Hải Dương: Trường tiểu học Lê Hồng có dấu hiệu “lạm thu”?

Google News

(Kiến Thức) - Ngay trong những ngày đầu năm học, một số phụ huynh trường tiểu học Lê Hồng đã có đơn gửi đến các cơ quan báo chí đề nghị xác minh làm rõ dấu hiệu “lạm thu” tại trường tiểu học Lê Hồng. 
 
 

Mới đây, PV Kiến Thức nhận được đơn phản ánh của một số phụ huynh học sinh "tố" trường Tiểu học Lê Hồng lạm thu.
 Trong đơn thư phản ánh, một số phụ huynh cho rằng, trong những năm học gần đây như năm 2015-2016, 2016-2017, 2017-2018, trường tiểu học Lê Hồng (xã Lê Hồng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) thu khoản tiền xã hội hóa có dấu hiệu cào bằng các phụ huynh, dù phụ huynh không đồng ý với khoản thu nhưng nhà trường vẫn đề ra mức thu.
Trong khi đó, một số phụ huynh cũng thắc mắc về việc sử dụng số tiền xã hội hóa tại trường Tiểu học Lê Hồng mà họ cho rằng còn thiếu minh bạch, không đúng mục đích đề ra.
Hai Duong: Truong tieu hoc Le Hong co dau hieu “lam thu”?
 Trường Tiểu học Lê Hồng.
Ngoài ra, các phụ huynh cũng bày tỏ băn khoăn về các khoản thu như tiền photo bài kiểm tra (dự kiến mức thu 60 nghìn đồng/9 tháng/1 học sinh) tiền tin nhắn điện tử (lúc đầu dự kiến thu 90 nghìn đồng/học sinh sau giảm xuống còn 80 nghìn đồng/học sinh) tiền vệ sinh lao động, kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh hay việc lựa chọn các môn học tự chọn…
Để làm rõ những phản ánh của một số phụ huỵnh học sinh, ngày 20/9, PV Kiến Thức đã có buổi làm việc với hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Hồng – ông Trần Hồng Nam.
Ông Trần Hồng Nam – Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Hồng thừa nhận có việc các phụ huynh có ý kiến về một số khoản thu - chi của nhà trường.
Nói về việc các phụ huynh phản ánh nhà trường thu các khoản xã hội hóa theo hướng cào bằng, ông phủ nhận: Thực ra nhà trường không cào bằng các khoản thu xã hội hóa đối với các phụ huynh học sinh.
“Giống như việc mình đi ăn cỗ có khi không bảo nhau nhưng 200 nghìn hoặc 500 nghìn đồng. Trong kế hoạch nhà trường huy động mỗi năm thu khoảng 80 đến 90 triệu đồng, các phụ huynh làm một phép tính rất nhanh. Họ lấy số tiền đó chia cho tổng số học sinh. Rõ ràng ở đây là phụ huynh tự cào bằng”, ông Nam cho hay.
“Nhà trường không thu cào bằng tiền xã hội hóa bởi hồ sơ lưu trữ trong kế toán thể hiện rõ, có học sinh đóng 100 nghìn đồng, có học sinh đóng 150 nghìn, có người đóng 200 nghìn đồng, thậm chí có người không đóng”, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Hồng cho biết.
Nói về việc chi tiêu số tiền thu được từ xã hội hóa, ông Trần Hồng Nam lấy ví dụ về năm học 2017-2018, nhà trường tập trung xây dựng thư viện xuất sắc. Khoản tiền đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng và một số trang thiết bị trong thư viện là bằng từ nguồn ngân sách nhưng thiếu một số đầu sách thì nhà trường huy động cha mẹ học sinh hỗ trợ về truyện thiếu nhi, sách…với tổng số tiền khoảng 25 triệu đồng và số tiền này có hóa đơn đỏ.
“Những năm trước, số tiền thu từ xã hội hóa giáo dục nhà trường sử dụng là sân khấu cho các em học sinh hoạt động văn nghệ, mua cây cảnh, mua bàn ghế, bảng, 5 bộ máy vi tính, cộng với sách cho thư viện, số tiền còn lại dùng để tu sửa nhỏ. Năm nay, nhà trường sẽ tập trung vào 3 nội dung như bếp ăn bán trú, sửa nhà vệ sinh và 30 bộ bàn ghế”, ông Trần Hồng Nam cho biết.
Liên quan đến việc một số phụ huynh thắc mắc khoản thu tiền tin nhắn điện tử có sự chênh lệch khi lúc đầu nhà trường thông báo dự kiến thu 90 nghìn đồng nhưng sau đó phụ huynh không đồng ý, nhà trường lại giảm xuống 80 nghìn đồng. 
Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Hồng cho biết, sở dĩ có sự chênh lệch như thế là do nhìn nhầm.
“Lúc đầu, tôi với nhà mạng Viettel có sự sơ suất. Trong bảng danh sách có dòng gói tin nhắn và dòng bên là số tiền thì tôi lại nhìn gói 90 tin nhắn, tương đương 80 nghìn. Sau khi họp phụ huynh xong, thì nhà mạng bảo cứ cho phụ huynh dùng thử, nếu không nhất trí thì Viettel lại khóa mạng bình thường, chứ không phải là ép buộc phụ huynh nhưng khi triển khai ra, đa số phụ huynh đều ủng hộ, còn một bộ phận phụ huynh nếu không ủng hộ thì sẽ không cung cấp tin nhắn điện tử. Đây là tự nguyện chứ nhà trường không ép”, ông Nam cho hay.
Một số phụ huynh cho biết, họ không đồng ý với mức thu 60 nghìn đồng/học sinh tiền vệ sinh – lao động bởi theo quy định nhà trường thu không quá 25 triệu đồng/năm/tổng số học sinh. Hiện nhà trường có 506 học sinh với số tiền trên 30 triệu đồng (vượt con số cho phép).
Lý giải điều này, ông Trần Hồng Nam cho biết: “Hiện nhà trường có 506 học sinh đang theo học trong đó có khoảng gần 70 học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo, khuyết tật được miễn thu như vậy chỉ còn khoảng 430 học sinh như vậy, tổng số tiền vệ sinh thu được vẫn là 25 triệu đồng bằng số tiền được phép thu”.
Nói về việc một số phụ huynh phản ánh việc họ phát biểu không đồng ý với các khoản thu trong cuộc họp phụ huynh thì con em họ đã bị một số giáo viên gây áp lực, có dấu hiệu trù dập.
Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Hồng khẳng định, không có chuyện trù dập học sinh như phụ huynh phản ánh mà do các phụ huynh đã hiểu sai khi chỉ nghe từ một phía của học sinh.
Trước những phản ánh của phụ huynh học sinh, Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương cần phối hợp với UBND huyện Thanh Miện chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện Thanh Miện tiến hành kiểm tra nhằm làm rõ các khoản thu - chi tại trường Tiểu học Lê Hồng để tránh gây bức xúc cho các phụ huynh, làm ảnh hưởng đến tâm lý của các giáo viên và học sinh khi đang bước vào năm học mới.
PV Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Hải Ninh

Bình luận(0)