Sáng 25/9, Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới - những vấn đề về lý luận và thực tiễn”.
Tham gia và phát biểu tham luận tại hội thảo trên, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho biết, "đây là tham luận góc độ địa phương, với tư cách nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, chứ không phải tham luận với tư cách “phó trưởng Ban Kinh tế trung ương" .
Theo đó, khi nói về việc đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ. Trong đó, ông Vinh chia sẻ kinh nghiệm thực tế ở Hà Giang và đề cập vấn đề liên quan đến gia đình ông.
Theo ông Triệu Tài Vinh, cho rằng, qua quá trình thực tiễn công tác, từ khi mới là một Phó Chủ tịch huyện lên Bí thư Tỉnh uỷ, ông không được học nhiều, đào tạo cán bộ quy hoạch cấp chiến lược, chỉ có bằng cử nhân chính trị, sau đó tham gia 4 ngày lớp bồi dưỡng uỷ viên Trung ương Đảng. Từ đó, ông cho rằng, nên tổ chức để cán bộ sau khi kinh qua kinh nghiệm công tác thực tế rồi tiếp tục được học lý luận chính trị sẽ tốt hơn.
|
Ông Triệu Tài Vinh. Ảnh: Báo Thanh tra. |
Từ kinh nghiệm này, ông Triệu Tài Vinh nhấn mạnh việc đánh giá cán bộ là khâu khó nhất bởi phải đánh giá cho đúng, cho trúng. Đồng thời, ông Vinh cũng nêu thực tế nhiều cán bộ ban đầu đánh giá đúng, sau đó không đảm bảo được tính thường xuyên, liên tục.
“Do vậy, việc đánh giá phải có định tính (nhận xét tư tưởng của cán bộ và định lượng (những yếu tố đo đếm được)”, ông Vinh nói và nhấn mạnh, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới công tác cán bộ cần đối mặt với những thách thức lớn hiện nay là tình trạng suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá… trong mỗi cán bộ.
Khi chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn ở Hà Giang, ông Triệu Tài Vinh cho rằng tổ chức Đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì dứt khoát phải thay đổi được kinh tế, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải có thay đổi về kinh tế.
“Tỉnh có hướng dẫn xây dựng chương trình hành động cá nhân. Mỗi tổ chức Đảng, mỗi cá nhân đảng viên khi nhận xét nhau đều là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng chi bộ Đảng ở nông thôn nghèo vẫn cứ nghèo. Như vậy là chưa thống nhất giữa tư duy chính trị và kinh tế. Bởi vậy, Hà Giang đặt ra yêu cầu nếu tổ chức Đảng “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” thì phải thay đổi được kinh tế.”, ông Vinh cho biết.
Do vậy, tỉnh Hà Giang đã xây dựng các chương trình hành động của cá nhân, của bí thư, chi ủy và đảng trực thuộc theo hướng cá nhân xây dựng, tập thể góp ý kiến.
“Chúng tôi nói với nhau sau Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, khi bước ra khỏi hội trường lại như ‘một tờ giấy trắng’, thoải mái với nhau. Thời trước đó, trong hội trường không nói nhưng ra khỏi hội trường lại xì xào”, ông Vinh nói.
Đồng thời, theo ông Vinh, tại Hà Giang, ngay cả Bí thư Tỉnh ủy cũng kiểm điểm trước Ban thường vụ để Ban thường vụ góp ý. Vấn đề này dù nhạy cảm nhưng không khó, thậm chí dễ làm. Khi thực hiện, việc này đã tạo sự thay đổi nhất định, ủy viên các cấp có thay đổi nhưng tính thường xuyên không cao, hiệu quả không như mong muốn. Từ đó, tỉnh tiếp tục ra quy định “chấm mức độ quyết liệt”.
“Nhiệm kỳ trước khi làm Bí thư Tỉnh ủy, trong Ban Thường vụ chủ yếu là các vai cha chú của tôi, làm cùng thời với cụ thân sinh ra tôi nên rất khó lãnh đạo. Khi đó dư luận đặt câu hỏi không biết tôi có làm nổi không” ông Vinh tâm sự và cho rằng, nếu không có quy định, đề án thì rất khó làm việc.
Đồng thời, theo ông Triệu Tài Vinh, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ cần phát huy các nhân tố: phải biết lựa chọn được vấn đề của địa phương mình, phải có quy hoạch cán bộ, đánh giá cán bộ….
“Hà Giang là tỉnh khó khăn nhất cả nước, quy mô nền kinh tế nhỏ nhất, người Mông đông nhất, thoát khỏi chiến tranh muộn nhất, nhưng chính trị Hà Giang ổn định vì sức đề kháng của hệ thống chính trị Hà Giang rất tốt”, ông Vinh nói và khẳng định, biết lựa chọn để xây dựng đề kháng của hệ thống chính trị với một Bí thư tỉnh là quan trọng. “Đánh giá cán bộ phải biết phát huy nhân tố đó”, ông Vinh nói.
Khi nói vấn đề này, Nguyên bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cũng nhắc lại chuyện dư luận, cộng đồng mạng từng rộ lên câu chuyện cả nhà làm quan của gia đình ông năm 2013, cũng như ầm ĩ chuyện tiêu cực thi cử gần đây.
“Có lẽ nhiều người nghĩ tới chuyện năm 2013, trên Facebook nói về việc cả gia đình làm quan và vừa rồi là gian lận thi cử. Việc đó không sao, phải đối mặt với thực tế, vượt qua nó”, ông Vinh chia sẻ.
Từ đó, để đổi mới phương thức lãnh đạo, ông Triệu Tài Vinh cho rằng, người đứng đầu phải biết tổ chức thực hiện bằng các đề án cụ thể, phải có nhãn quan nhạy cảm chính trị xuất phát từ thực tiễn, biết cách tiếp cận vấn đề thực tiễn trong điều kiện kinh tế thị trường. Đồng thời phát huy dân chủ trong cấp ủy, nếu không sẽ dẫn đến nhiều tổ chức Đảng có sai phạm.