không dám dừng ở nhà dân vì sợ mọi người nghĩ mình đi từ ổ dịch về.
Nói thật, 4 ngày nay cả nhà chưa được thay quần áo. Đi ướt sũng xong gặp gió lại khô. Nhìn hai đứa con tôi như đứt từng khúc ruột. Đường về quê còn dài, phải đối mặt với không ít nguy hiểm nhưng chỉ có về nhà chúng tôi mới có thể qua giai đoạn khó khăn này", anh Sềnh chia sẻ.
"Đi đường tôi lo lắng, sợ vợ đẻ ở đường"
Vợ đang mang thai tháng thứ 9, anh Giàng A Chăm (20 tuổi, ở xã Kim Bon, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) đang làm công nhân ở Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, tỉnh Bình Dương nghĩ cách cuối cùng đó là về quê.
Anh Chăm cho hay, cả hai mới vào công ty làm được 2 tháng thì phải nghỉ do dịch. Mấy tháng qua vợ chồng anh chật vật sống qua ngày. Lúc này, anh Chăm bàn với vợ là chị Phàng Thị Tồng (19 tuổi) về quê bằng xe máy. Thậm chí anh đã nghĩ đến "kịch bản" vợ có thể trở dạ sinh con dọc đường đi.
"Cực chẳng đã nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác. Nếu vợ chồng tôi ở lại thì không có tiền để đóng nhà trọ nên phải về quê thôi. Đi đường tôi lo lắng sợ vợ đẻ ở đường và cũng tính đến việc nếu như vậy sẽ nhờ cảnh sát giúp đỡ chứ không biết làm thế nào. Có lúc đi xe thủng xăm được vá giúp. Đi qua khu vực miền trung mưa như trút nước. Khi đến Hà Nội thì mệt quá rồi. Tôi phải để vợ nghỉ ngơi lúc mới có sức khoẻ đi tiếp", anh Chăm cho hay.
|
Đang mang thai tháng thứ 9, chị Phàng Thị Tồng (vợ anh Chăm) mệt mỏi sau hành trình dài. Ảnh: Gia Khiêm
|
Do đi đường quá xa khiến đôi mắt anh Chăm thâm quầng, đỏ ngầu vì bụi bẩn. "Hy vọng đứa con trong bụng sẽ khoẻ mạnh khi chào đời. Chỉ còn một ngày nữa thôi, vợ chồng tôi sẽ về tới nhà. Vợ chồng cùng nhau cố gắng", anh Chăm động viên vợ.
Hành trình hồi hương cũng là ngày đáng nhớ trong cuộc đời gia đình anh Phàng A Cở (26 tuổi, xã Mường Bang, huyện Phù Yên, Sơn La). Anh Cờ kể, trong lúc chở vợ cùng 2 con nhỏ đi cùng đoàn không may va quệt xe khiến con trai 3 tuổi của anh là bé Phàng A Mình bị rách ở phần chân, chảy nhiều máu.
|
Một người dân mệt nhoài nằm nghỉ ngơi lấy lại sức trước khi trời sáng. Ảnh: Gia Khiêm
|
"Lúc đó tôi đã rất hoảng và chảy nước mắt. Gia đình tôi gặp nạn khi xe vừa đến Hà Nội. Nhờ được giúp đỡ, tôi vội đưa con đi bệnh viện chụp chiếu, khâu lại vết thương. Con tôi phải khâu mất 6 mũi, cũng may con không ảnh hưởng nhiều tới sức khoẻ. May vợ và đứa con 11 tháng tuổi của tôi không bị sao cả", anh Cở nói.
Cũng tương tự gia đình anh Cở, nhà anh Vàng Mí Tủa (39 tuổi, ở phố Bản, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang gặp nạn khi xe về qua tỉnh Hà Nam. Do quá buồn ngủ, anh Tủa đã lao xe vào lan can đường khiến cháu trai Thầu Mí Dình (13 tuổi) rách tay, chân. Còn anh Tủa cũng bị xây xước chân tay.
"Đây cũng là bài học để tôi cẩn thận hơn. Do tôi mệt sau mấy ngày đi liên tục trên đường. Gia đình tôi sẽ nghỉ ngơi tại chỗ đến khi trời sáng sẽ tiếp tục di chuyển", anh Tủa chia sẻ.
Trao đổi với PV Dân Việt, đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, dự kiến trong nhiều ngày tới, sẽ còn nhiều người di chuyển trên tuyến quốc lộ 1A từ các tỉnh phía Nam về qua Hà Nội để về quê.
Theo đại tá Hải, lực lượng công an đã chủ động phân công cán bộ, chiến sĩ theo các ca trực, phối hợp chặt cùng Tổng Công Ty Vận Tải Hà Nội điều hành xe buýt đưa người dân về quê an toàn. Các chốt chủ động lương thực, nước uống, xăng dầu… hỗ trợ người dân.
Thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông cho biết, từ 18h ngày 5/10 đến hết ngày 6/10, Công an thành phố triển khai lực lượng phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm soát y tế và giám sát, dẫn 11 đoàn người đi xe mô tô từ các tỉnh miền Nam để về các tỉnh phía Bắc (mỗi đoàn khoảng 250 người) qua địa phận Thành phố, gồm: 10 đoàn từ chốt Cầu Giẽ (Phú Xuyên) đi theo hướng đường quốc lộ 1A cũ - đường Vành đai 3 (bên dưới) – quốc lộ 32, hướng cầu Trung Hà để sang tỉnh Vĩnh Phúc; 1 đoàn từ chốt Cầu Giẽ (Phú Xuyên) đi theo hướng đường quốc lộ 1A cũ - địa bàn quận Hoàng Mai - cầu Thanh Trì - huyện Gia Lâm để sang tỉnh Bắc Ninh.