Liên quan việc bà Triệu Thị Giang, em gái của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang - Triệu Tài Vinh bị kỷ luật khiển trách vì nhờ người khác tác động cho cháu ruột của mình được nâng điểm, dư luận đặt câu hỏi, mức kỷ luật như trên có tương xứng với hành vi vi phạm? Có đến mức phải xử lý hình sự?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang về việc xem xét kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên liên quan vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang, trong số 149 cán bộ, đảng viên còn lại cần kiểm tra, xem xét kỷ luật thì 46 trường hợp có khuyết điểm, vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật (khai trừ đảng 3 trường hợp, khiển trách 42 trường hợp và cảnh cáo một trường hợp).
“Đây mới là xử lý kỷ luật Đảng đối với đảng viên vi phạm điều lệ Đảng. Sau khi kỷ luật về mặt Đảng thì sẽ xem xét tiếp đến kỷ luật về mặt chính quyền, xem xét trách nhiệm pháp lý theo quy định pháp luật”, luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
|
Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang. |
Theo luật sư Đặng Văn Cường, việc kỷ luật Đảng không loại trừ trách nhiệm pháp lý. Trường hợp đảng viên vi phạm ngoài việc bị kỷ luật đảng còn có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi không những chỉ vi phạm kỷ luật đảng mà còn vi phạm pháp luật.
“Bởi vậy, không riêng gì người nhà ông Triệu Tài Vinh mà đối với tất cả những người còn lại cũng vậy, nếu hành vi vi phạm điều lệ đảng, bị kỷ luật Đảng mà còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cũng sẽ tiếp tục được xem xét xử lý theo quy định pháp luật”, luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
Luật sư Cường cho biết, trong danh sách 29 cán bộ, đảng viên bị yêu cầu rút kinh nghiệm có bà Phạm Thị Hà - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang, là vợ nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh. Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang, bà Hà đã "để em chồng tác động cho con được nâng điểm thi", sai phạm chưa tới mức bị xử lý kỷ luật, mà chỉ yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Trong khi đó, bà Triệu Thị Giang, Phó trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch - Đầu tư (em gái ruột ông Triệu Tài Vinh) bị kỷ luật khiển trách vì nhờ người khác tác động, cháu ruột được nâng điểm thi, vi phạm những điều đảng viên không được làm.
“Cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi “tác động” của bà Triệu Thị Giang - Phó trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở kế hoạch đầu tư đối với việc nâng điểm thi của con gái ông Triệu Tài Vinh là như thế nào? tác động đến ai?, hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hay không?”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Đồng thời, luật sư cho biết, nếu hành vi là “tác động vật chất hoặc tác động phi vật” chất đến người có chức vụ, quyền hạn để người này thực hiện việc sửa điểm, nâng điểm theo yêu cầu của người tác động thì hành vi này là hành vi đưa hối lộ theo quy định tại điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cụ thể, tội đưa hối lộ được quy định như sau: “Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
b) Lợi ích phi vật chất.”...
Như vậy, pháp luật quy định nếu việc tác động đó là một sự hứa hẹn về lợi ích vật chất hoặc phi vật chất thì người hứa hẹn trực tiếp hoặc qua trung gian là người đưa hối lộ kể cả trong trường hợp người thực hiện công việc đó chưa nhận được lợi ích mà người tác động đã hứa hẹn.
Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ vấn đề này. Nếu hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định tại điều 364 bộ luật hình sự nêu trên thì sẽ xử lý hình sự đối với những người có liên quan về tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ theo quy định pháp luật.