Sáng nay (18/5), Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo báo cáo của Chính phủ phục vụ hội nghị này, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, Chính phủ, Thủ tướng đã tổ chức nhiều phiên họp kịp thời đưa các chỉ đạo với tinh thần quyết liệt, không chủ quan, không hoang mang.
Mời độc giả xem video: Quy trình bầu cử 6 bước.
15 địa phương bầu cử sớm
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, các bộ, ngành ban hành các hướng dẫn thực hiện nghiệp vụ công tác bầu cử; xây dựng kịch bản trong các tình huống phát sinh.
Điển hình như Chỉ thị của Bộ Y tế về tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19; hướng dẫn của Bộ Nội vụ về nghiệp vụ công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19...
|
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà kiểm tra công tác bầu cử tại Hòa Bình. |
Các văn bản này đã hướng dẫn cụ thể về công tác chuẩn bị, quy trình thực hiện tổ chức bầu cử tại khu vực bỏ phiếu; tổ chức bầu cử cho người đang thực hiện cách ly y tế tại nhà; tổ chức bầu cử tại khu vực cách ly tập trung và nơi thực hiện cách ly xã hội tại địa bàn bị phong tỏa; tổ chức bầu cử tại bệnh viện, cơ sở y tế điều trị cho cử tri là bệnh nhân nghi ngờ hoặc mắc Covid-19.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ đã tổ chức các đoàn kiểm tra có sự tham gia của đại diện một số Bộ, ngành liên quan tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại các địa phương, nhất là các địa phương đã hoặc đang có nguy cơ phát sinh dịch Covid-19.
Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử, ở các khu vực bỏ phiếu, các địa phương trong cả nước đã thành lập 84.767 tổ bầu cử. UBND cấp xã đã tổ chức lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu và niêm yết danh sách cử tri bảo đảm đúng thời hạn.
Theo số liệu của các địa phương, tổng số cử tri cả nước gần 69,2 triệu sẽ thực hiện quyền bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Đến thời điểm này có 866 ứng cử viên để bầu ra 500 ĐBQH khóa XV. Trong đó, ở Trung ương 203 người, ở địa phương là 663 người (bao gồm 9 người tự ứng cử).
Cả nước có 6.201 ứng cử viên để bầu 3.727 đại biểu HĐND cấp tỉnh, đạt tỷ lệ bình quân 1,67 lần; trong đó có 18 người tự ứng cử. Tổng số ứng cử viên đại biểu HĐND cấp huyện là 37.463 người để bầu ra 22.953 đại biểu, đạt tỷ lệ bình quân 1,63 lần; trong đó có 26 người tự ứng cử. Ứng cử viên HĐND cấp xã có 405.110 người để bầu 246.510 người, đạt tỷ lệ bình quân 1,64 lần; có 204 người tự ứng cử.
Cả nước có 15 địa phương được Hội đồng bầu cử quốc gia đồng ý cho bầu cử sớm đối với các khu vực bỏ phiếu có khó khăn trên địa bàn. Đó là Hải Phòng, Cần Thơ, Cà Mau, Quảng Bình, Khánh Hòa, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Đắc Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Hậu Giang, Kiên Giang, Nghệ An và Bạc Liêu.
Đã giải quyết xong các kiến nghị, phản ánh về người ứng cử
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, đến nay, các tổ chức phụ trách bầu cử đã giải quyết xong các kiến nghị, phản ánh về người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội để chuẩn bị cho cuộc bầu cử trên toàn quốc đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ. Lực lượng công an phối hợp với lực lượng quân đội có kế hoạch cụ thể bảo đảm an toàn cho cuộc bầu cử, chú trọng các vùng xung yếu, vùng sâu, vùng xa và các ‘‘điểm nóng’’ có thể xảy ra trên địa bàn.
|
Cử tri 6 xã vùng biên của huyện Nam Giang (Quảng Nam) hào hứng đi bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 16/5 vừa qua. Ảnh: Lê Bằng. |
Trong đó, các lực lượng duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu ở các cấp; tập trung nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn âm mưu phá hoại của các tổ chức, cá nhân phản động và phòng chống cháy, nổ trên địa bàn; mở các đợt cao điểm tăng cường thực hiện kế hoạch tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, công tác chuẩn bị bầu cử ở một số địa phương gặp một số khó khăn trong quá trình thống kê, rà soát, lập danh sách cử tri, do nhiều cử tri đi làm ăn xa hoặc có người di cư từ nơi khác đến. Cử tri ở các khu công nghiệp, trường ĐH, CĐ về nơi cư trú do dịch Covid-19 bùng phát.
Một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã do thực hiện sắp xếp, điều chỉnh gần đây nên có thay đổi đơn vị, số liệu báo cáo, thống kê, tổng hợp chưa kịp thời, chính xác, ảnh hưởng đến tiến độ chuẩn bị các công việc của cuộc bầu cử.
Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường ở một số địa phương, tiềm ẩn nguy cơ làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tại nơi có dịch...