Đơn vị nào góp vốn xây cao tốc Hà Nội - Hải Phòng?
Liên quan vụ việc lái xe dùng tiền lẻ trả phí qua Trạm thu phí Quốc lộ 5 trong chiều ngày 4, 5 và 6/9 khiến tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, dư luận quan tâm, ngoài Vidifi (Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam), những đơn vị nào đã góp vốn để xây dựng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng? Thủ tướng Chính phủ đã giao Vidifi quản lý, thu phí quốc lộ 5 ra sao?
Để tìm câu trả lời trên, PV Kiến Thức đã tìm hiểu những tài liệu, hồ sơ liên quan dự án. Đáng chú ý trong đó, tại quyết định số 1621/QĐ-TTg ngày 29/11/2007 do Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ký thay Thủ tướng nêu rõ:
"Về vốn góp để thực hiện Dự án: Cho phép Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) được dùng vốn huy động dài hạn và một phần vốn điều lệ để góp 51% vốn điều lệ của Vidifi, trên cơ sở không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước do VDB hiện đang quản lý. Cho phép Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) được góp 29% vốn điều lệ của Vidifi ".
|
Lái xe dùng tiền lẻ trả phí qua Trạm thu phí một dừng số 1 – Quốc lộ 5 trong chiều ngày 4,5 và 6/9 khiến tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài.
|
Quyết định này cũng nêu rõ: "VDB và VCB thu xếp cho VidifiI vay với tỷ lệ tương ứng là 70% và 30% trong tổng số vốn vay (kể cả vốn lưu động) để thực hiện đầu tư, kinh doanh Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải phòng và các dự án nêu ở khoản 3 Điều 3 của Quyết định này. Số vốn và thời hạn cho vay theo dự án được duyệt, lãi suất vay theo lãi suất sát với lãi suất thị trường. Số vốn cho vay của VDB được quản lý theo cơ chế vốn vay thương mại, không coi là vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước. Giao Bộ Tài chính bảo lãnh cho VDB và VCB trong việc cho VidifiI vay để thực hiện Dự án".
Cũng tại quyết định trên, Chính phủ cũng giao Vidifi quản lý, thu phí trên quốc lộ 5 ngay sau khi được Bộ Giao thông vận tải bàn giao lại cho đến hết thời gian kinh doanh BOT Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải phòng với mức thu phí theo quy định của Bộ Tài chính.
Đang điều tra làm rõ có hay không hành vi gây rối ANTT
Liên quan vụ việc trên, sáng 7/9, trao đổi với báo chí, Đại tá Đỗ Đình Hào, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, công an tỉnh Hưng Yên đã tiến hành làm việc với một số lái xe để điều tra, làm rõ hành vi gây rối an ninh trật tự trong những ngày qua tại khu vực trạm thu phí Quốc lộ 5.
"Ở đây có hành vi của dạng đấu tranh tiêu cực, kích động, cố tình gây rối, mất an ninh trật tự và theo quy định của luật hình sự thì nếu cố tình gây ách tắc về giao thông từ hai tiếng trở lên sẽ xử lý về mặt hình sự. Chúng tôi đã điều tra việc này và đang tìm xem ai là người chủ mưu, đứng đầu. Nếu đủ căn cứ sẽ tiến hành khởi tố hình sự, điều tra", Đại tá Hào cho biết.
Theo đại tá thì thời gian tới, công an tỉnh Hưng Yên sẽ phối hợp để tuyên truyền cho người dân hiểu, không nên đồng tình với số lái xe đấu tranh theo dạng tiêu cực, gây mất trật tự.
>>> Mời độc giả xem video Trạm BOT quốc lộ 5 "tê liệt" vì tài xế lại dùng "chiêu" tiền lẻ - Nguồn VTC16:
Lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, hiện UBND tỉnh Hưng Yên đã giao cho công an tỉnh phối hợp với Sở Giao thông vận tải, các sở liên quan tham mưu về các vấn đề cần xử lý để kiến nghị với Bộ GTVT.
Trước đó, Đại diện Vidifi khẳng định, việc thu phí tại Quốc lộ 5 đã được Chính phủ đồng ý và sẽ tiếp tục thu như kế hoạch. Lãnh đạo Vidifi khẳng định việc Vidifi thu phí trên quốc lộ 5 thực chất là hoàn phần vốn góp của Nhà nước vào dự án chứ không phải là thu phí BOT. Ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT Vidifi cho biết đơn vị này vừa làm báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và đang chờ thông tin chỉ đạo.