Trăm nẻo đường kết hôn giả
Ôm cháu bé trong lòng, cháu cứ bi bô kể đủ mọi thứ chuyện, từ chuyện cô giáo dạy múa dạy hát, chuyện ông bà nội mới mua cho cái hồ bơi bằng phao nhân dịp sinh nhật, chuyện bố mẹ mới đưa cháu đi chơi công viên Đầm Sen… Đang dở câu chuyện với cháu thì thấy có người đàn ông tên Sang đến đón, cháu bé chạy đến ôm chầm lấy cổ bố rồi quay sang chào chúng tôi: "Con chào các cô con về".
Khi bóng hai cha con đi khuất, người bạn mới quay sang bảo tôi: "Là cha con thật đấy, nhưng mà về giấy tờ thì cháu vẫn không phải là con của bố cháu". Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, người bạn hiện đang làm giáo viên mầm non một trường tư thục ở quận 9, TP.HCM cho biết, mẹ cháu bé cách đây mấy năm có đi xuất khẩu lao động bằng con đường kết hôn giả.
Đến khi về nước, vợ chồng mới sinh ra cháu. Nhưng do chưa có quyết định ly hôn với người đàn ông ngoại quốc kia, chồng chị trên danh nghĩa cũng chỉ là chồng cũ nên giấy tờ khai sinh cho cháu vẫn chưa được hoàn tất. Cháu khó xin đi học ở các trường công nên phải học ở trường tư thục.
Câu chuyện tình cờ được biết cách đây không lâu cứ ám ảnh tôi mãi. Ba tiếng "kết hôn giả" cứ lởn vởn trong đầu, bởi lẽ đã gọi là kết hôn đều phải có giấy tờ, được đóng dấu, được chứng nhận thì mọi thứ đều phải là thật. Hoá ra, cái đám giấy tờ thật ấy cũng chỉ để chứng nhận cho một cuộc hôn nhân giả mà tất cả động lực phía sau cũng chỉ là vì sức cám dỗ của đồng tiền.
Mỗi năm, trong cả nước phát hiện và xử lý hàng chục vụ môi giới kết hôn với người nước ngoài, có đến hàng ngàn người được xuất cảnh với chức danh "là vợ, là chồng".
|
Nhiều người lựa chọn phương thức kết hôn để có quốc tịch nước ngoài nhưng không lường trước được hết hậu quả. Ảnh minh họa. |
Để được "là vợ, là chồng" với những người nước ngoài, có người phải bỏ ra đến hàng ngàn đô la Mỹ - con số không nhỏ với những người dân lao động chất phác. Để rồi may mắn, sau một vài năm tha hương, quần quật làm những công việc chân tay nặng nhọc với giá "rẻ bèo" hơn nhiều lần so với công giá của những người dân nước đó, "người vợ, người chồng" này trở về nước với vài trăm triệu dắt lưng. Không may mắn thì tiền mất, tật mang, bị đuổi về nước với tình trạng kiệt quệ, bệnh tật. Không may nữa thì trở về trong bình tro tàn với nỗi buồn khôn xiết của người thân.
Thậm chí, ở các tỉnh miền Tây, có những làng được gọi là "làng lấy chồng nước ngoài", "làng xuất khẩu lao động". Có gia đình, chị lấy chồng nước ngoài "giả" rồi đến lượt em gái cũng theo chân. Đến khi có đủ tiền vốn dắt lưng về nước, lại khiến cha mẹ già phiền lòng vì nỗi "con gái ế" cứ đeo trên đầu. Mấy ai người ta tin, mấy ai người ta dám lấy người con gái đã mang tiếng "một đời chồng"…Những câu hò trên sông cứ vọng mãi, buồn mãi không thôi.
Đỏ mắt chờ ngày đến miền đất hứa
Trong số hàng chục phụ nữ ở các xã vùng biển Thừa Thiên- Huế kết hôn giả với Việt kiều để xuất ngoại mỗi năm, chỉ có khoảng nửa số người xuất ngoại thành công, còn lại đều rơi vào cảnh mỏi mòn chờ đợi.
Hơn chục năm nay, chị Nguyễn Thị H. lặng lẽ đi về với 2 đứa con trong căn phòng trọ lạnh lẽo ở phường Xuân Phú, thành phố Huế. Người bố của hai đứa con chị H. là anh Nguyễn Thanh Đ., đang định cư ở Mỹ, người đã kết hôn giả với chị. Theo lời kể của chị H., trước đó, sau rất nhiều lần chạy chọt làm thủ tục xuất ngoại nhưng không thành, được nhiều người mách bảo là nếu có con với nhau thì cơ hội sẽ nhiều hơn nên chị quyết định có con với người chồng trên giấy.
Nhưng sau ngày sinh 2 đứa con, việc xuất ngoại của chị H vẫn mờ mịt. Sau hàng chục lần được gọi đi thử ADN và phỏng vấn nhưng mẹ con chị vẫn không được xuất ngoại. Đến nay thì việc xuất ngoại của mẹ con chị hoàn toàn không còn cơ hội bởi người từng kết hôn giả với chị đã chính thức lập gia đình với một phụ nữ bản địa. “Âu cũng là cái số trời định cả rồi, giờ phải bươn chải mà nuôi con thôi anh ạ. Chỉ tội hai đứa trẻ ngày nào cũng hỏi về người bố của mình, tui không biết phải trả lời như thế nào với chúng”, chị H. buồn bã tâm sự.
Hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị L. (SN 1982) ở làng Hòa Duân, xã Phú Thuận cũng bi đát không kém. Chị đã bỏ người yêu sắp cưới và bỏ ngoài tai sự dè bỉu của hàng xóm để lên xe hoa với một anh chàng Việt kiều định cư ở Canada là Trương Viết Th. Trong lần về thăm quê nội, được bố mẹ chị L. thuê mướn, Th. đã kết hôn giả với chị L. mặc dù anh này đã có vợ ở Canada. Một đám cưới kiểu Tây nhanh chóng được tổ chức trước sự ngạc nhiên của bạn bè chị L. và bà con lối xóm. Rồi chị L. sinh 2 đứa con.
Th. hứa rằng khi về Canada sẽ nhanh chóng ly hôn với vợ để làm giấy tờ xuất ngoại cho mẹ con L. Thế nhưng lời hứa chỉ là mây gió khi mà vợ Th. không chấp nhận ly hôn và yêu cầu anh này quay lại chung sống vì đứa con của họ còn nhỏ. Từ đó đến nay, ròng rã mấy năm trời, chị L. và 2 con sống trong những chuỗi ngày không niềm vui, không còn gì để hi vọng, trong khi người chồng trên giấy thì bặt vô âm tín.
Nhiều ý kiến cho rằng điều quan trọng cần tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật, hỗ trợ đào tạo nghề, vốn vay, giải quyết việc làm cho phụ nữ. Cùng đó công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu của chính quyền cơ sở cũng cần siết chặt, kịp thời cung cấp thông tin về thuận lợi cũng như khó khăn xảy ra khi phụ nữ kết hôn với người nước ngoài để người dân nắm bắt.
Bên cạnh đó, phát huy vai trò giáo dục định hướng ngay từ gia đình, dòng họ và cộng đồng nhằm giúp mỗi cá nhân hình thành nhân cách, bản lĩnh vững vàng trước khi quyết định việc hệ trọng.