Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành văn bản hỏa tốc về việc tăng cường kiểm tra, xử lý hiện tượng tăng giá vật tư, trang thiết bị y tế; thuốc hỗ trợ, điều trị COVID-19 trên địa bàn TP. Nguyên nhân do Hà Nội đang xảy ra tình trạng "loạn" giá bộ test nhanh COVID-19.
|
Giá bộ test nhanh COVID-19 tại Hà Nội đang tăng chóng mặt. |
Theo đó, Hà Nội yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các đơn vị: Cục Quản lý thị trường TP; các sở Y tế, Tài chính, Công Thương; Công an TP; Cục Thuế TP và UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo triển khai ngay công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm về giấy phép, việc đầu cơ, tăng giá, kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, nhãn mác đối với các mặt hàng vật tư, trang thiết bị y tế, bộ test kháng nguyên COVID-19, máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2; lưu thông, kinh doanh thuốc hỗ trợ, điều trị COVID-19 chưa được phép lưu hành theo quy định của pháp luật. Cục Quản lý thị trường Thành phố được giao chủ trì kiểm tra, tổng hợp, báo cáo UBND TP kết quả kiểm tra, xử lý theo quy định trước ngày 3/3.
Những ngày gần đây, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc COVID-19 tăng cao kỷ lục, nhu cầu test nhanh COVID-19 tại nhà của người dân tăng đột biến. Theo đó, thị trường mua bán kit test cũng bị đẩy lên đỉnh khi người dân có tâm lý mua về dự phòng.
Hiện, mặt hàng này được rao bán tràn lan trên mạng xã hội hay các sàn thương mại điện tử với đủ xuất xứ khác nhau từ Hàn Quốc, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, cho đến xuất xứ Trung Quốc… Giá mỗi bộ kit test phụ thuộc vào xuất xứ. Song thời điểm này, giá kit test nhanh một số nơi báo tăng theo ngày.
Ông Nguyễn Minh Lợi - Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đã đề nghị các đơn vị chủ động tăng cường hoạt động sản xuất, nhập khẩu sản phẩm để đảm bảo nguồn cung trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng sản phẩm. Thực hiện công khai và cập nhật giá, trong đó có yêu cầu các nhà phân phối, bán lẻ thực hiện niêm yết giá, không gom hàng và tăng giá.
Không để tình trạng giá công bố cao nhưng giá bán thấp, tạo kẽ hở cho các nhà phân phối, bán lẻ lợi dụng làm lũng đoạn thị trường; không bán cho các đơn vị thu mua, đầu cơ để tăng giá khi nhu cầu trong nước đang tăng cao, gây khan hiếm thị trường.
Bộ Y tế đã có các hướng dẫn rất cụ thể đối với các trường hợp nguy cơ (F1) và các trường hợp F0. Bộ đề nghị người dân cần nghiên cứu, liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn, tránh việc mua và sử dụng kit test khi chưa có nhu cầu, gây lãng phí không cần thiết, ảnh hưởng đến thị trường. Nếu cần thiết, người dân mua sản phẩm thuộc danh sách đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành và giấy phép nhập khẩu, có tài liệu hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.
Bộ Y tế khuyến cáo người sử dụng nghiên cứu kỹ và thực hiện theo đúng hướng dẫn sử dụng sản phẩm để tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng…