|
Hà Nội sẽ cấm xe máy một số tuyến đường từ Vành đai 3 trở vào, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch. |
Theo đó, từ sau năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ đường vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, Quốc lộ 5 trở vào trung tâm thành phố. Ngoài ra, sau năm 2030, thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ vành đai 4 đối với khu vực nam sông Hồng và vành đai 3 đối với khu vực bắc sông Hồng.
Đề án này ngay lập tức nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân và các chuyên gia giao thông. Đa số hoài nghi về tính khả thi của đề án khi cho rằng, nếu không có sự chuẩn bị tốt thì “dục tốc bất đạt” là điều khó tránh.
Trước đó, trao đổi với báo chí, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, Sở đang xây dựng 2 đề án cấm xe máy vào trung tâm tới 2030 và thu phí phương tiện vào nội đô, theo đó, cấm được xe máy càng sớm càng tốt để giảm ùn tắc và ô nhiễm.
Ông Vũ Văn Viện khẳng định, Thành phố chỉ xem xét dừng hoạt động xe máy khi hệ thống vận tải hành khách công cộng và các phương tiện thay thế đáp ứng được tối thiểu nhu cầu đi lại của người dân. Như vậy, cơ sở hạ tầng giao thông, giao thông công cộng sẽ là điều kiện tiên quyết để thành phố quyết định giảm, dừng hoạt động xe máy.
|
Theo các chuyên gia giao thông, việc cấm xe máy phụ thuộc năng lực giao thông công cộng của TP Hà Nội. |
“Để triển khai dự án này cần lộ trình và những điều kiện bắt buộc để thực hiện, để hạn chế và tiến tới dừng hoạt động của xe máy vào năm 2030 thì phải có phương tiện công cộng và phương tiện thay thế tới một mức độ nhất định. Như vậy, chúng ta cần tính tới cơ sở hạ tầng giao thông cũng như điều kiện của phương tiện giao thông công cộng khi chúng ta quyết định giảm hoặc dừng phương tiện xe máy”, ông Viện nói.
Không có sự chuẩn bị tốt, thất bại là khó tránh khỏi…
TS Nguyễn Xuân Thuỷ, chuyên gia giao thông, người từng phản đối quyết liệt chủ trương cấm xe máy, đến nay ông vẫn giữ nguyên quan điểm này. Theo ông Thuỷ, cấm xe máy đến 2025 là không cấm được, khi phương tiện công cộng tốt lên người ta sẽ tự giảm dần xe máy.
Dẫn chứng các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines người dân vẫn đi xe máy phổ biến và không cấm được xe máy, ông Thuỷ cho rằng, người dân có quyền đi phương tiện cá nhân nếu nhà nước không đủ điều kiện đáp ứng các phương tiện thay thế.
Một bài học khác từ Yangon (Myanmar) mà Hà Nội cần cân nhắc, theo ông Thuỷ, khi chính quyền thành phố Yangon thực hiện lệnh cấm xe máy vào năm 2003, đến nay thành phố này đang rơi vào cơn “ác mộng” ô tô khi tắc nghẽn do lượng ô tô tăng nhanh đột biến. Và tới nay, Yangon lại đang tính tới việc xem xét cho phép xe máy trở lại hoạt động
|
Nhiều ý kiến lo ngại tính khả thi của chủ trương cấm xe máy của TP Hà Nội. |
Theo ông Thủy, vấn đề cần làm trước của Hà Nội là phát triển hệ thống giao thông công cộng đủ sức hút, để người dân tự động bỏ xe máy thay vì cấm bằng biện pháp hành chính.
“Thành phố có thể dùng biện pháp hành chính để cấm xe máy, nhưng lưu ý phải chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Anh phải ký văn bản chịu trách nhiệm nếu cấm mà đời sống người dân nâng cao, thành phố giảm ùn tắc, làm tốt sẽ được tôn vinh, làm không hiệu quả phải chịu trách nhiệm”, ông Thuỷ nói.
Trong khi TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho rằng, chính sách hạn chế phương tiện cá nhân của TP hà Nội đã đề cập gần chục năm nay, nhưng vẫn chưa thấy khả thi.
Ông Đức cho rằng: Sự cần thiết của chủ trương này ai cũng thấy rõ, tôi cũng rất ủng hộ. Nhưng đề xuất của Hà Nội đang dừng ở mức mong muốn nhiều hơn, hiệu quả phải căn cứ vào điều kiện thực tiễn của Hà Nội.
“Câu hỏi đơn giản nhất là cấm thì người dân đi lại bằng gì, nếu không trả lời được thì không thể cấm nổi xe máy”, ông Đức nói, và cho rằng “nếu có chủ trương cấm từ cách đây 30 năm khi xe máy chưa bùng nổ mới thực hiện được, còn như hiện nay thả gà ra để bắt thì cấm rất khó”, ông Đức nêu quan điểm.
Cũng theo ông Đức, các vấn đề cần giải quyết khi cấm xe máy của Hà Nội là: đặc điểm ngõ, ngách rất dài, dích dắc xe buýt không thể vào sâu, đất dành cho giao thông, cũng như giao thông công cộng tại các quận trung tâm rất thiếu.
|
GS.TS Đặng Đình Đào, cho rằng, Hà Nội nên có sự chuẩn bị tốt điều kiện “cần” là phát triển hạ tầng giao thông công cộng, để điều kiện “đủ” là người dân tự giác bỏ xe cá nhân, tham gia giao thông công cộng. |
Với những khu đô thị mới mọc lên không theo định hướng sử dụng giao thông, khi cả khu lên tới vài chục nghìn dân chỉ có 1 bến xe buýt nhỏ, hay một con đường gánh quá nhiều chung cư, khu đô thị….đi vào nội đô gửi xe ở đâu, quy mô bãi đỗ xe phải rất lớn, có ùn tắc tại đó không…cần phải tính toán kỹ.
“Chúng tôi từng nêu 50 - 60 vấn đề khó khăn khi cấm xe máy của Hà Nội, đặt vấn đề với đơn vị tư vấn cho Hà Nội là Viện nghiên cứu chiến lược giao thông vận tải, nhưng phía Viện nói là phải nghiên cứu dần. Nêu lên chủ trương thì dễ, nhưng tổ chức thực hiện thì cực kỳ phức tạp”, ông Đức cho biết.
Còn theo chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình, Hà Nội cần làm rõ tính khả thi của việc rút ngắn lộ trình cấm xe máy từ năm 2025, thay cho năm 2030, cũng như năng lực đáp ứng của hệ thống giao thông công cộng trong 5 năm tới.
Ông Bình phân tích, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới được đưa vào sử dụng, sắp tới Hà Nội có thêm tuyến Nhổn - ga Hà Nội, mỗi tuyến đáp ứng tối đa 5-7% nhu cầu đi lại của người dân thành phố. Tuy nhiên, khu vực phía đông, phía bắc của thành phố chưa có phương tiện giao thông cộng cộng năng lực vận tải lớn.
Cùng quan điểm, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, ĐH KTQD Hà Nội cho rằng, ủng hộ đề án nhưng đề xuất năm 2025 mà cấm xe máy nội đô là quá vội vàng.
“Hà Nội xem đã chuẩn bị gì cho việc cấm xe máy này. Hiện nay phương tiện kết nối còn chưa có, xe buýt năng lực vận tải quá yếu, trong khi đường sắt đô thì thì mới chỉ có duy nhất 1 tuyến Cát Linh – Hà Đông cũng chưa phát huy tác dụng. Buýt nhanh BRT coi như thất bại và “phá sản rồi”. Vậy mà tính đến năm 2025 cấm xe máy thì thật sự quá nóng vội, sẽ lại thất bại…”, TS Đặng Đình Đào phân tích.
Từ nhận định đó, ông Đào phân tích, Hà Nội nên có sự chuẩn bị tốt điều kiện “cần” là phát triển hạ tầng giao thông công cộng, để điều kiện “đủ” là người dân tự giác bỏ xe cá nhân, tham gia giao thông công cộng.
“Các đề án cần làm phải vì cái chung chứ đừng tư duy theo nhiệm kỳ, làm theo kiểu “giải ngân”, như vậy sẽ rất lãng phí ngân sách mà hiệu quả thì bằng không. Tuyến buýt nhanh BRT nếu nói hiệu quả hãy để người dân đánh giá hiệu quả, còn để Sở GTVT đánh giá hiệu quả thì e là không đúng sự thật…”, TS Đặng Đình Đào nói./.