Hải Phòng thế nào sau gần 1 tháng ra quân dẹp vỉa hè?

Google News

Sau gần 1 tháng ra quân, tình trạng tái chiếm vỉa hè kinh doanh đã manh nha trở lại khiến “cuộc chiến” này càng trở nên gian nan.

Trước sự quyết tâm giành lại vỉa hè cho người đi bộ của các cấp, ngành đa số người dân Hải Phòng đã hào hứng, ủng hộ với kỳ vọng bộ mặt đô thị thành phố sẽ đổi khác. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng ra quân, tình trạng tái chiếm vỉa hè kinh doanh đã manh nha trở lại khiến “cuộc chiến” này càng trở nên gian nan.
Hai Phong the nao sau gan 1 thang ra quan dep via he
 
Quyết tâm giành lại vỉa hè cho người đi bộ
Trở lại một số tuyến phố: Tô Hiệu, Trần Nguyên Hãn, Mê Linh (quận Lê Chân), Quang Trung, Lê Đại Hành (quận Hồng Bàng), Cầu Đất, Lê Lợi (quận Ngô Quyền)… sau hơn một tháng ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ, không gian đô thị như thoáng đãng hơn. Tình trạng hàng quán bày bán kín hết lối đi trên các vỉa hè gần như không còn. Các phố chính nơi từng nhộn nhịp buôn bán như: Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Tô Hiệu… đã thực sự quang đãng, xe máy được xếp ngay ngắn sát vào cửa nhà dân để dành vỉa hè cho người đi bộ.
Cụ thể, tại phố Quang Trung có mật độ buôn bán sầm uất nhất nhì TP Cảng, các cửa hàng gần như không còn để hàng hóa ngoài vỉa hè như trước. Tuy nhiên, đoạn bờ hồ Tam Bạc vẫn lác đác còn gánh hàng rong, xe đẩy đặt trên vỉa hè bán hoa quả, rau củ, xôi chè…
Hai Phong the nao sau gan 1 thang ra quan dep via he-Hinh-2
 Người bán hàng vẫn ngang nhiên kinh doanh trên vỉa hè đường Cầu Đất. ảnh: Minh Lý
Tương tự, tại tuyến phố Cầu Đất (quận Lê Chân) - trục đường chính nối 3 quận Ngô Quyền, Lê Chân, Hồng Bàng vẫn còn tồn tại cảnh bán hàng tranh thủ. Gần chục xe đẩy bánh rán vẫn ngang nhiên bán hàng bất chấp lời hô hào, vận động và cả mệnh lệnh của chính quyền sở tại. Cùng với đó, hàng loạt xe máy của các cửa hàng cũng dựng chắn hết lối đi khiến nhiều khách du lịch muốn qua phải lựa, lách.
Vòng sang phố Lê Lợi, quang cảnh vỉa hè thoáng đãng khác hẳn so với trước đây. Tuy nhiên, không ai ngờ rằng, phần vỉa hè đang trở thành đường giao thông mới cho các phương tiện như xe máy, đạp điện chiếm dụng lưu thông.
Bà Trần Thị Thìn (66 tuổi, kinh doanh quần áo tại số 106 Quang Trung, phường Phan Bội Châu, Hồng Bàng) cho biết: “Cách đây hơn một tháng, chính quyền địa phương có thông báo yêu cầu các hội kinh doanh không để hàng hóa, xe cộ lấn chiếm vỉa hè. Tôi đã lùi hàng hóa vào sâu bên trong gần 1m để xe cho khách và giúp vỉa hè thông thoáng hơn. Trả lại vỉa hè cho người đi bộ thì tôi hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, cần có sự công bằng cho tất cả mọi người, không nên để cho một số tác nhân gây ảnh hưởng”.
Bà Thìn đề nghị cơ quan chức năng đã vận động người dân trả lại vỉa hè phải có trách nhiệm giám sát, xử phạt người vi phạm, giữ cho vỉa hè được đúng chức năng.
Cuộc chiến không đơn giản
Là một trong những quận ra quân đầu tiên và được đánh giá là làm tốt nhất công tác lấy lại vỉa hè cho người đi bộ ở Hải Phòng, quận Hồng Bàng sau gần 2 tháng triển khai đã thực hiện giải tỏa được 250 hộ bán hàng rau, củ quả dưới lòng đường, trên hè khu vực Tam Bạc; tháo dỡ toàn bộ bậc lên xuống từ lòng đường lên vỉa hè và từ vỉa hè vào nhà dân. Xử lý 156 trường hợp bán hàng rong chiếm lòng đường, tháo dỡ 71 biển quảng cáo, tháo dỡ mái che, ô dù, bạt của 190 hộ… trả lại đường thông hè thoáng cho người đi bộ. Theo đó, quận Hồng Bàng đã xử phạt vi phạm hành chính tổng cộng 50.000.000 đồng.
Hai Phong the nao sau gan 1 thang ra quan dep via he-Hinh-3
 Người và xe ngang nhiên đi trên vỉa hè đường Lê Lợi.
Chị Đào Thị Mơ (xã Tân Hưng, huyện Thủy Nguyên) thường bán hàng rong khu vực Tam Bạc cho biết: “Tôi bám trụ tại khu vực này để bán hàng cũng ngót nghét 10 năm và thuê nhà trong hẻm sinh sống. Hàng ngày, tôi ra chợ đầu mối mua hoa quả về dầm rồi hàng ngày đem ra bán cho khách vãng lai. Mấy hôm nay lực lượng chức năng quận Hồng Bàng đi dọn dẹp lòng lề đường dữ quá, những người bán hàng rong như tôi gần như thất nghiệp. Biết rằng bán hàng rong trên vỉa hè là vi phạm, là bị phạt nhưng không còn cách nào khác vì cuộc sống mưu sinh. Giờ tôi chỉ mong chính quyền tạo một khu vực cho những người bán hàng rong tập trung và đóng thuế thì chúng tôi đỡ khổ và thành phố cũng đỡ lem nhem hơn”.
Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội dọc các tuyến đường trên địa bàn TP Hải Phòng, dù lực lượng chức năng liên tục kiểm tra xử phạt nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường vẫn còn. Trên các tuyến đường như: Tô Hiệu, Trần Hưng Đạo, bờ hồ Tam Bạc, lực lượng liên ngành đã ra quân xử phạt người dân lấn chiếm vỉa hè làm nơi đậu xe, hàng quán, hàng rong. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tái phạm, sau khi lực lượng chức năng rút đi thì hàng quán lại mọc lên vỉa hè.
Chia sẻ về quá trình ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ trên địa bàn quận Hồng Bàng, ông Dương Đình Ổn, Phó Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng cho biết: “Tính đến ngày 21/UBND quận đã thực hiện xong các tiêu chí theo Quyết định 319/QĐ-UBND ngày 12/3/2012 của UBND thành phố về việc “Quyết định ban hành tiêu chí tuyến đường kiểu mẫu trên địa bàn TP Hải Phòng” trên các tuyến đường: Trần Hưng Đạo, Hoàng Văn Thụ, Điện Biên Phủ, Đinh Tiên Hoàng, Minh Khai, Quang Trung, Tam Bạc. Trước khi triển khai công tác này, quận Hồng Bàng đã ban hành bản cam kết với các hộ dân trên toàn quận về việc chấp hành quy định về trật tự xây dựng, trật tự đường hè, vệ sinh môi trường… Đồng thời tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh nội dung Nghị định 155/NĐ-CP năm 2016 về việc “Quy định mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”; phát hành tờ gấp về nội dung Nghị định 155/NĐ-CP năm 2016 về việc “Quy định mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh Kế hoạch 47/KH-UBND của UBND quận Hồng Bàng ngày 06/3/2017 về việc triển khai công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đường hè, vệ sinh môi trường nếp trên địa bàn quận Hồng Bàng năm 2017”.
Cuộc chiến giành lại vỉa hè cho người đi bộ, tạo không gian mới, bộ mặt mới cho thành phố là việc làm cấp bách và cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần hài hòa vì quyền lợi của người dân. Trước tiên mỗi cán bộ công chức phải làm gương, nói không với hành vi lấn chiếm vỉa hè sẽ tạo sự lan tỏa, tác động lớn. Bên cạnh đó, phải tuyên truyền sâu rộng hơn nữa tới người dân, để mọi người tự giác chấp hành.
Cũng theo ông Dương Đình Ổn, cuộc chiến giành lại vỉa hè cho người đi bộ là cuộc chiến không hề đơn giản. Để duy trì và làm tốt công tác này, quận cũng đã có kiến nghị với thành phố chỉ đạo các ngành, đơn vị quán triệt cán bộ công chức không đậu đỗ xe ôtô sai quy định. Điều chỉnh tiêu chí tuyến đường kiểu mẫu tại Quyết định 319/QĐ-UBND ngày 12/3/2012 của UBND thành phố về việc “Quyết định ban hành tiêu chí tuyến đường kiểu mẫu trên địa bàn thành phố Hải Phòng”. Từ quy định “đậu đỗ xe đạp xe máy đầu quay vào trong, đuôi xe quay ra ngoài, bám sát bó vỉa hè” thành “đầu xe để sát nhà dân đuôi xe quay ra ngoài” nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị và đường thông hè thoáng. Thậm chí, cho phép UBND phường trong quá trình kiểm tra đường hè khi phát hiện thấy xe ô tô đậu đỗ sai quy định được phép khóa bánh và liên hệ với cơ quan chức năng xử lý.
Theo Minh Lý - Trung Đức/VietnamNet

>> xem thêm

Bình luận(0)