Trở thành dĩ vãng
Năm Cam cùng băng nhóm của mình thực sự đã khiến an ninh trật tự của thành phố lớn nhất nước xảy ra nhiều vấn đề nhức nhối trong một khoảng thời gian dài.
Những cuộc thanh trừng, tổ chức bảo kê, đâm thuê chém mướn, tổ chức sới bạc do Năm Cam đứng sau giật dây đã khiến cho thế giới ngầm thực sự chao đảo.
|
Chợ Cầu Muối ngày nay. |
Sau này, khi Năm Cam và đồng bọn bị bắt sau một chuyên án lịch sử của Bộ Công an, nhiều người mới giật mình với những tội ác mà tên tội phạm nguy hiểm này gây ra. Còn với Châu Phát Lai Em, việc kết hợp với Năm Cam để “chung một chiến tuyến” càng khiến cho gã giang hồ gốc Bạc Liêu này trở lên mạnh hơn.
Ông trùm Năm Cam đồng ý để Lai Em cầm chịch toàn bộ khu vực chợ Cầu Muối, được toàn quyền sử dụng nguồn lợi từ đây, đổi lại một thỏa thuận ngầm là “bất cứ khi nào anh Năm cần thì Lai Em phải có mặt”.
Thanh thế của Lai Em cũng nổi hơn rất nhiều từ ngày gã về làm việc dưới chướng của ông trùm. Chẳng những củng cố vững chắc được quyền lực ở chợ Cầu Muối mà Lai Em còn thể hiện được quyền uy của mình ở rất nhiều nơi khác, trong đó có cả khu chợ đầu mối hải sản ở Vũng Tàu.
Nhưng rồi, với việc là kẻ thân tín bậc nhất của Năm Cam, kẻ trực tiếp gây ra hàng loạt những tội ác ghê rợn, Châu Phát Lai Em cũng phải nhận án tử hình khi mà cả băng nhóm vướng vòng lao lý. Bản cáo trạng tội danh của Năm Cam, Châu Phát Lai Em được đọc trước vành móng ngựa khiến cho tất cả mọi người đều cảm thấy ớn lạnh.
Châu Phát Lai Em bị bắt, chợ Cầu Muối trở về giai đoạn mà nhiều kẻ anh chị muốn nổi lên, “tranh hùng tranh bá” khiến nhiều người dự đoán rằng, sẽ có một cái tên nào đó nổi lên cầm chịch. Tuy nhiên, mọi đồn đoán đều không thành sự thật khi mà TP HCM bắt đầu thực hiện việc di dời, quy hoạch khu chợ đầu mối ở những địa bàn khác.
Một thực tế cho thấy, chợ Cầu Muối đã quá tải và mặc dù nó nằm ngay sát kênh Thị Nghè nhưng với sự phát triển của thành phố thì khu chợ này không còn đáp ứng được nữa. Năm 2009, khu chợ đầu mối Bình Điền nằm khu vực giáp ranh giữa quận 8 và huyện Bình Chánh (TP HCM) đi vào hoạt động.
Khu chợ với số vốn đầu tư lên tới 1000 tỷ đồng này đã thay thế cho một phần nhiệm vụ của chợ Cầu Muối trong việc là nơi giao thương của nông sản của cả vùng. Cũng tiến hành đồng thời với việc xây chợ Bình Điền, khu chợ đầu Tam Bình nằm ở quận Thủ Đức cũng được khánh thành cùng thời điểm. Khu chợ Tam Bình đảm trách phần việc là đầu mối giao thương hải sản và các mặt hàng liên quan.
Hai khu chợ Tam Bình, Bình Điền đi vào hoạt động thì cũng là khi chợ Cầu Muối dừng hoạt động giao thương. Các tiểu thương phân loại theo mặt hàng mà di chuyển đến những khu chợ mới và dĩ nhiên Cầu Muối lúc này trở thành một địa bàn dân cư bình thường như bao khu dân cư khác của Thành phố Hồ Chí Minh.
Việc chợ cầu Muối được di chuyển đi những nơi khác không chỉ là sự thay đổi của hoạt động giao thương mà với giới giang hồ Sài Gòn, đúng là một “cái rốn của du côn” cũng bị xóa sổ.
Tiến hành đồng thời với những công tác di chuyển chợ, các nghành chức năng của TP HCM cũng thực hiện đồng bộ một số biện pháp trong việc trấn áp tội phạm, tăng cường tuần tra, giang hồ chẳng còn cửa để mà “cựa” nên dần dần khu chợ Cầu Muối tìm lại được sự bình yên cho mình. Cho đến nay thì khu chợ Cầu Muối đã trở thành một địa bàn mà vấn đề an ninh trật trở nên yên bình rất nhiều…
Chợ cầu Muối ngày hôm nay
Một thời chợ Cầu Muối được ví von giống như bản sao nhỏ của Bến Thượng Hải với nhiều cái tên nổi đình, nổi đám. Mặc dù chẳng thể bằng khu cảng nổi tiếng thế giới nhưng đúng là cùng với khu An Hội, quận 4, những tay giang hồ ở Chợ Cầu Muối đã tạo lên nhiều giai thoại mà cho đến tận bây giờ nhiều người nghe thấy vẫn còn cảm thấy… lạnh sống lưng.
Chợ Cầu Muối bị xóa sổ kéo theo đó những địa bàn lân cận, nơi từng là địa bàn trú ngụ của giới giang hồ như: Kho 5, khu Hai mươi thước, hẻm 148 Tôn Đản (nơi phát tích của Năm Cam), Oxi Gạch, xóm Dừa, hẻm chùa Giác Quang, Tôn Thất Thuyết, Ô Cầu Dừa, hãng Phân, xóm Dừa, khu Sân banh Gò Mụ, Viện Bài Lao, hẻm Hiệp Thành... giờ đây cũng đã tìm lại được sự bình yên.
Không còn cái cảnh bước chân ra ngõ là nhìn thấy du côn, những khu vực này giờ đây bình yên như bao nhiêu khu dân cư khác, người dân chẳng còn nhiều phen hoảng loạn khi mà giang hồ cầm dao đuổi nhau quanh phố như trước.
Di dọc các con phố từ khu cầu Ông Lãnh cho đến khu An Hội, những con hẻm giờ đã sạch sẽ, thoáng mát, chẳng còn cái cảnh nhơ nhớp, ướt át, hỗn độn như trước đây. Rồi những bãi đất trống ngày nào, những khu nhà kho rộng mênh mông giờ cũng được thay bằng những dự án cao ốc hiện đại.
Từ một chỗ là nơi tập hợp của dân tứ xứ, những kẻ bặm trợn nay quanh khu vực Cầu Ông Lãnh, ngoài bộ phận dân cư sinh sống tại đây từ xưa thì còn một bộ phận dân cư mới, những người sống ở các khu chung cư hiện đại và những người làm việc trong những văn phòng cao ốc văn minh…
Có một điểm mà rất nhiều người nhận ra đó chính là việc sau khi chợ Cầu Muối bị giải thể chuyển đi những nơi khác thì khu Tôn Đản của quận 4 cũng dần dần được củng cố an ninh trở lại. Nơi đây, trước từng một thời là “sào huyệt” của du côn, là nơi mà Năm Cam vẫy vùng một thời, nay thì cũng trở thành khu dân cư bình yên.
Dĩ nhiên, để có được điều này thì không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức và thậm chí là cả máu của lực lượng đảm bảo an ninh đã đổ xuống nhưng với những gì đang diễn ra, mọi người đều cảm thấy hài lòng với những gì mình đã làm được.
Rất khó có thể khẳng định rằng, Sài Gòn đã sạch bóng giang hồ hay khu Cầu Muối không còn du côn nhưng ngay này không còn cái cảnh mà mấy tên du đãng vênh váo, nghênh ngang đi ngoài đường rồi tự cho mình cái quyền được đánh, được đè nén người khác. Công an Thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng trực tiếp đảm bảo an ninh, điều tra, đấu tranh với tội phạm đã có một chiến công rất lớn trong kết quả này.