Ngày 12/11, trao đổi với PV
Kiến Thức, lãnh đạo Công an huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết đã lập hồ sơ kiến nghị đưa số
thuốc con nhộng không có nguồn gốc xuất xứ, do đơn vị tiếp nhận chuyển giao, đi trưng cầu giám định để làm cơ sở cho việc điều tra làm rõ vụ việc.
|
CSGT huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk phát hiện, bắt giữ xe khách chở 120 nghìn viên thuốc hình con nhộng không rõ nguồn gốc. Ảnh minh họa. |
Trước đó, trong lúc tuần tra trên QL26, đoạn qua địa bàn huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk, Đội tuần tra số 2 (thuộc phòng CSGT, Công an tỉnh Đắk Lắk) phát hiện xe khách mang biển số 47B-017.70 có dấu hiệu khả nghi nên ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra.
Qua kiểm tra, CSGT phát hiện trong gầm chiếc xe khách nói trên có nhiều thùng chứa 240 hộp nhựa đựng 120 nghìn viên thuốc hình con nhộng. Toàn bộ số thuốc không nhãn mác, không hóa đơn chứng từ và nguồn gốc xuất xứ.
Tại cơ quan công an, tài xế Đặng Đại Thắng (47 tuổi, ngụ huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) khai nhận, số thuốc trên chở thuê từ Hà Tĩnh vào gia cho một người không rõ họ tên ở thành phố Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk) với giá 100 nghìn đồng/thùng.
Trước vụ việc nghiêm trọng nói trên, tổ tuần tra CSGT đã lập biên bản, bàn giao toàn bộ tang vật và phương tiện cho Công an huyện M’Đrắk mở rộng điều tra, làm rõ xử lý theo quy định của pháp luật.
|
Thuốc "chứa thành phần từ người" bị chính quyền Hàn Quốc tịch thu, lưu giữ tại Công an tỉnh South Chungcheong. Ảnh: EPA |
Vụ việc này khiến người dân vô cùng hoang mang, bởi trước đó, ngày 7/11, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn số 21204/QLD gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về thông tin thuốc Trung Quốc "làm từ thịt người” được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cục Quản lý Dược khẳng định đến nay, Việt Nam không cho phép đăng ký, sản xuất, nhập khẩu và lưu hành các thuốc Trung Quốc "làm từ thịt người” đề cập trên tại Việt Nam.
Cục Quản lý Dược cũng đề nghị các Sở Y tế tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân không mua, bán, sử dụng các sản phẩm thuốc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nếu phát hiện các sản phẩm thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ người dân cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp xử lý.
Liên quan vấn đề này, Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh phải phối hợp với các cơ quan như: Hải quan, quản lý thị trường, công an, Ban chỉ đạo 389 địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện các sản phẩm nêu trên, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành.