Ngày 15/9, tòa Gia đình và Người chưa thành niên mở phiên xử phúc thẩm vụ án "Cướp bánh mì vì đói” do Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn thực hiện. Phiên xử do Trần Thanh Minh - Chánh tòa Gia đình và Người chưa thành niên - làm chủ tọa.
Tại tòa, cả hai tỏ ra ăn năn, hối cải vì những hành vi phạm pháp của mình. Tân chia sẻ sau này sẽ theo học nghề tại một trường ở quận 9. Thanh niên này khẳng định bây giờ chỉ muốn có công việc, lao động và sống tốt trong tương lai, phụ giúp cho gia đình.
Về phần Tuấn, mẹ bị cáo cho biết do con mới chỉ học hết lớp 5 nên gia đình sẽ cho đi học bổ túc văn hóa. Sau khi hoàn thành chương trình học phổ thông, gia đình sẽ giúp Tuấn có một công việc ổn định, làm ăn lương thiện.
Tại phiên tòa, chủ tọa Minh cũng có những lời khuyên bảo hai bị cáo phải biết nhận thức lỗi lầm và sửa sai trong tương lai. Sau khi nghị án, HĐXX tuyên miễn trách nhiệm hình sự đối với cả Tân và Tuấn.
|
Tân (áo trắng) và Tuấn được miễn trách nhiệm hình sự tại phiên phúc thẩm ngày 15/9. Ảnh: Thăng Long. |
Trước đó sáng 20/7, TAND quận Thủ Đức (TP.HCM) mở phiên xử sơ thẩm đối với bị cáo Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn về tội Cướp giật tài sản.
Theo nội dung vụ án, khoảng 22h ngày 17/10/2015, Nguyễn Hoàng Tuấn và Ôn Thành Tân (cùng 17 tuổi) gặp nhau tại một tiệm Internet ở phường Tăng Nhơn Phú B (quận 9). Cả 2 chơi đến 10h ngày 18/10 thì nghỉ để đi xin việc. Trên đường đi, 2 người đói bụng nên nảy sinh ý định cướp đồ ăn.
Đến trước một tiệm tạp hóa trên địa bàn Thủ Đức, Tuấn ngồi sau xe kêu chủ tiệm tạp hóa bán 2 bao chuối sấy, một ổ bánh mì ngọt, một bao đậu phộng rang muối và 3 bao me trộn đường. Số tài sản này sau đó được cơ quan chức năng định giá 45.000 đồng.
Khi chủ tiệm mang các món đồ nói trên ra ngoài thì Tuấn giật lấy, Tân tăng ga bỏ chạy. Chủ tiệm tạp hóa tri hô, người dân vây bắt được cả 2 rồi báo cho công an phường. Tại cơ quan điều tra, Tuấn và Tân cùng khai nhận hành vi phạm tội.
Sau đó, VKSND quận Thủ Đức ra cáo trạng truy tố hai bị can Tân và Tuân về tội Cướp tài sản theo Điểm d Khoản 2 điều 136 Bộ Luật hình sự (khung hình phạt 3 - 10 năm tù).
Kết thúc phiên xử, HĐXX tuyên Tân mức án bằng chính số ngày tạm giam, trả tự do sau khi phiên tòa kết thúc. Người còn lại phải thi hành án thêm 1 tháng 10 ngày tù. Luật sư đại diện cho bị cáo đã đứng ra kháng cáo.
Đến ngày 25/7, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình yêu cầu TAND TP.HCM xem xét lại vụ án được dư luận rất quan tâm. Theo đó, khi xét xử phúc thẩm vụ án, tòa án cấp phúc thẩm cần nghiên cứu kỹ quy định của Bộ luật Hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, từ đó đưa ra quyết định áp dụng nguyên tắc, biện pháp xử lý đối với hai bị cáo.
Vụ việc phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết khi một người xóa án tích thì trong hồ sơ của họ không còn tiền án, tiền sự. Tuy nhiên, nếu tiếp tục vi phạm hình sự thì dù đã xóa án tích vẫn được xem là có thân nhân xấu.
Án tích không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người vi phạm mà còn ảnh hưởng một phần đến con, cháu họ sau này. Cụ thể là thời gian vừa qua có một số trường hợp thí sinh thi vào trường công an đạt điểm cao nhưng không được xét tuyển do cha, mẹ từng vi phạm pháp luật.
Trong khi đó, luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) chia sẻ Bộ luật Hình sự quy định về án tích là người có tiền án (án tích) đã bị kết án và chấp hành hết hình phạt nhưng chưa được xóa án. Sau khi xóa án thì người có án tích sẽ không còn tiền án, tiền sự lưu vào lý lịch.
Điều 25 Bộ luật hình sự quy định về các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự là: Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi của bị cáo không còn nguy hiểm cho xã hội; Người phạm tội tự thú trước khi bị phát giác; Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có quyết định đại xá.
Mời quý độc giả xem video Tên trộm liều lĩnh (nguồn Youtube):