Giả bác sĩ vào khu điều trị F0 ở TP HCM: Bộ Y tế nói gì?

Google News

Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn yêu cầu 3 đơn vị xác minh, làm rõ thông tin phản ánh trường hợp giả bác sĩ vào làm việc tại 1 khu điều trị ở TP HCM.

Sáng 22/2, Cục Quản lý Khám chữa bệnh- Bộ Y tế đã có văn bản khẩn gửi Lãnh đạo Sở Y tế TP HCM; Lãnh đạo Đại học Y Dược TP HCM và Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị làm rõ thông tin người hành nghề trên phương tiện thông tin đại chúng.
Theo đó, Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám chữa bệnh) cho biết đã nhận được phản ánh trên một số phương tiện thông tin đại chúng về việc ông Nguyễn Quốc Khiêm giả bác sĩ vào làm việc tại 1 khu điều trị ở TP HCM (Trường CĐ Điện lực TP HCM tại quận 12 TP HCM) từ tháng 7/2021 theo Danh sách sinh viên tham gia hỗ trợ khu cách ly của Đại học Y Dược TP HCM.
Gia bac si vao khu dieu tri F0 o TP HCM: Bo Y te noi gi?
 Nguyễn Quốc Khiêm (Ảnh: PLO)
Đặc biệt theo thông tin bác sĩ giả này được giao phụ trách chính khu điều trị chuyển đổi từ khu cách ly và ký các báo cáo, chẩn đoán, các văn bản chuyển tuyến... đồng thời xưng là bác sỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy.
Sau khi xem xét, Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám chữa bệnh) đề nghị Sở Y tế TP HCM, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy khẩn trương xác minh, làm rõ thông tin trên phương tiện đại chúng về trường hợp giả bác sĩ nêu trên và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 và các văn bản có liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19 (nếu có);
Đồng thời kiểm tra, rà soát lại danh sách người hành nghề, sinh viên của đơn vị mình tham gia hỗ trợ khu cách ly để phát hiện các sai sót tương tự (nếu có). Báo cáo kết quả về Bộ Y tế (Cục Quản lý khám chữa bệnh) trước ngày 28/02/2022 để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ.
Gia bac si vao khu dieu tri F0 o TP HCM: Bo Y te noi gi?-Hinh-2
 
VietNamnet sáng 22/2 dẫn lời bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định, bệnh viện không có nhân sự nào tên Nguyễn Quốc Khiêm. "Tất cả các thông tin, hình ảnh trên giấy khen đều là giả mạo. Nhìn vào có thể thấy không có logo trên góc giấy khen", bác sĩ Việt nói.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM thông tin, Thanh tra Sở đang phối hợp với Công an Thành phố điều tra và xác minh vụ việc.
Trước đó, sáng cùng ngày, báo Pháp luật TP HCM phản ánh trường hợp người tên Nguyễn Quốc Khiêm giả là sinh viên Đại học Y Dược TP HCM, có tên trong danh sách tình nguyện viên phục vụ khu cách ly tại Cao đẳng điện lực quận 12. Sau đó, Khiêm lại nhận mình là bác sĩ nội trú ĐH Y Dược TP HCM. Khiêm được quyền ra y lệnh điều trị cho các F0 như bác sĩ thực sự.
Cũng theo phản ánh này, tại khu cách ly, Khiêm đã ký tên nhiều văn bản như: Báo cáo tử vong của các ca F0 tại khu cách ly; giấy chuyển tuyến điều trị ca F0... Trong đó ghi rõ chức danh của Khiêm là “Bác sĩ điều trị Ths. Bs Nguyễn Quốc Khiêm”, kèm chữ ký. Với vị trí trên, người này đã ra các y lệnh liên quan đến việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trong thời gian tương ứng. Khiêm cũng "khoe" những giấy khen chứng minh mình là bác sĩ Khoa Tim Mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Gia bac si vao khu dieu tri F0 o TP HCM: Bo Y te noi gi?-Hinh-3
 Giấy khen giả của Nguyễn Quốc Khiêm 
Ông Trương Văn Đạt, Trưởng Phòng công tác sinh viên Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho biết: “Qua kiểm tra thì không có người nào tên Nguyễn Quốc Khiêm từng công tác, làm việc tại trường hay là sinh viên theo học tại trường tính đến thời điểm hiện tại”.
Đáng chú ý, tháng 9/2021, trên một tờ báo chuyên về sức khỏe có bài viết giới thiệu về một tấm gương cứu người nguy kịch trong khu cách ly tập trung, nội dung: “Vào một ngày cuối tháng 7/2021, khi còn là tình nguyện viên hỗ trợ trong khu cách ly, anh Nguyễn Quốc Khiêm - bác sĩ nội trú Trường ĐH Y Dược TP HCM đã hỗ trợ cứu sống một ca trở nặng bằng cơ số thuốc có trong khu cách ly, trước khi bệnh nhân được đưa đi cấp cứu tại BV quận 12”.
Bài báo này còn thông tin: “Từ ngày khu cách ly chuyển đổi thành khu điều trị, BS Nguyễn Quốc Khiêm được giao phụ trách chính tại đây”.
Bài báo trên cũng được đăng tải trên website của Bộ Y tế đề cập đến "bác sĩ Nguyễn Quốc Khiêm" và những vất vả đóng góp của người này. Sáng 22/2, đường link bài đăng trên đã được gỡ khỏi website Bộ Y tế.
>>> Mời độc giả xem thêm video Giả danh nhân viên ngân hàng lừa đảo:

Nguồn: VTV24

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)