Việc tách làn trên tuyến đường Nguyễn Trãi vẫn chưa được thực hiện theo đúng thời gian dự kiến.
Vẫn còn nghiên cứu
Theo đề xuất ban đầu của Sở GTVT Hà Nội, từ 15/7, phương án thí điểm phân làn “cứng” trên tuyến đường Nguyễn Trãi tách riêng các loại phương tiện như xe máy, ô tô đi theo làn đường riêng. Theo đó, Sở GTVT sẽ bố trí 3 làn sát dải phân cách giữa cho ôtô di chuyển; 2 làn sát vỉa hè chỉ dành cho xe máy - xe đạp và xe buýt hoạt động. Tuy nhiên, ghi nhận của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, việc tách làn trên tuyến đường Nguyễn Trãi vẫn chưa được thực hiện theo đúng thời gian dự kiến trên.
|
Việc tách làn giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi còn nhiều vấn đề bất cập. |
Giờ cao điểm 17h ngày 17/7, tuyến đường Nguyễn Trãi theo 2 chiều vẫn diễn ra tình trạng giao thông hỗn loạn, ùn ứ. Các loại xe ô tô, xe máy, xe buýt...vẫn di chuyển đan xen, “lấp vào chỗ trống”, thậm chí nhiều xe máy, xe đạp vẫn leo lên vỉa hè gây tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Hữu Bảo - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: "Ngày 15/7, chúng tôi chưa triển khai phương án. Hiện chúng tôi đang tiếp tục phối hợp nghiên cứu kỹ lưỡng phương án phân làn tại đường Nguyễn Trãi và tính toán đến tính đồng bộ với việc tổ chức lại giao thông tại nút giao Ngã Tư Sở".
Liên quan đến việc Sở GTVT Hà Nội bố trí dải phân cách "cứng" để phân làn rõ ô tô với các phương tiện khác, nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự nghi ngại về sự khả thi.
Trao đổi trên báo Lao động, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thuỷ - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải cho hay, trước đây, đường Nguyễn Trãi từng có dải phân cách bằng hệ thống cây xanh tươi mát để phân giữa ô tô và các phương tiện khác, tuy nhiên khi xây dựng đường sắt trên cao nên đã phá bỏ hết đi. Bây giờ lại lắp dải phân cách cứng là một phương án cũng rất khó khả thi vì mật độ người tham gia giao thông quá lớn, rất nhiều khung giờ trong ngày xảy ra ách tắc nghiêm trọng.
“Việc lắp đặt này vừa tốn diện tích vừa gây khó khăn cho phương tiện di chuyển khi xảy ra ùn tắc. Ngoài ra ý thức người tham gia giao thông còn hạn chế...", ông Thuỷ nói và cho rằng, giải quyết bài toán hỗn loạn giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi là không dễ.
Bài học thất bại còn đó
Liên quan đến vấn đề tách làn xe giao thông, theo tìm hiểu của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, tính từ năm 2003 đến nay, Hà Nội đã có ít nhất 4 lần thất bại trong phân làn xe máy với ô tô, tiêu tốn hàng chục tỷ đồng. Thực tế, việc phân tách làn giao thông này không mang lại hiệu qua cao trong công tác hạn chế ùn tắc giao thông. Những vấn đề này trong quá khứ cũng đã được lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng như các chuyên gia giao thông “mổ xẻ” ưu, nhược điểm.
Theo đó, Hà Nội từng 4 lần tổ chức phân làn ô tô, xe máy, gồm: Năm 2003 trên tuyến Kim Mã; năm 2006 trên tuyến Trần Khát Chân - Ðại Cồ Việt; năm 2009 trên tuyến Giải Phóng; năm 2011 trên 1 loạt tuyến phố (Trần Khát Chân - Ðại Cồ Việt, Xã Ðàn, Giải Phóng, Phố Huế, Bà Triệu, Nguyễn Trãi...) nhưng đều rơi vào tình trạng “phá sản”.
Còn nhớ, trong buổi họp giao ban giữa các lãnh đạo thành phố Hà Nội ngày 14/10/2011, ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội - báo cáo kết quả phân làn tách dòng phương tiện trên 5 tuyến phố: Phố Huế - Hàng Bài, Bà Triệu, Giải Phóng, Xã Đàn, Trần Khất Chân - Đại Cồ Việt từng cho biết, sau hơn ba tuần phân làn, tách dòng phương tiện, bước đầu giảm thiểu các xung đột giao thông trên tuyến, tăng khả năng thông hành của các phương tiện lưu thông trong khu vực, giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã gặp không ít khó khăn và hạn chế cần phải khắc phục.
Ông Hùng cho biết nguyên nhân là do những tuyến đường này có lưu lượng phương tiện lưu thông lớn, thường xuyên có nguy cơ ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Khoảng cách giữa các nút giao thông ngắn, mặt cắt trên toàn tuyến không đồng bộ (như tuyến Bà Triệu, Phố Huế - Hàng Bài, Đại Cồ Việt).
Trong 5 tuyến phố vừa phân làn có tới bốn tuyến không có làn đường dành riêng cho xe buýt. Khi xe ra vào đón trả khách gây ảnh hưởng tới khả năng lưu thông với các phương tiện còn lại. Ngoài ra, số lượng cơ quan, trường học, cửa hàng, nhà dân… hai bên đường lớn. Các phương tiện liên tục có nhu cầu tách, nhập làn.
Mặc dù hệ thống biển báo, dải phân cách phân làn, tách dòng phương tiện đã được sơn phản quang, cột biển được dán giấy phản quang nhưng người điều khiển các phương tiện giao thông do thiếu quan sát, đặc biệt là các xe ô tô tải chạy ban đêm vẫn đâm vào. Ông Hùng cho biết, lái xe đã va quệt làm xoay lệch 40 biển; hư hỏng phải thay thế 23 cột; nghiêng đổ, gãy, phải trồng lại 138 cột biển báo. Đã có 4 thanh tra giao thông bị xe máy va quệt vào người khi đang đứng phân làn.
Ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thời điểm này cũng thẳng thắn thừa nhận việc tách làn giao thông gặp nhiều khó khăn là do chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở ngành liên qua và các bên cũng chưa triệt để thực hiện các giải pháp đặt ra.
“Còn thiếu sự đồng bộ trong việc phân làn, phân tuyến. Mặc dù phân rõ hai làn đường nhưng chưa chỉ rõ đối với các trường hợp rẽ phải, rẽ trái, đường dành cho xe buýt, các điểm dừng, đỗ xe… Cùng với đó là việc chưa triệt để thực hiện việc thống nhất kẻ vạch phân đường (vạch đứt hay vạch liền), rồi cột báo hiệu, dải phân cách, sơn phản quang đặt như thế nào cho hợp lý”, ông Thảo phân tích nguyên nhân dẫn tới những khó khăn trong việc phân làn.
Chuyên gia giao thông - PGS.TS Phạm Xuân Mai (ĐH Bách khoa TPHCM) từng góp ý: Nếu tách làn xe máy sẽ phải làm những con đường rất rộng và làn cho xe máy phải bằng hoặc lớn hơn làn ô tô. Điều đó không khả thi với quỹ đất cho giao thông hiện có.
“Làm đường riêng cho xe máy trong đô thị không khả thi, cả về quỹ đất lẫn tổ chức giao thông. Nếu có phân làn riêng, tại các nút giao vẫn phải để phương tiện đi hỗn hợp. Điều này thậm chí tạo thêm ùn tắc, hỗn loạn giao thông, nguy cơ tai nạn tăng thêm”, ông Mai nêu ý kiến và cho rằng với thói quen của người Việt, có phân làn thế nào (dù phân cách cứng hay mềm) vẫn lộn xộn, như phân làn thất bại tại Hà Nội, chỉ lãng phí. Thậm chí, việc chia làn của Hà Nội còn có nguy cơ tăng tai nạn giao thông khi phương tiện thường xuyên va chạm phải giải phân cách cứng đặt giữa đường.
Theo các chuyên gia, giải pháp hiệu quả nhất là phát triển vận tải công cộng. Khi xe buýt, tàu điện đáp ứng được nhu cầu đi lại, người dân sẽ từ bỏ xe máy. Khi lượng xe máy ít dần, việc phân làn mới khả thi.