Đường sắt gặp sự cố kì lạ sau 'phê bình nghiêm khắc'

Google News

Lại xảy ra tai nạn sau cam kết từ chức hoặc miễn nhiệm người đứng đầu của lãnh đạo Tổng công ty đường sắt Việt Nam.

Một sự cố kì lạ vào lúc 3h15 phút sáng 15/6, khi tàu hàng AH2 phải dừng khẩn cấp tại đường ngang khu vực giữa hai ga Minh Lễ - Lệ Sơn (Quảng Bình).

Thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, lúc 3h15 ngày 15/6, tàu hàng AH2 phải dừng khẩn cấp tại đường ngang trên do nhân viên gác chắn chưa quay biển đỏ khai thông đường sắt.

Vì chưa quay biển đỏ khai thông đường sắt, lái tàu hàng AH2 nhận thấy quá muộn, cho tàu hãm khẩn cấp nhưng vẫn không kịp và va chạm, làm hư hỏng biển đỏ.

Bà T.T.T.H, nhân viên gác chắn đường ngang trên giải trình, sau khi nhân viên trực ban báo giờ tàu AH2 chạy qua, bà này đã đóng chắn đường ngang nhưng chưa quay biển đỏ báo hiệu cho lái tàu được phép chạy qua.

Trong quá trình chờ tàu tới, bà H. đau bụng đột xuất nên đã vào chòi chắn đi vệ sinh.

Được một lúc, nghe tiếng còi tàu chạy tới, bà đã chạy ra để quay biển đỏ khai thông đường nhưng không kịp.

Đóng xong chắn đường ngang, biển đỏ được quay vào trong báo hiệu tàu được thông qua. Ảnh: Tuổi trẻ
Việc chưa quay biển đỏ hoặc đóng chắn phương tiện giao thông qua đường ngang cũng được báo cáo 4 lần trong nửa đầu tháng 6.

Tai nạn liên tiếp

Vụ tai nạn tàu hỏa mới nhất xảy ra vào lúc 7h40 sáng ngày 16/6 tại Km 900+ 400 (đoạn xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) khiến một người chết, một người khác đang trong tình trạng nguy kịch.

Tai nạn giữa tàu hàng và xe bán tải ở Quảng Ngãi ngày 16/6. Ảnh: Tuổi trẻ
Theo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Thanh Sang, Phó giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt ga Nghĩa Bình (thuộc Tổng công ty đường sắt Việt Nam) cho biết, va chạm giữa tàu chở hàng số hiệu HH7 chạy hướng Bắc- Nam và ô tô bán tải đang từ Quốc lộ 1A rẽ vào đường dân sinh.

Lái tàu phát hiện sự việc đã phanh gấp nhưng không kịp.

Vụ va chạm làm ô tô bị hất xa khoảng 9m, bay thẳng xuống hành lang, hư hỏng nặng. Hai người trên xe bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Đến trưa cùng ngày, một người đã tử vong, người khác đang trong tình trạng nguy kịch.

Sau tai nạn, tàu chở hàng HH7 dừng lại khoảng 10 phút, lập biên bản vụ việc và tiếp tục hành trình.

Trước đó, khoảng 7h sáng ngày 13/6, tàu hàng mang số hiệu 2479 chạy hướng Bắc Nam. Khi đến Km 81+ 900, thuộc địa phận huyện Duy Xuyên thì bị đứt toa. Đầu kéo chạy hơn 100 m mới dừng, để nhiều toa tàu ở phía sau.

Lãnh đạo Chi nhánh Đường sắt Nghĩa Bình cho biết,nguyên nhân ban đầu được xác định do lỗi kỹ thuật.

Ngày 10/6, tàu SP4 cũng va vào biển đỏ khi chắn đường ngang ga Hương Lại - Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) chưa được đóng.

Cũng vào ngày 10/6, tàu SH3 phải dừng lại khẩn cấp do nhân viên đường ngang ở ga Phủ Lý - Bình Lục (Hà Nam) đóng chắn chậm.

Ngày 5/6, tàu khách SE3 phải hãm khẩn cấp do nhân viên gác chắn ở khu vực giữa hai ga Hương Phố - Phúc Trạch (Hà Tĩnh) đóng chắn chậm.

Hàng loạt vụ tai nạn, sự cố liên quan đến ngành đường sắt, có những vụ có tính chất nghiêm trọng thời gian qua đã đặt câu hỏi đối với trách nhiệm quản lý của người đứng đầu ngành đường sắt.

Những vụ tai nạn, sự cố mới nhất xảy ra sau khi ông Vũ Tá Tùng - tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lên tiếng cam kết sẽ chịu trách nhiệm.

Tờ Tuổi trẻ dẫn lại chỉ đạo của ông Tùng cho biết, các đơn vị trực thuộc trong 3 tháng từ nay đến ngày 31/8/2018, nếu để xảy ra sự cố, tai nạn có tính chất nghiêm trọng do nguyên nhân chủ quan, các giám đốc trung tâm, chi nhánh, người đại diện phần vốn tại các công ty sẽ cam kết từ chức, miễn nhiệm.

Còn đối với người lao động nếu vi phạm kỷ luật sẽ bị xử lý hoặc hạ chất lượng công tác cao hơn một bậc so với quy định hiện hành.

Ông Vũ Tá Tùng cũng là người bị xử lý trách nhiệm theo hình thức "phê bình nghiêm khắc", sau khi để xảy ra hàng loạt những vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng vừa qua. Tính trong 1 tháng, đã có tới 5 vụ tai nạn, gây thiệt hại lớn về người và của.

Không biết, chỉ ít ngày sau khi nhận xử lý "phê bình nghiêm khắc" lại chứng kiến những vụ tai nạn, sự cố trên thì lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm thế nào?

Chưa văn bản nào quy định xử lý ở mức độ "phê bình nghiêm khắc"

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước và nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, những tai nạn, sự cố của ngành đường sắt khi xác định có lỗi từ buông lỏng quản lý, để nhân viên gây ra tai nạn thì phải buộc thôi việc, hoặc cách chức người đứng đầu chịu trách nhiệm quản lý phân đoạn đường sắt đó.

Đối với Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc Công ty đường sắt Việt Nam cũng phải là những người chịu trách nhiệm trong việc quản lý không chặt chẽ, để cho cấp dưới là những lãnh đạo các phân đoạn đường sắt địa phương mắc sai phạm, gây tai nạn nghiêm trọng về người và của.

"Xử lý kỷ luật thế nào cũng tùy thuộc vào mức độ từng vụ việc. Tuy nhiên, trong quy định xử lý hành chính, chưa từng thấy có văn bản hay chỉ nghị định nào quy định việc xử lý vi phạm kỷ luật là "phê bình nghiêm khắc" cả - PGS.TS. Võ Kim Sơn nhấn mạnh.

 

Theo Cúc Phương /Baodatviet

>> xem thêm

Bình luận(0)