Mới đây Báo Tri thức và Cuộc sống đăng bài viết phản ánh tình trạng một số tiểu thương tại xã Hồng Lạc (huyện Thanh Hà, Hải Dương) không vào chợ Hồng Lạc được xây dựng khang trang, mà bám trục đường liên thôn Nam Đoài, đường tỉnh lộ 390B để kinh doanh.
“Tại dự án này, doanh nghiệp không chỉ làm chợ dân sinh, trung tâm thương mại, mà còn xây dựng nhiều dãy shophouse để bán. Chợ mới của tư nhân, nếu chủ đầu tư kinh doanh thua lỗ, bán cho người khác, chúng tôi sẽ ra sao. Bên cạnh đó, người dân quen mua ở chợ cũ, họ ngại sang đường, nên một số tiểu thương vào chợ mới kinh doanh cũng không có khách”, một tiểu thương nói.
Các tiểu thương cũng băn khoăn về lý do UBND xã Hồng Lạc đóng cửa chợ Mè truyền thống, vốn là nơi buôn bán của họ nhiều năm qua và mới được tu sửa năm 2015.
|
Dự án Khu chợ, thương mại dịch vụ xã Hồng Lạc |
Lý do đóng cửa chợ Mè, dù mới được tu sửa
Sau khi báo đăng, UBND huyện Thanh Hà và lãnh đạo UBND xã Hồng Lạc đã lên tiếng về những vướng mắc khi đóng chợ Mè cũ, chuyển tiểu thương ra kinh doanh tại chợ Hồng Lạc.
Ông Nguyễn Trọng Long, Chủ tịch UBND xã Hồng Lạc, cho hay, có tình trạng tiểu thương chưa đồng ý ra chợ Hồng Lạc để kinh doanh, buôn bán nhưng chỉ là một bộ phận chứ không phải đa số. Hiện, còn số ít hộ thuê đất nhà người dân buôn bán cạnh chợ Mè cũ đã đóng cửa.
“Đa số tiểu thương đã chuyển đến chợ mới kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ chưa đồng thuận. Lý do một phần theo phong tục, thói quen đường dân sinh sát chợ cũ, thuận tiện cho người dân đi lại, mua bán, khu vực bên chợ cũ lại đông dân cư sinh sống hơn. Mặt khác, một số tiểu thương viện lý do chợ mới do tư nhân làm nên không chuyển sang. Ngoài ra, một số hộ dân cho các tiểu thương thuê nơi buôn bán nên lôi kéo họ ra ngoài bán lẻ”, ông Long nói.
|
Chợ Mè bị đóng cửa do xuống cấp. |
Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Lạc, lý do đóng cửa chợ Mè cũ xuất phát từ chủ trương có từ năm 2019 để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; cần bổ sung, nâng cấp, hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó có tiêu chí cơ sở thương mại nông thôn. Hồng Lạc là một trong 3 xã đến năm 2030 trở thành đô thị loại 5. Do đó, phải xây dựng một chợ mới, trung tâm thương mại phù hợp quy mô, tiêu chí của nông thôn mới.
Trong khi đó, chợ Mè cũ có có diện tích 1.749 m2, là chợ hạng 3, nằm cạnh đường 390B, được tu sửa năm 2015. Tuy nhiên, hiện nay, chợ xuống cấp, điều kiện hoạt động không đảm bảo về giao thông, thường xuyên gây ùn tắc giờ cao điểm tại tuyến đường tỉnh 390B và đường vào thôn khu dân cư thôn Nam, thôn Đoài. Công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, chưa đảm bảo. Do đó, đầu năm 2023, UBND xã Hồng Lạc thực hiện đóng, dừng hoạt động Chợ Mè.
“Việc di chuyển bà con sang khu vực chợ mới, địa phương đã có tờ trình gửi các cấp, ngành liên quan và được phê duyệt. Cùng đó, chợ Hồng Lạc mới đã hoàn thiện. Trước khi đóng cửa chợ cũ, UBND xã vận động tiểu thương chuyển sang kinh doanh, buôn bán tại khu chợ, thương mại xã Hồng Lạc. Tháng 12/2022, UBND xã Hồng Lạc đã phối hợp tổ chức cho các tiểu thương bốc thăm, thuê quầy hàng tại chợ mới. Khi đó, có 122 hộ ký hợp đồng thuê quầy tại chợ mới”, ông Long cho biết.
|
Các tiểu thương vẫn kinh doanh tại đường ven chợ Mè cũ. |
|
Một tiểu thương cho biết kinh doanh ven đường chứ không vào chợ Hồng Lạc mới do tư nhân xây dựng. |
Đồng thời, UBND xã Hồng Lạc đã tổ chức giải tỏa hành lang an toàn giao thông, lập hàng rào ngăn cách giữa chợ Mè với đường giao thông liên thôn, nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Khi đó, có 6 đơn đề nghị của tiểu thương chưa đồng thuận với chủ trương và đề nghị giữ lại chợ Mè. UBND xã Hồng Lạc tổ chức hội nghị đối thoại với tiểu thương, trả lời đơn thư kiến nghị của công dân.
“Tại vị trí chợ Mè cũ, đã có chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng chợ Mè sang làm khu công viên cây xanh tạo cảnh quan khu vực đình Mè là phù hợp chủ trương định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Long nói.
Dự án khu chợ dân sinh, Trung tâm thương mại đã đầy đủ thủ tục?
Liên quan vụ việc trên, đại diện UBND huyện Thanh Hà cho hay, mới đây, UBND huyện cũng có báo cáo gửi Ban tiếp công dân tỉnh Hải Dương.
Trong báo cáo, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà Vũ Việt Anh nêu, Dự án Khu chợ, thương mại dịch vụ xã Hồng Lạc được UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định 1601 ngày 22/6/2020 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Xứ Đông làm chủ đầu tư và được điều chỉnh chủ trương đầu tư lần thứ nhất tại Quyết định số 1953 ngày 28/6/2021.
Đồng thời, UBND tỉnh Hải Dương cũng có quyết định số 895 ngày 19/3/2021 về việc chuyển mục đích sử dụng đất và cho Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Xứ Đông thuê đất; Quyết định số 92 ngày 17/01/2023 về phê duyệt giá đất cụ thể làm cơ sở tính tiền thuê đất trả tiền hàng năm khi nhà nước cho Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Xứ Đông thuê đất để thực hiện dự án và Quyết định số 793 ngày 28/4/2023 về điều chỉnh ranh giới khu đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Công ty Đầu tư Thương mại Xứ Đông tại xã Hồng Lạc.
“Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Xứ Đông đang hoàn thiện thủ tục đề nghị phê duyệt nội quy, quy chế hoạt động chợ dân sinh thuộc dự án khu chợ, thương mại dịch vụ xã Hồng Lạc. Chủ đầu tư dự án đang hoàn thiện và nghiệm thu những hạng mục phòng, chữa cháy tại khu vực các điểm bán hàng dân sinh, đảm bảo điều kiện cần thiết theo quy định”, trích nội dung báo cáo.
Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Lạc Nguyễn Trọng Long, để tạo điều kiện cho tiểu thương chuyển sang chợ Hồng Lạc mới để kinh doanh buôn bán, chủ đầu tư đang có nhiều chính sách hỗ trợ như chưa thu khoản phí nào từ tháng 11/2022 đến nay, chỉ thu duy nhất phí vệ sinh môi trường.
|
Khu chợ dân sinh Hồng Lạc vẫn vắng tiểu thương. |
Ngoài ra, khi các tiểu thương vào chợ mới kinh doanh, nếu chưa bán được hàng, chủ đầu tư đã phối hợp doanh nghiệp khác mua hàng cho các tiểu thương, giải quyết cho các hộ kinh doanh buôn bán hàng tồn ế.
“Bà con bán thịt trong chợ mới mà không hết, chủ đầu tư sẽ giới thiệu các doanh nghiệp, đơn vị khác mua giúp”, ông Long nói.
Tiếp tục dẹp “chợ cóc”
Hiện nay, một số tiểu thương và người dân vẫn mua bán hàng tại trục đường liên thôn Nam Đoài và đường tỉnh lộ 390B, chưa chuyển sang Khu chợ, thương mại dịch vụ xã Hồng Lạc, gây mất an toàn giao thông. Họ nhiều lần tụ tập, lôi kéo đông người đến UBND xã, trụ sở tiếp công dân huyện, kiến nghị giữ lại chợ Mè, làm ảnh hưởng tình hình chính trị trên địa bàn huyện trong thời gian qua.
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Trọng Long nói, thời gian tới, UBND xã Hồng Lạc tiếp tục giải tỏa hành lang an toàn giao thông, dẹp tình trạng “chợ cóc” mọc trên đường; đồng thời tiếp tục cho cán bộ trực tiếp xuống tuyên truyền, vận động bà con vào khu vực khang trang, sạch đẹp, vệ sinh môi trường tốt để buôn bán.
Đại diện UBND huyện Thanh Hà cũng thông tin, đơn vị này đã có đề nghị UBND tỉnh Hải Dương, các sở, ngành chức năng tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ huyện Thanh Hà và địa phương tổ chức hoạt động Khu chợ, thương mại dịch vụ xã Hồng Lạc, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Thời gian tới, chính quyền địa phương cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tiểu thương, nhân dân chuyển đến kinh doanh, buôn bán tại Khu chợ, thương mại dịch vụ xã Hồng Lạc.
Dự án xây dựng khu chợ, thương mại dịch vụ xã Hồng Lạc được UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 6/2020, do Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Xứ Đông làm chủ đầu tư.
Dự án sử dụng 17.665 m2 đất ở xóm Bắc, xã Hồng Lạc, với tổng vốn đầu tư trên 78 tỷ đồng. Khu chợ đạt tiêu chuẩn chợ loại 2 và khu thương mại dịch vụ với tổng số 60 ki ốt, 270 điểm bán hàng, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Đến nay, chủ đầu tư bỏ ra gần 200 tỷ đồng cho dự án trên.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hải Dương: Cận cảnh chợ tiền tỷ Phú Lộc để không, bất ngờ lý do