Hải Phòng: Địa phương nào để dịch Covid 19 xảy ra, lãnh đạo quận, huyện phải chịu trách nhiệm

Google News

(Kiến Thức) - Bí thư quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước Thành ủy Hải Phòng về việc phòng chống dịch bệnh tại địa phương. Nếu địa phương để dịch xảy ra, Bí thư, Chủ tịch quận, huyện phải chịu trách nhiệm. Nếu để dịch lan rộng sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quận, huyện.

Chiều 13/3, chủ trì Hội nghị trực tuyến với các Quận ủy, Huyện ủy về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng nói rằng, hội nghị để toàn thành phố vận hành ngăn chặn để không có dịch xảy ra trên địa bàn, nếu có xảy ra thì sử dụng các lực lượng để khoanh vùng, không lan rộng dịch, kiểm soát được tình hình. Thành phố luôn phải cảnh giác cao trước diễn biến của dịch để có biện pháp đối phó kịp thời.
Đồng thời, ông Lê Văn Thành đề nghị cả hệ thống chính trị, từ thành phố đến cơ sở phải vào cuộc bằng những kế hoạch, chương trình, hành động cụ thể. Bí thư các quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước Thành ủy về việc phòng chống dịch bệnh tại địa phương.
“Nếu địa phương để dịch xảy ra, Bí thư Quận, Huyện ủy, Chủ tịch UBND quận, huyện phải chịu trách nhiệm. Nếu để dịch lan rộng sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quận, huyện”, ông Lê Văn Thành nói.
Hai Phong: Dia phuong nao de dich Covid 19 xay ra, lanh dao quan, huyen phai chiu trach nhiem
 Quang cảnh hội nghị.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng cũng yêu cầu các quận, huyện xây dựng kế hoạch cụ thể đến từng người dân, trước hết tới Bí thư, Chủ tịch các xã, phường, thị trấn, trên cơ sở đó họp triển khai tới các thôn, tổ dân phố, quán triệt tới người dân để người dân tự phòng ngừa, cảnh giác phòng bệnh, vận động người dân hạn chế ra ngoài, khai báo khi có người thân đi từ nước ngoài hoặc từ vùng dịch về.
Yêu cầu lãnh đạo thành phố phải làm gương để phòng bệnh dịch, ban hành quy định hướng dẫn các cơ quan, ban ngành, địa phương đeo khẩu trang trong cơ quan làm việc, hạn chế tổ chức, tham gia các hoạt động liên hoan, tập trung đông người.
Liên quan tới các hoạt động vui chơi, giải trí, cấm các nhà hàng, vũ trường, quán karaoke hoạt động từ 22h đến 5h hàng ngày. Giao lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng vận động các sân gôn tạm dừng hoạt động để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Để chuẩn bị các giải pháp trong trường hợp xuất hiện ca dương tính, ông Thành đề nghị các địa phương cụ thể hoá tương tự như cấp thành phố về giải pháp y tế, xây dựng kịch bản mẫu cụ thể về nhân lực, phương tiện, giải pháp khoanh vùng, chống dịch. Đồng thời yêu cầu các địa phương phải dốc toàn lực, xây dựng kịch bản cụ thể ứng phó, không để dịch lan rộng, đồng thời yêu cầu các địa phương phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng khi mua trang thiết bị, lương thực thực phẩm, không để thất thoát tiền thuế của dân.
Liên quan đến tình hình phòng chống dịch Covid 19 tính đến ngày 13/3 tại Hải Phòng, hiện Hải Phòng chưa phát hiện ca dương tính nào. 123/123 ca nghi nhiễm có kết quả xét nghiệm âm tính, 11 ca nghi ngờ đã có kết quả xét nghiệm âm tính.
Hiện thành phố đã có 836/1.400 người đang cách ly tại các điểm cách ly tập trung; Cụ thể, cách ly tại cơ sở 1 Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp: 33 người. Cách ly tại cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp: 417 người. Cách ly tại Bệnh viện Trẻ Em: 6 người. Cách ly tại trường Quân sự thành phố: 86 người. Cách ly tại Trung tâm GDQP trường Đại học Hải Phòng: 294 người
Hiện tại thực hiện chỉ đạo của thành phố, các cơ sở cách ly sẽ cho các đối tượng không cần cách ly tập trung nữa về để cách ly tại nhà, số lượng cách ly tập trung sẽ giảm trong thời gian tới. Các địa điểm kiểm soát y tế sẽ được tháo gỡ, cuộc sống của người dân khu vực đó sẽ trở lại bình thường.
Ngày 13/3, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng có văn bản 586/VP-VX về việc điều chỉnh hình thức cách ly, theo dõi sức khỏe, kiểm soát y tế đối với các trường hợp liên quan đến chuyến bay VN 00054.
Theo đó, tiếp tục cách ly 24 hành khách trên chuyến bay VN 00054 (F1) tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp 2 cho đến khi đủ 14 ngày (tính từ 2/3/2020). Tiếp tục cách ly 23 trường hợp tiếp xúc gần với BN 30 tại tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp 2 cho đến khi đủ 14 ngày (tính từ ngày tiếp xúc (6/3/2020)
Các trường hợp tiếp xúc gần, gia đình của hành khách chuyến bay (F2), có thể được ra khỏi khu cách ly tập trung của thành phố và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà.
Dừng thực hiện nhiệm vụ tại các điểm kiểm tra giám sát y tế tại 4 khu vực: ngõ 132 An Đà, phường Đằng Giang (quận Ngô Quyền); đường Trần Văn Lan (quận Hải An); tổ dân phố Tân Lập, phường Tân Thành (quận Dương Kinh) và thôn Trại, xã Thủy Đường (huyện Thủy Nguyên).
Mới đây, UBND thành phố Hải Phòng đã đồng ý đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép trẻ em mầm non, học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông và học viên giáo dục thường xuyên tiếp tục nghi học từ ngày 16/3/2020 đến hết ngày 22/3/2020.
UBND thành phố giao Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường tiếp tục thực hiện nghiêm quy trình phòng, chống COVID-19, bảo đảm an toàn trường học theo hướng dẫn của Bộ Y tế và của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống COVID-19 tại các trường học.
Chủ động phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng triển khai thực hiện Công văn số 1666/UBND-VX ngày 11/3/2020 của UBND thành phổ về việc dạy học trên truyền hình đối với học sinh lớp 9 và lớp 12 trong thời gian học sinh nghỉ học do dịch bệnh COVID-19.
Trước đó, Hội đồng Nhân dân TP Hải Phòng cũng đã họp phiên bất thường trong ngày 12/3 để thông qua nghị quyết về chống dịch. Trong đó, TP Hải Phòng sẽ chi hơn 126 tỷ đồng để mua trang thiết bị, vật tư chống dịch, đồng thời đã dự trù 1.000 tỷ đồng để chi dùng nếu dịch bùng phát.
>>> Mời độc giả xem thêm video WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch:

VTC Now.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hải Phòng, hiện nay thành phố có thể trang bị, huy động các cơ sở y tế phục vụ cách ly tập trung như: Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2 để cách ly 1.000 người, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng an ninh (trường Đại học Hải Phòng) cách ly 1.000 người, Trường Quân sự thành phố (tại huyện Thủy Nguyên) cách ly được 180 người. Các quận, huyện huy động 1.033 điểm tại các trường học, nhà nghỉ, khách sạn có thể cách ly được hơn 10.000 người. Như vậy trên địa bàn thành phố có thể huy động cách ly được tối đa hơn 13.000 người.
Sở Y tế báo cáo kịch bản chi tiết khi có dịch xảy ra, trong trường hợp có dưới 300 người nhiễm bệnh, ngành Y tế sẽ bố trí điều trị cho 250 người tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp), 50 người tại Bệnh viện trẻ em.
Trong trường hợp có hơn 300 người nhiễm bệnh, thành phố sẽ chuyển số người cách ly tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp cơ sở 2 về cách ly tại tuyến quận, huyện. Sau khi bổ sung trang thiết bị, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2 sẽ tiếp nhận điều trị được 1.000 người, Bệnh viện Y học cổ truyền sẽ tiếp nhận điều trị 500 người. Thành phố sẽ huy động Bệnh viện Kiến An là bệnh viện dã chiến, có thể tiếp nhận điều trị được 1.000 người. Ngoài ra, ngành Y tế dự kiến huy động các bệnh viện như: Đa khoa quốc tế Hải Phòng, Green, Vinmec, Y học Hải quân, Bệnh viện 203, Bệnh viện Công an, Bệnh viện Đại học Y Dược và huy động 1/3 số giường bệnh hiện đang điều trị nội trú của tuyến quận, huyện. Tổng số giường bệnh toàn ngành Y tế là hơn 8.000 giường bệnh, nếu tận dụng tối đa có thể được gần 10.000 giường bệnh. Trong đó, có thể bố trí tối đa được 5.000 giường bệnh cho nhóm bệnh nhân Covid-19.
Hiện nay, thành phố huy động trang bị được khoảng 183 máy thở, trang bị thêm 17 máy theo Nghị quyết 11/2020/NQ-HĐND thì sẽ đáp ứng được nhu cầu điều trị cho cấp độ 200 – 300 người bệnh. Nếu có trên 300 người bệnh, sẽ thực hiện đầu tư trang thiết bị theo gói đầu tư dự phòng đã được HĐND thành phố thông qua. Về nhân lực, nhân lực trong toàn ngành Y tế của thành phố là 13.794 người, trong đó có hơn 2.000 bác sĩ. Bên cạnh đó, thành phố có thể trưng dụng sinh viên năm cuối của Trường Đại học Y Dược Hải Phòng và Trường Cao đẳng Y Dược của thành phố.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)