Hành động bột phát này dẫn đến người bị tấn công tử vong, còn ba anh em họ Lương đều vướng vòng lao lý với những bản án nặng nề, bỏ lại vợ con nheo nhóc, đáng nói, một người trong số này còn bị khuyết tật, hoàn cảnh gia đình của cả ba anh em đều hết sức khó khăn.
Vì một phút nóng nảy
Theo cáo trạng của VKSND, vào khoảng 10 giờ ngày 26-1-2017, bà Nguyễn Thị Sơn (SN 1957, mẹ của các bị cáo) đi thả trâu, nghé tại khu vực mương nước của thôn. Trong lúc chăn thả, con nghé của bà Sơn đã làm nát rau và cây đu đủ của anh Phan Thanh Trí (SN 1970, trú cùng địa phương) trồng ngay sát mương nước.
Sau đó, giữa bà Sơn, anh Trí và chị Nguyễn Thị Ánh (vợ anh Trí) xảy ra lời qua tiếng lại với nhau ngay trước cửa nhà anh Trí. Lúc này, Lương Văn Hùng (SN 1991, người địa phương) đã gọi điện cho Nguyễn nói lại sự việc và cho biết, nhà anh Trí đang đánh bà Sơn.
|
Ba anh em tại phiên toà (bị cáo Hạnh bị khuyết tật ngồi giữa). |
Nghe tin mẹ bị đánh, Lương Văn Nguyễn gọi điện thoại cho anh trai Lương Văn Khánh để thông báo về sự việc rồi lập tức phóng xe máy tới cổng nhà anh Hùng lấy một thanh gỗ, còn Khánh thì mang theo một tuýp sắt đến trước cổng nhà anh Trí.
Trước khi đi, Khánh không quên nói với Lương Văn Hạnh việc mẹ mình bị nhà Trí đánh. Nghe Khánh nói vậy, Hạnh cũng mang theo một thanh tuýp sắt rồi đi đến nhà anh Trí. Tại đây, Nguyễn đã đạp cổng rồi cùng Khánh xông vào trong sân, lúc này thấy anh Trí cầm con dao quắm (loại tự chế) nên Nguyễn đã kéo Khánh chạy ra ngoài.
Vừa lúc đó, Hạnh chạy tới. Khánh thấy Hạnh cầm tuýp sắt dài hơn nên đã đổi tuýp sắt cho Hạnh. Sau đó, ba anh em tiếp tục lời qua tiếng lại nhưng được chị Ánh và bà Sơn can ngăn nên mâu thuẫn đã tạm thời lắng xuống. Đúng lúc này, anh Trí lại chạy từ trong sân ra ngoài đường chửi và chém một nhát vào trán Nguyễn.
Thấy Nguyễn bị chém, Hạnh lập tức cầm tuýp sắt vụt vào người anh Trí. Nguyễn xông vào giằng co và lấy được con dao quắm của anh Trí khiến anh này bị ngã, sau đó Nguyễn dùng con dao vừa lấy được chém liên tiếp vào đầu và người anh Trí, còn Hạnh tiếp tục dùng tuýp sắt vụt vào chân đối phương.
Thấy vậy, Khánh cũng lao vào dùng tuýp sắt vụt thêm vào người anh Trí, rồi hai bên tiếp tục giằng co. Anh Trí chạy được vào sân nhà mình thì tử vong. Cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh Trí là do bị đâm, mất máu cấp dẫn đến tử vong. Ngay sau khi gây án, biết mình đã làm sai trong một phút nóng nảy, Khánh và Hạnh tới cơ quan Công an đầu thú, còn Nguyễn do bị thương nên sau khi sơ cứu cũng đã tới cơ quan Công an đầu thú.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, HĐXX TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt bị cáo Lương Văn Nguyễn tù chung thân, Lương Văn Khánh 17 năm tù và Lương Văn Hạnh 13 năm tù về tội Giết người.
Hoàn cảnh bất hạnh của gia đình bị cáo
Trong vụ việc này, ai cũng biết rằng tội lỗi của ba anh em họ Lương là không thể tha thứ. Thế nhưng, nếu xét lại nhiều yếu tố trong vụ việc và đặc biệt là hoàn cảnh gia đình thì nhiều người cho rằng bản án mà ba anh em họ Lương nhận được là quá nặng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các bị cáo đều sinh ra trong một gia đình lao động lương thiện. Bác ruột và cậu ruột của họ là liệt sỹ hiện đang được gia đình thờ cúng tại nhà. Trước khi phạm tội, cả ba đều là những người dân lương thiện, chí thú làm ăn.
Từ khi bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra, hoàn cảnh kinh tế của gia đình ba anh em đang lâm vào tình trạng khó khăn, túng quẫn. Lương Văn Khánh có vợ và ba con nhỏ, đứa nhỏ nhất chưa đầy năm. Vợ Khánh là vợ không hợp pháp, chỉ về ở với nhau mà không đăng kí kết hôn. Điều mà bố mẹ bị cáo lo nhất là vợ Khánh thấy chồng vướng vòng lao lý, không chịu được vất vả, khổ sở sẽ bỏ đi để lại ba đứa con thơ cho ông bà nuôi thì gánh nặng sẽ càng dồn lên đôi vợ chồng già.
Còn với Lương Văn Hạnh, người này cũng có vợ và ba con nhỏ, đứa út mới được 4 tháng còn chưa biết mặt cha. Vợ Hạnh thì bị bệnh tim nặng, mỗi lần nghe tiếng động mạnh hoặc bị xúc động đột ngột lại phải đi cấp cứu.
Cả 8 miệng ăn của gia đình Khánh và Hạnh giờ đang trông chờ vào đồng lương công thợ của người cha già là ông Lương Văn Cách. Bản thân Hạnh cũng là một người khuyết tật, đang phải sống dựa vào trợ cấp của Nhà nước.
Xét về động cơ phạm tội, đúng là tội lỗi của ba anh em họ Lương không thể chối cãi. Thế nhưng, cả ba anh em đều phạm tội trong trạng thái bị kích động, họ đã không giữ được bình tĩnh khi biết tin mẹ mình bị đánh. Giá họ biết kiềm chế hơn chút nữa, dùng cái tình làng nghĩa xóm ăn ở bao nhiêu năm cạnh nhau mà đối xử với nhau, thì kết quả chắc chắn đã tốt đẹp hơn rất nhiều.
Tại bản cáo trạng của Viện Kiểm sát có ghi rõ “Khi nhìn thấy anh Trí lấy và cầm dao quắm, Nguyễn đã kéo Khánh ra ngoài cổng. Lúc này, chị Ánh và bà Sơn can ngăn hai bên rồi giật khúc gỗ Nguyễn đang cầm trên tay ném xuống mương gần nhà.
Cùng lúc này, anh Trí cầm con dao chạy từ trong sân ra cổng chửi rồi cầm dao lên chém trúng trán của Nguyễn”. Tình tiết này hoàn toàn phù hợp với lời khai của nhân chứng có mặt tại hiện trường. Điều đó cho thấy trong vụ việc này, nạn nhân cũng có một phần lỗi.
Theo bản giám định pháp y của Phòng kỹ thuật Hình sự - Công an thành phố Hà Nội thì trong máu nạn nhân Trí có thành phần methanol vượt mức quy định. Ban đầu sự việc chỉ là hai bên cãi cọ nhau, anh Trí ngày hôm đó cũng có uống rượu (tại bản kết luận giám định thể hiện trong máu nạn nhân có nồng độ cồn 53,8mg/100ml) và cũng đã có những lời lăng mạ, mạt sát ông bà ngoại của các bị cáo.
Trong lúc các bên đang cãi nhau, mọi người đều đang bốc hỏa thì anh Trí lại chửi bậy và doạ chém chết ba anh em Nguyễn. Tưởng rằng đó chỉ là lời đe dọa nhưng ngay sau đó anh Trí đã có hành vi chém vào đầu Nguyễn nhưng Nguyễn dùng tay đỡ được.
Thương tích của Nguyễn sau đó đã được giám định là 2%. Khi mâu thuẫn xảy ra, ban đầu Lương Văn Hạnh cũng không có bất cứ hành động nào sai trái, chỉ đến khi thấy em trai mình là Lương Văn Nguyễn bị anh Trí chém mới xông vào bênh em và gây ra vụ việc đau lòng nói trên.
Ngoài bản án chung thân, 17 năm tù và 13 năm tù mà các bị cáo phải chịu, theo đơn đề nghị bồi thường của chị Nguyễn Thị Ánh (vợ anh Trí) thì các bị cáo phải bồi thường thiệt hại cả về vật chất và tinh thần cho gia đình nạn nhân với số tiền lên tới hơn 300 triệu đồng. Đối với hoàn cảnh của gia đình các bị cáo thì số tiền này đã vượt ra ngoài khả năng, nhất là với một xã thuần nông như xã Quang Trung.
Bản thân Lương Văn Hạnh từ khi bị khởi tố, truy tố và xét xử tại phiên tòa này đều không thay đổi lời khai của mình, nhận tội ngay từ đầu, thành thực khai báo và luôn thể hiện rõ sự ăn năn, hối cải. Bản thân Hạnh cũng nhận thức được hành vi của mình và mong muốn bồi thường cho gia đình bị hại. Cũng theo Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định tình tiết giảm nhẹ đối với người khuyết tật. Bị cáo Hạnh là người khuyết tật, hiện đang sống dựa vào sự trợ cấp của Nhà nước.
Còn Lương Văn Nguyễn trước đây cũng là một đảng viên, là sỹ quan dự bị thuộc quản lý của Ban chỉ huy Quân sự huyện Phú Xuyên, trước khi phạm tội vẫn đang hưởng trợ cấp với quân hàm Thiếu úy.
Như trên chúng tôi đã nói, trong vụ việc này, tội của ba anh em họ Lương không thể tha thứ, thế nhưng khi tìm hiểu về vụ án này, chúng tôi được nhiều người dân sinh sống ở xã Quang Trung cho biết, họ mong muốn cả hai bên cởi bỏ những mâu thuẫn vì thực tế, nhà nào cũng là nông dân, đều khó khăn như nhau, chỉ vì nguyên nhân bột phát mà dẫn đến sai lầm.
Nếu mâu thuẫn cứ tiếp tục dai dẳng, thì không chỉ đời này mà còn nhiều thế hệ tiếp theo nữa, họ sẽ giữ mãi trong lòng sự đối nghịch và mối thù âm ỉ ấy rất có thể một ngày lại bùng cháy. Dư luận cũng mong muốn Hội đồng xét xử căn cứ vào những tình tiết giảm nhẹ để giảm bớt hình phạt cho các bị cáo, để các bị cáo sớm có cơ hội trở về cùng gia đình. Để họ có thể lao động, kiếm ra tiền nuôi gia đình đang gặp nhiều khó khăn, đồng thời có cơ hội sớm khắc phục những lỗi lầm họ đã gây ra.