Gần 40 năm sống “vô danh” giữa Thủ đô

Google News

Chị Lê Thu Huyền (trú tại ngõ 77, phố Nguyên Khiết, Phúc Tân, Hà Nội) bảo mình đã sống như người “vô danh” gần 40 năm qua với biết bao đau khổ và thiệt thòi.


Ngày 20-10-2021, sau 37 năm có mặt trên đời, lần đầu tiên chị Lê Thu Huyền (trú tại ngõ 77, phố Nguyên Khiết, Phúc Tân, Hà Nội) mới chính thức có giấy khai sinh. 37 năm sống vô danh nên ngay cả khi lấy chồng, chị Huyền cũng không thể có nổi giấy chứng nhận kết hôn. Bi kịch hơn cả là 3 đứa con dứt ruột đẻ ra, chị cũng không thể góp danh phận là mẹ trên giấy khai sinh của chúng. 
37 năm mới tìm lại được chính mình
Gặp chúng tôi, chị Huyền không giấu được những giọt nước mắt hạnh phúc. Chị bảo, trước ngày lên phường nhận giấy khai sinh, chị đã mất ăn mất ngủ vì hồi hộp và sung sướng. “Đời tôi chưa từng được cầm một loại giấy tờ nào có giá trị như tờ giấy khai sinh ngày hôm đó. Bởi tôi hiểu rằng, khi tôi được chính thức thừa nhận quyền công dân thì tôi sẽ có thêm nhiều quyền lợi khác”.
Gan 40 nam song “vo danh” giua Thu do
Chị Lê Thu Huyền (trú tại ngõ 77, phố Nguyên Khiết, Phúc Tân, Hà Nội) bảo mình đã sống như người “vô danh” gần 40 năm qua với biết bao đau khổ và thiệt thòi.
 
Huyền kể rằng, ngày 26-4-1984, chị sinh ra tại Nhà hộ sinh Hàng Bún. Nhưng, vừa sinh xong, mẹ chị bế con trốn khỏi nhà hộ sinh đến thẳng nhà ông bà nội chị giao lại rồi bỏ đi biệt tích từ đó đến nay. Thời điểm mẹ chị Huyền đang mang thai chị thì bố chị là ông Lê Huy Sơn (sinh năm 1961) đang chấp hành án phạt tù.
Kể về lý do ông bà nội không thể làm được giấy khai sinh cho cháu, Huyền bảo: “Bố mẹ tôi không yêu nhau mà chỉ là chơi bời qua đường và chẳng may “lỡ kế hoạch”. Chính vì thế, bố tôi cũng không tìm hiểu xem mẹ tôi sống ở đâu, con cái nhà ai. Do không biết lai lịch cụ thể của mẹ nên sau này ông bà tôi không thể nào xác nhận được nguồn gốc của người sinh ra tôi để làm giấy khai sinh”.
Vì không có giấy khai sinh nên đến tuổi đi học, ông bà nội và người bác ruột của chị Huyền đã đến Trường tiểu học Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) xin hiệu trưởng cho cháu mình “học ké”. Tức là nhà trường sẽ cho vào lớp học cùng các bạn nhưng không có tên trong danh sách của lớp.
Nhưng, Huyền cũng chỉ được đến lớp 4 rồi nghỉ. Không giấy khai sinh, không hộ khẩu, không chứng minh thư nhân dân, không trình độ văn hóa khiến cuộc sống của Huyền nhiều khi rơi vào bế tắc, chỉ có thể xin làm những việc như chạy bàn, quét dọn hàng ăn. Có lần, vì muốn xin vào làm nhân viên bán hàng cho siêu thị, Huyền phải mượn tạm chứng minh nhân dân của người em gái cùng cha khác mẹ. “Trộm vía, hai chị em nhìn na ná nhau nên người ta không phát hiện ra”.
Huyền lấy chồng từ rất sớm nhưng vì không có giấy khai sinh nên chẳng thể có được giấy đăng kí kết hôn như bao cặp vợ chồng khác. Những đứa con lần lượt ra đời nhưng trong giấy khai sinh của chúng luôn chỉ có tên bố, khuyết phần tên mẹ.
Thương vợ, chồng chị là anh Vũ Tuấn Anh (SN 1980) luôn động viên và đồng hành cùng vợ trong quá trình “tìm lại chính mình”. Huyền kể, năm 2016, chị thực hiện xét nghiệm ADN huyết thống với bố, đồng thời tiến hành tìm lại các thông tin lưu trữ tại Nhà hộ sinh Hàng Bún. Tuy nhiên, thời gian đã lâu, phía nhà hộ sinh không còn lưu bất kỳ thông tin nào về việc mẹ chị từng đến sinh ở đây. UBND phường yêu cầu phải chứng minh được nguồn gốc người mẹ, song chị không biết mẹ là ai.
Suốt nhiều năm đi khắp các nơi để mong “tìm lại chính mình” nhưng vì thiếu một số giấy tờ cần thiết nên chị Huyền lại trở về vạch xuất phát. Nhiều lúc chị muốn buông tay vì mệt mỏi và tuyệt vọng nhưng may mắn chồng chị luôn ở bên. “Lúc nào anh ấy cũng bảo tôi phải cố gắng, anh ấy tin kiểu gì cũng sẽ có ngày tôi được thừa nhận”, chị Huyền chia sẻ.
Nhờ sự kiên trì của hai vợ chồng chị và sự giúp sức tích cực của cán bộ UBND phường Phúc Tân và phường Văn Miếu mà cuối cùng cái mong ước được chính danh của Huyền cũng hoàn thành. “Mặc dù không có giấy tờ nhưng suốt từ khi lập gia đình đến nay (lúc 16 tuổi), tôi đều ở nhà chồng tại khu Văn Miếu nên được các anh ấy tạo mọi điều kiện để hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, giấy tờ xin cấp giấy khai sinh. Tôi cứ phải đi đi về liên tục giữa phường Phúc Tân và phường Văn Miếu để lo giấy tờ nhưng lần nào cũng được các anh ấy động viên và giúp đỡ nhiệt tình”.
Nhắc lại hành trình xác minh này, anh Quách Văn Nam - cán bộ tư pháp phường Phúc Tân nói rằng đây là kết quả sau quá trình rà soát với sự chỉ đạo của các cấp, các ngành. “Trường hợp của chị Huyền có thể nói là cực kỳ hi hữu. Trong quá trình xác minh gặp rất nhiều khó khăn vì hồ sơ của chị Huyền được chuyển tiếp từ đội ngũ cán bộ khóa trước và từ trước đến nay tài liệu cũng không chứng minh được có công dân tên Huyền cư trú trên địa bàn. Thế nhưng, với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, cả nơi chị Huyền đang cư trú (phường Phúc Tân) và nơi vợ chồng chị Huyền sinh sống nhiều năm là phường Văn Miếu, cuối cùng, chị Huyền cũng đã lần đầu tiên được cầm tờ giấy khai sinh trong đời”.
Ông Đỗ Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Tân cho hay, chính quyền phường nắm rõ hoàn cảnh chị Huyền và hết sức quan tâm, mặc dù khi chị Huyền đang làm thủ tục cấp giấy khai sinh lần đầu, chưa có chứng minh nhân dân nhưng vẫn được tạo điều kiện tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Cuộc sống muôn vàn khó khăn
Theo lời chị Huyền chia sẻ, vì không hợp với bố chồng nên năm 2020 chị mang con gái út về ở với bố đẻ ở Phúc Tân. Thời gian này, anh Tuấn Anh thường phải chạy đi chạy lại, lúc ở nhà với bố mẹ và hai con lớn, lúc lại chạy đến với vợ và con gái út. Hai người con lớn của vợ chồng chị Huyền vì hoàn cảnh khó khăn cũng đã phải bỏ học giữa chừng.
Mặc dù dọn về nhà bố đẻ ở nhưng chị Huyền và con gái sống ở căn phòng riêng và ăn riêng. Bố chị Huyền ban ngày đi làm bảo vệ cho một bệnh viện tư nhân.
Nói về những khó khăn mà con gái phải trải qua, ông Sơn rơm rớm nước mắt bảo: “Tôi thực sự hối hận lắm. Chỉ vì tuổi trẻ nông nổi mà tôi khiến con phải chịu bao nhiêu thiệt thòi. Lúc quen bà ấy, tôi chỉ quan hệ “qua đường” chứ không có ý định nghiêm túc gì. Khi bà ấy đang mang thai cháu Huyền thì tôi lại phải đi chấp hành án nên không có tin tức gì nữa. Hơn chục năm, sau khi chấp hành án trở về, tôi mới biết mặt con gái mình. Lúc này mọi người bảo tôi nhớ lại tên tuổi, địa chỉ của bà ấy để lấy cơ sở làm giấy khai sinh cho cháu Huyền nhưng tôi không thể nhớ được thứ gì cụ thể. Tôi chỉ nhớ mang máng bà ấy tên là Hạnh, nhà ở khu chùa Hà (Cầu Giấy)”.
Chính vì cái sự “nhớ mang máng” của ông Sơn đã khiến cuộc đời con gái ông tiếp tục chìm trong tuyệt vọng. Khi con gái có quyết định được nhận giấy khai sinh, ông Sơn đã bật khóc. Ông hạnh phúc vì từ nay con gái ông đã được thừa nhận là một công dân như bao người khác. Nhưng, cũng không phải vì thế mà mọi khó khăn đã qua đi.
Ngày chị Huyền cầm trên tay tờ giấy khai sinh thì chồng chị đã không còn trên cõi đời. Tháng 4-2020, trên cổ anh Tuấn Anh nổi một hạch to. Hai vợ chồng đưa nhau đến bệnh viện khám thì bác sĩ kết luận anh bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Tháng 9-2020, chồng chị Huyền qua đời. Trước khi mất, anh Tuấn Anh chỉ có một mong ước duy nhất là vợ mình sẽ làm được giấy khai sinh. Nhưng, khi mong ước thành hiện thực thì anh đã ra đi.
Lúc chúng tôi đến nhà, chị Huyền đang cặm cụi dán vỏ hộp đựng trang sức. Chị bảo, mỗi chiếc vỏ hộp dán hoàn chỉnh sẽ được 300 đồng. Mỗi ngày dù có làm cật lực, chị cũng chỉ kiếm được vài chục nghìn. Số tiền đó chỉ đủ cho mẹ con chị rau cháo qua ngày chứ chưa dám tính tới việc sau này con gái út đi học.
“Giờ tôi chỉ phải nuôi con gái út năm nay mới 5 tuổi thôi. Nhưng, thực sự là để cháu được đi học đến nơi đến chốn quả là gian truân. Bản thân tôi vì không được học hành tử tế nên cũng chỉ có thể làm những việc chân tay như chạy bàn hoặc dọn dẹp nhà cửa thuê. Từ lúc nghỉ dịch thì ngay cả những việc đó cũng không có ai thuê”, chị Huyền buồn bã tâm sự.
Theo Song Ngọc/CAND

>> xem thêm

Bình luận(0)