Hải Dương: Tiểu thương chê chợ tiền tỷ, bám đường buôn bán

Google News

Dự án chợ Hồng Lạc được đầu tư nhiều tỷ đồng, đã đi vào hoạt động. Chợ Mè cũ đóng cửa do xuống cấp, nhiều tiểu thương vẫn chê chợ mới, bám đường buôn bán, bất chấp biển cấm họp chợ.

Ít người buôn bán ở chợ mới hiện đại
Thời gian qua, ở Hải Dương, một số chợ mới được đầu tư tiền tỷ khang trang, hiện đại, có đầy đủ hệ thống phòng, chữa cháy như chợ Phú Lộc (xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương), siêu thị chợ Cuối (thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, Hải Dương)…, nhưng nhiều người kinh doanh không mặn mà. Mới đây, tình trạng này tiếp tục tái diễn tại Dự án xây dựng khu chợ, thương mại dịch vụ xã Hồng Lạc (xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, Hải Dương).
Hai Duong: Tieu thuong che cho tien ty, bam duong buon ban
Chợ dân sinh Hồng Lạc hoành tráng như một khu đô thị khi có cả trung tâm thương mại, khu Shophouse và chợ truyền thống 
Dự án xây dựng khu chợ, thương mại dịch vụ xã Hồng Lạc được UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 6/2020, do Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Xứ Đông làm chủ đầu tư. Dự án sử dụng 17.665 m2 đất ở xóm Bắc, xã Hồng Lạc, với tổng vốn đầu tư trên 78 tỷ đồng. Khu chợ đạt tiêu chuẩn chợ loại 2 và khu thương mại dịch vụ với tổng số 60 ki ốt, 270 điểm bán hàng, kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Đến nay, khu chợ, thương mại, dịch vụ xã Hồng Lạc đã hoàn thiện. Chủ đầu tư cũng đã đưa khu chợ dân sinh vào hoạt động. Tuy nhiên, rất ít người vào đây buôn bán.
Hai Duong: Tieu thuong che cho tien ty, bam duong buon ban-Hinh-2
Tại khu chợ dân sinh này các gian hàng vẫn thưa vắng. 
Theo ghi nhận của PV Tri thức và Cuộc sống, tại khu chợ dân sinh trong dự án chợ Hồng Lạc, nhiều gian hàng đang bỏ trống. Hoạt động kinh doanh tại chợ này cũng không sầm uất như kỳ vọng ban đầu là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, phát triển dịch vụ thương mại trong khu vực.
Khu chợ, thương mại dịch vụ xã Hồng Lạc có một trung tâm thương mại hiện chưa đưa vào hoạt động. Ngoài ra, có các dãy nhà ở, ki ốt kinh doanh liền kề. Tuy nhiên, ngoài chợ dân sinh có một số người buôn bán, những dãy shophouse này vẫn đóng cửa.
Hai Duong: Tieu thuong che cho tien ty, bam duong buon ban-Hinh-3
Khu Trung tâm thương mại chưa thể đưa vào hoạt động. 
Nhiều tiểu thương quyết bám lòng đường kinh doanh
Cách khu chợ, thương mại dịch vụ xã Hồng Lạc khoảng 200 m là khu chợ Mè cũ của xã Hồng Lạc, rộng hơn 1700 m2. Đây là nơi buôn bán, kinh doanh của hơn 100 tiểu thương có hợp đồng thuê chỗ, chủ yếu bán thịt, rau củ quả, cá…
Tuy nhiên, do tồn tại từ lâu, chợ cũ đã xuống cấp, dù được cải tạo, sửa chữa nhiều lần. Đảng ủy, UBND xã Hồng Lạc đã họp với các tiểu thương, thống nhất đóng cửa chợ truyền thống, vận động bà con sang chợ mới nhưng đến nay nhiều người không đồng ý.
Hai Duong: Tieu thuong che cho tien ty, bam duong buon ban-Hinh-4
Chợ Mè cũ đã đóng cửa từ ngày 21/1/2023, hiện đã bị rào kín. 
Tại khu vực chợ Mè cũ, nhiều người vẫn tận dụng vỉa hè, lòng đường để buôn bán, bất chấp UBND xã Hồng Lạc cho treo nhiều biển cấm họp chợ.
“Tại khu chợ mới, họ không chỉ làm chợ dân sinh, trung tâm thương mại, mà còn xây dựng các dãy nhà, ki ốt liền kề để bán. Các tiểu thương không muốn sang chợ mới vì do tư nhân làm. Hơn nữa, người dân chủ yếu mua bán bên chợ cũ, họ ngại sang đường. Đó cũng là lý do người buôn bán không vào chợ mới”, một tiểu thương cho hay.
Một số người khác cho rằng, chợ mới của tư nhân, nếu không may chủ đầu tư kinh doanh thua lỗ, bán cho người khác, tiểu thương sẽ ra sao. Do đó, họ phải kinh doanh tại khu vực chợ cũ để… giữ chợ.
Hai Duong: Tieu thuong che cho tien ty, bam duong buon ban-Hinh-5
 
Hai Duong: Tieu thuong che cho tien ty, bam duong buon ban-Hinh-6
Nhiều tiểu thương vẫn bám đường kinh doanh bất chấp biển cấm họp chợ. 
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trọng Long, Chủ tịch UBND xã Hồng Lạc, nói, một số người không vào chợ mới mà buôn bán tại đường giáp chợ là do họ thu được nguồn lợi bán hàng.
“UBND xã Hồng Lạc đã nhiều lần tuyên truyền, vận động, kể cả xuống chi bộ, tiếp xúc cử tri nhưng các tiểu thương chưa đồng thuận. Chợ dân sinh trong khu chợ mới cũng có một số người vào kinh doanh. Để thu hút, doanh nghiệp có nhiều ưu đãi, chỉ thu 10.000 đồng/ngày tiền chỗ ngồi. Ban Quản lý khu chợ cũng chưa thu tiền chỗ ngồi của người dân từ đầu năm đến nay, mới thu tiền điện, nước từ tháng 5”, ông Long nói.
Cũng theo ông Long, việc đưa người kinh doanh ra chợ mới là chủ trương của xã Hồng Lạc trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, hướng đến nông thôn văn minh, hiện đại hơn. Chợ Mè cũ đã được xã quy hoạch làm công viên cây xanh, khu vui chơi.
Để vận động người dân vào chợ mới, tránh tình trạng chợ cóc tự phát mọc lên trên đường, UBND xã Hồng Lạc cần tiếp tục tổ chức đối thoại, giải quyết những khúc mắc của các tiểu thương, cũng như thêm chính sách ưu đãi. Đồng thời, có biện pháp giải tỏa những điểm bán hàng tự phát ven chợ Mè. Hiện, một số tiểu thương chưa vào chợ do đã quen với tập quán cũ, chưa tin tưởng chính sách, ưu đãi của doanh nghiệp tư nhân, nên cần tiếp tục tuyên truyền, vận động.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hải Dương: Cận cảnh chợ tiền tỷ Phú Lộc để không, bất ngờ lý do
 

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)