Sau trận mưa lớn kéo dài gần 2 giờ ngày 12/6 với lượng mưa từ 41 mm đến 66 mm, nhiều khu vực tại Hà Nội như quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông... thành biển nước. Thêm một lần nữa, dư luận đặt câu hỏi: Các dự án chống ngập hàng chục nghìn tỷ từng được kỳ vọng thành… thất vọng?
Trao đổi với Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện Cấp thoát nước và Môi trường, cho rằng, khi quy hoạch các hồ, người ta chỉ nghĩ đến cảnh quan, trong khi vai trò chính của chúng là điều hòa nước mưa. Đó là bất cập trong quy hoạch hạ tầng. Trong khi đó, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng Thành phố, khẳng định, thoát nước là vấn đề phải giải quyết đồng bộ.
|
Ảnh minh họa. |
Nhiều dự án thoát nước, chống ngập
Chỉ một trận mưa đầu mùa, nhiều khu vực ở Thủ đô đã ngập lụt, dù Hà Nội đã chi hàng chục nghìn tỷ cho các dự án thoát nước, chống ngập. Tình trạng này nói lên điều gì?
PGS.TS Trần Đức Hạ: Thời gian qua, Hà Nội đã đầu tư nhiều dự án thoát nước, chống ngập như dự án thoát nước Hà Nội, trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, cụm công trình đầu mối Liên Mạc... Hiện, hệ thống thoát nước Yên Nghĩa vẫn vướng, chưa hoàn thành do tuyến kênh dẫn nước về trạm bơm.
Hai năm gần đây, Hà Nội loay hoay mãi chưa giải phóng xong mặt bằng. Trong khi đó, dự án thoát nước Hà Nội trong lưu vực nội đô, lưu vực sông Tô Lịch 77,5 km, hiện cả 2 giai đoạn đều tương đối hoàn chỉnh.
|
PGS.TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện Cấp thoát nước và Môi trường |
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Các trạm bơm có tác dụng rất lớn, nhất là trạm bơm cuối nguồn, nhưng vừa qua chúng ta chưa chú trọng, còn để một số dự án, trạm bơm chưa hoàn thành. Nhiều trạm bơm chưa được nâng công suất sử dụng.
Một vấn đề cần lưu ý không chỉ với Hà Nội là hiện nay, nhiều hệ thống sông bị biến đổi dòng chảy rất nhiều. Sông Hồng cũng đang bị biến đổi nên ảnh hưởng tiêu thoát nước.
Nghịch lý hồ cạn, phố lụt
Hiện các hồ điều hòa, sông ngòi cạn nhưng nhiều khu vực, tuyến phố Hà Nội cứ mưa là ngập?
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Thoát nước là vấn đề phải giải quyết đồng bộ. Vừa qua, Hà Nội có 2 lần lập Quy hoạch về thoát nước và đã triển khai. Tuy nhiên, về mặt khách quan, vẫn còn một số tồn tại.
Thứ nhất, lượng nước mưa đầu vào có những biến đổi rất lớn mà chúng ta chưa điều chỉnh hệ thống thoát nước được. Ví dụ, trước đây, chúng ta chỉ tính lượng mưa 150 mm; đến quy hoạch lần 2 tính đến 250 mm; nhưng vừa qua có những lúc lượng mưa đến 400 mm.
Thứ hai, Hà Nội hiện có một hệ thống thoát nước tương đối gắn kết với nhau. Tuy nhiên, việc duy tu, bảo dưỡng, nạo vét chưa thường xuyên, dẫn đến ách tắc. Đến mùa lá rụng, dù thu gom rác đã cố gắng nhưng lá cây, rác thải đổ vào cống thoát nước, gây ách tắc cục bộ.
Thứ ba, các nguồn nước thu và hồ bãi điều hòa, trạm bơm tiêu nước ở cuối nguồn chưa được nâng công suất, khiến nước mưa ứ lại, gây ngập lụt ở một số khu vực.
Hàng chục nghìn tỷ đồng chi cho các dự án thoát nước, chống ngập
Thời gian qua, Hà Nội đầu tư nhiều dự án thoát nước chống ngập hàng chục nghìn tỷ. Cụ thể:
Dự án thoát nước Hà Nội có mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng hoàn thành cuối năm 2016.
Dự án trạm bơm tiêu Yên Nghĩa thoát nước, chống ngập úng cho khu vực phía tây Hà Nội (gồm khoảng 6.300 ha sản xuất nông nghiệp, dân sinh thuộc các quận, huyện: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoài Đức) triển khai từ năm 2015 với tổng mức đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng...
Dự án xây dựng Cụm công trình đầu mối Liên Mạc (giúp giảm ngập úng cho khu vực quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và phụ cận) với tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng hiện vẫn chưa hẹn ngày về đích.
PGS.TS Trần Đức Hạ: Trận mưa gây ngập lụt cục bộ trưa 12/6 tại một số khu vực ở Hà Nội, nguyên nhân chính là các cửa thu nước mưa tại những tuyến đường bị rác thải làm tắc. Trận mưa đầu mùa năm nào cũng có tình trạng như vậy.
Ở đây chưa nói đến những dự án tiêu, thoát nước, chống ngập, mà ngay công tác quản lý đô thị, thoát nước với hàng trăm nghìn hố ga thu nước trên các đường phố Hà Nội cũng có vấn đề. Khi mưa lớn xuống, lượng rác thải lớn cuốn xuống cửa thu nước mưa dẫn đến tắc. Công ty thoát nước huy động lực lượng công nhân đi làm vệ sinh những cửa thu gom nước cũng không xuể.
Một vấn đề nữa là ở Hà Nội chỗ nào cũng xây dựng, đất cát đổ ra, mưa xuống đổ vào cửa thu nước. Do đó, dù đầu tư nhiều dự án thoát nước, chống ngập, nhưng về quản lý đô thị, quản lý môi trường vẫn có những bất cập.
Bên cạnh đó, khu vực mới phía Tây sông Tô Lịch, hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện, chưa tập trung đầu tư thu nước. Các hồ điều hòa khô hạn trơ đáy, không có nước. Khi quy hoạch các hồ, người ta chỉ nghĩ đến cảnh quan, trong khi vai trò chính của những hồ này là điều hòa nước mưa. Đây cũng là bất cập trong quy hoạch hạ tầng.
Khu vực nội thành hiện nay chỉ có thoát nước lưu vực sông Tô Lịch được đầu tư, cải tạo cơ bản đồng bộ, hoàn chỉnh, nhưng vẫn ngập lụt là như nào?
PGS.TS Trần Đức Hạ: Hệ thống thoát nước khu vực nội thành được chia thành 4 lưu vực sông Tô Lịch, Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ, Long Biên với tổng diện tích 235,69 km2. Đến nay, hệ thống thoát nước lưu vực sông Tô Lịch được đầu tư cải tạo cơ bản đồng bộ, hoàn chỉnh, với công suất thoát nước thiết kế 70 mm/giờ đối với hệ thống cống; 310 mm/2 ngày đối với toàn bộ hệ thống. Hệ thống thoát nước các khu vực còn lại, nhất là trạm bơm, hồ điều hòa, vẫn chủ yếu tiêu thoát tự chảy.
Trong khi đó, một số khu vực tại Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng hạ tầng chưa được xây dựng đồng bộ theo quy hoạch. Chưa kể, một số dự án hạ tầng đang triển khai trên địa bàn nội đô ảnh hưởng lớn đến hoạt động của hệ thống thoát nước.
Đáng lý, đầu tư thoát nước phải đồng bộ tất cả lưu vực. Tuy nhiên, hiện trạm bơm Yên Nghĩa 120 m3/s, lớn hơn trạm bơm Yên Sở 30 m3/s, dẫn đến nước mưa đổ dồn về sông Nhuệ. Bởi vì, trạm bơm sông Nhuệ thoát về phía La Khê, Tây Hà Nội nên cả khu vực này hiện chưa kịp thoát nước.
Khi lượng mưa đổ dồn về sông Nhuệ, mực nước sông cao lại qua đập Thanh Liệt tràn vào hệ thống sông Tô Lịch để dẫn về trạm bơm Yên Sở. Cho nên, trạm Yên Sở phải gánh toàn bộ nước cho lưu vực sông Nhuệ. Đáng lý ra, lưu vực sông Nhuệ phải tiêu thoát nước qua trạm bơm Yên Nghĩa. Những bất cập này cho thấy, dù hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, vẫn bị ngập.
|
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam |
Giải pháp nào để Thủ Đô sớm chấm dứt tình trạng ngập lụt?
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Hà Nội vừa có thống kê, khi giải quyết được một số điểm úng ngập thì đến năm sau lại xuất hiện một số điểm úng ngập mới. Do đó, cần phải có nghiên cứu tổng thể đồng bộ hơn mới giải quyết được.
Chúng ta phải có những trạm bơm linh hoạt để bơm nước đi khi xảy ra ngập úng, giải quyết cục bộ ngay. Phải linh hoạt mới giải quyết được tình trạng ngập úng cục bộ khi mưa như ở Hà Nội hiện nay.
Xin cảm ơn các chuyên gia về cuộc trò chuyện!
Dự kiến, Hà Nội có thêm 19 điểm/khu vực úng ngập cục bộ
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong năm 2023, với lượng mưa dưới 50 mm/giờ, Hà Nội sẽ không xảy ra úng ngập. Tuy nhiên, nếu lượng mưa từ 50 - 70 mm/giờ, Thủ đô dự kiến có 11 điểm/khu vực úng ngập: Nguyễn Khuyến, Hoa Bằng, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa, Cao Bá Quát, Thụy Khuê (đoạn dốc La Pho), Minh Khai, Nguyễn Chính, Đại lộ Thăng Long, phố Ngọc Lâm, đường Hoàng Như Tiếp.
Trường hợp các trận mưa tập trung trong thời gian ngắn, lượng mưa từ 100 mm/giờ trở lên, sẽ gây quá tải cho hệ thống thoát nước. Dự kiến, địa bàn Hà Nội sẽ có thêm 19 điểm/khu vực úng ngập cục bộ: Phố Tông Đản, Đinh Tiên Hoàng, Phùng Hưng, ngã ba Cầu Giấy - Dịch Vọng, phố Mạc Thị Bưởi, Quan Nhân, Cự Lộc, Nguyễn Trãi, Phan Văn Trường, Dương Đình Nghệ, Trần Bình, Kẻ Vẽ, Ecohome 3, Khu đô thị Resco, phố Đỗ Đức Dục, đường Nguyễn Xiển, Cổ Linh - Đàm Quang Trung, Quốc lộ 3 đoạn qua xã Mai Lâm (huyện Đông Anh) và đường 23B đoạn qua thôn Cổ Điển (huyện Đông Anh).
>>> Mời độc giả xem thêm video Hà Nội mưa lớn và ngập úng diện rộng