Lao động Việt Nam nào ở Hàn Quốc vẫn ổn định
Theo PV TTXVN tại Seoul (Hàn Quốc), tính đến 17h ngày 24/2, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Hàn Quốc đã tăng lên tới 833 người. Riêng khu vực thành phố Daegu và tỉnh Gyeongbuk là 681 trường hợp. Hiện Hàn Quốc đã có thêm 2 ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số trường hợp tử vong tại đây lên 8 người.
Số lượng nhiễm mới và tử vong do dịch bệnh tăng cao khiến dư luận lo lắng bởi hiện có khoảng 200.000 công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại Hàn Quốc, trong đó có khoảng gần 50.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại nước này. Riêng tại thành phố Daegu là 8.285 người, tại tỉnh Gyeongsangbuk là 18.502 người (trong đó có 333 người tại quận Cheongdo). Dư luận đặt câu hỏi, Hàn Quốc bùng phát dịch SARS-CoV-2, hàng chục nghìn lao động Việt sẽ ra sao?
Mới đây, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) Phạm Gia Liêm cho biết, Cục đã chỉ đạo Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình lao động tại đây, đặc biệt là lao động tại TP Daegu - nơi bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại Hàn Quốc.
|
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 từ bệnh viện Daenam tới Chengdo, cách Seoul khoảng 320km về phía Đông Bắc. Ảnh: YONHAP/TTXVN |
Báo cáo nhanh của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, hiện có hơn 4.000 lao động Việt Nam ở 2 vùng dịch lớn là TP. Daegu và tỉnh Gyeongbuk. Trong đó, Daegu có hơn 1.000 lao động, Gyeongbuk có 3.007 lao động. Tính đến thời điểm này, chưa có lao động Việt Nam nào ở Hàn Quốc bị nhiễm virus Covid-19.
Để bảo vệ sức khỏe và an toàn cho người lao động, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đã đề nghị Văn phòng Chương trình cấp phép việc làm cho người nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc (EPS) và doanh nghiệp phái cử theo dõi tình hình dịch bệnh liên quan đến lao động Việt Nam.
Ngoài ra, EPS và đại diện doanh cũng đang triển khai cung cấp thông tin phòng dịch cho người lao động. Hệ thống các tư vấn viên người Việt tại các trung tâm hỗ trợ lao động cũng thường xuyên cập nhật thông tin cho người lao động Việt Nam, đồng thời khuyến cáo người lao động không nên đến các khu vực đang có dịch và có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch; tuân thủ các hướng dẫn về phòng tránh dịch bệnh của cơ quan chức năng Hàn Quốc.
Để nhận được sự hỗ trợ khi cần thiết, người lao động có thể liên lạc với Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc theo số điện thoại: 010-3248-6886; 010-4356-2505 hoặc số điện thoại của EPS: 010-9892-1712.
Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho biết, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Tư pháp Hàn Quốc) có thông báo chính thức: Công dân nước ngoài đang cư trú trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nếu có các biểu hiện liên quan đến dịch Covid-19 khi đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế công cộng sẽ không bị truy cứu về tình trạng cư trú bất hợp pháp và không bị trục xuất. Hàn Quốc cũng khuyến khích người này đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị nếu tiếp xúc với người nhiễm virus Covid-19 hoặc nghi ngờ bị lây nhiễm.
Trước đó, theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán đã mở đường dây nóng bảo hộ công dân là +82 106 315 6618, trực 24/24, sẵn sàng tiến hành các biện pháp hỗ trợ và bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.
Đại sứ quán đã chủ động thiết lập kênh liên lạc với các đầu mối cộng đồng ở các khu vực dịch bệnh để thường xuyên cập nhật tình hình, kịp thời hỗ trợ công dân. Đại sứ quán đã liên hệ, thăm hỏi các công dân Việt Nam đang sinh sống ở khu vực có dịch, động viên và đề nghị bà con tuân thủ nghiêm túc các khuyến cáo của các chính quyền sở tại. Qua nắm tình hình, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho biểt, đến nay tình hình sức khỏe của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc vẫn ổn định, chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19.
Ngày 21/2, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn quốc đã ra thông báo lưu ý công dân Việt Nam không nên đến các khu vực đang có dịch và có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch mà cơ quan chức năng Hàn Quốc khuyến cáo; thường xuyên theo dõi và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng sở tại để phòng tránh dịch bệnh.
Đồng thời Bộ Ngoại giao cũng đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế phối hợp chỉ đạo các công ty tư vấn du học sinh thông báo tình hình dịch Covid-19 đến các lao động, du học sinh đang có kế hoạch sang Hàn Quốc trong thời gian tới để chủ động biện pháp phòng ngừa; thường xuyên giữ liên lạc chặt chẽ với các bên liên quan (nhà trường, chủ sử dụng lao động, công ty môi giới sở tại…) để nắm tình hình, có biện pháp hỗ trợ đối với các lưu học sinh, lao động Việt Nam tại Hàn Quốc. Bộ Ngoại giao cũng đã đề nghị phía Hàn Quốc có các biện pháp đảm bảo y tế, an ninh, an toàn và hỗ trợ cho công dân Việt Nam tại Hàn Quốc, nhất là tại các khu vực có dịch.
Lên kịch bản đưa lao động tại vùng dịch Covid hồi hương
Trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) gây ra, mới đây, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã có ý kiến chỉ đạo, trong đó yêu cầu các đơn vị xây dựng các phương án hỗ trợ lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, Nhật Bản... về nước, thực hiện cách ly, chữa bệnh; đồng thời có phương án cách ly cho lao động nước ngoài.
Theo đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước chủ trì, phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước và các cơ quan liên quan xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của người lao động tại các thị trường ngoài nước. Đặc biệt là các thị trường có số lượng lớn lao động Việt Nam làm việc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, trong trường hợp dịch bệnh bùng phát tại các địa bàn này.
Theo đó, Cục cần rà soát, thống kê cụ thể số lượng lao động đang làm việc tại các thị trường, chi tiết tới từng địa phương, khu vực. Đồng thời, nêu các phương án hỗ trợ người lao động tại nước ngoài, hỗ trợ người lao động về nước, cách ly, chữa bệnh khi người lao động về nước. Các phương án theo quy mô lao động, như dưới 1.000 người, từ 1.000-5.000 người, từ 5.000-20.000 người…
>>> Mời độc giả xem video Cuộc sống của người Việt tại vùng tâm dịch COVID-19 ở Deagu, Hàn Quốc:
Trong từng phương án, cần nêu cụ thể các giải pháp để thực hiện như nguồn kinh phí, nhân lực thực hiện, phương tiện, điều kiện đảm bảo và việc kết nối các giải pháp ngoại giao, trao đổi thông tin với cơ quan quản lý nước tiếp nhận lao động. Đồng thời, tính tới các phương án trong trường hợp các thị trường khác ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc.
Cục Việc làm chủ động xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết nhằm quản lý lao động nước ngoài đến từ vùng dịch hay di chuyển qua các vùng dịch, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Bộ cũng yêu cầu Cục rà soát tổng thể, nắm tình hình toàn bộ lao động nước ngoài đã và đang làm việc tại Việt Nam (đặc biệt là lao động tại các nước dịch bệnh đang bùng phát mạnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản).
Cục cần thống kê cụ thể số lượng lao động, chuyên gia đang làm việc tại từng địa phương, đặc biệt là số lao động, chuyên gia sắp quay trở lại Việt Nam làm việc trong thời gian tới.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng, Cục Việc làm cần có phương án cách ly, chữa bệnh khi người lao động, chuyên gia vào Việt Nam làm việc theo quy mô lao động: Dưới 100 người, từ 100-1.000 người, trên 2.000 người…Trong từng phương án, cần nêu cụ thể các giải pháp để thực hiện như nguồn kinh phí, nhân lực thực hiện, phương tiện, điều kiện đảm bảo…
Bộ trưởng LĐ,TB&XH cũng yêu cầu vụ Pháp chế, rong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để cùng xây dựng kịch bản, phương án xử lý các tình huống nhằm đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy định hiện hành của pháp luật lao động và các nội dung pháp lý khác có liên quan.
Do yêu cầu cấp bách trong công tác ứng phó với dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị tập trung chỉ đạo xây dựng kịch bản, phương án ứng phó, tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Bộ, với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp hữu hiệu và chủ động trong lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành.