Đổi mới giáo dục không phải cứ đi tìm những cái mới mẻ
Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) sáng 15/11, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) bày tỏ sự quan tâm đến việc đổi mới căn bản, sâu sắc, toàn diện giáo dục & đào tạo.
“Nhiều cử tri vẫn hỏi chúng tôi thế nào là đổi mới căn bản, toàn diện, sâu sắc và câu hỏi đó chưa có câu trả lời một cách thỏa đáng”, ông Thưởng nói.
|
Đại biểu Cao Đình Thưởng. |
Ông Cao Đình Thưởng cũng cho rằng, muốn đổi mới sâu sắc, toàn diện, căn bản giáo dục cần đi tìm trụ cột. Đổi mới không phải cứ đi tìm cái gì mới mẻ hoàn toàn mới là đổi mới. Đôi khi, quay lại những cái cũ đã trở thành thương hiệu cũng có thể là đổi mới.
Ông Thưởng lấy ví dụ, phổ thông cấp 1, phổ thông cấp 2, phổ thông cấp 3. Hoặc trước đây học rất đơn giản, O, A, cái ca, quả cà, con cá là biết đọc, biết viết.
”Cho nên làm thế nào để tạo ra được triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay đề nghị cần phải nghiên cứu tiếp”, ông Thưởng nói và cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh chính là một trong trụ cột chúng ta chú ý.
“Bác dạy thiếu niên nhi đồng, Bác dạy mọi lứa tuổi, kể cả dạy cán bộ Đảng viên, tôi thấy rất đáng chú ý, khi Bác về trường Nguyễn Ái Quốc, Bác có nói: "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ để phục sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn vậy, cần phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư"”, ông Thưởng dẫn chứng và cho rằng, đây cũng là một trong những căn cứ để chúng ta tìm ra triết lý giáo dục Việt Nam.
Phải chọn được cô giáo trẻ, đẹp, có sức khỏe, năng lực
Nói về công tác đào tạo giáo viên chuẩn trình độ và chế độ đối với nhà giáo, đại biểu Cao Đình Thương cho rằng cần phải đầu tư cho các trường sư phạm.
“Cần phải chọn học sinh có phẩm chất và năng lực tốt vào học sư phạm và nâng cao vị thế và có chế độ ưu đãi rất cao đối với nhà giáo và thực hiện hướng chuẩn cho giáo viên, phương thức đào tạo, tiến tới giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông đều có trình độ đại học, nhưng ở mỗi cấp yêu cầu trình độ như nhau.
Nếu đào tạo bác sỹ phải mất 6, 7 năm thì đào tạo mầm non không nhất thiết phải 4 năm, có thể 2 năm rưỡi đến 3 năm”.
|
Đại biểu Thưởng nói và cho rằng, phải chọn được cô giáo trẻ, đẹp, có sức khỏe, năng lực và có năng khiếu. Ảnh minh họa. |
Đại biểu Thưởng nói và cho rằng, phải chọn được cô giáo trẻ, đẹp, có sức khỏe, năng lực và có năng khiếu để các cháu có điều kiện tiếp cận ngay từ thời còn trẻ thơ đối với nền học vấn của mình sau này.
“Đào tạo giáo viên là hết sức quan trọng, nếu tôi nhớ không nhầm Tago nói rằng "Giáo dục một người đàn ông thì được một con người, giáo dục một người phụ nữ thì được một gia đình, nhưng giáo dục một người thầy thì được một thế hệ", đại biểu Thưởng phát biểu.
Phụ huynh đừng biến con mình thành “con người ta'
Về chất lượng, phương pháp dạy học, đại biểu Thưởng cho rằng, hiện nay, chất lượng dạy học chưa cao, rất chậm đổi mới. Thậm chí nặng về dạy chữ, kiến thức hàn lâm, nhẹ dạy kỹ năng sống, đào tạo làm người và hướng nghiệp.
Bên cạnh đó, chương trình sách giáo khoa hiện nay quá nặng, học sinh khó tiếp thu.
“Chúng ta hình như đang phức tạp hóa những vấn đề hết sức đơn giản. Ví dụ, học sinh lớp 1 chỉ cần đạt mục tiêu biết đọc, biết viết, học sinh phổ thông chỉ cần học kiến thức phổ thông nhưng hiện nay chúng ta đang hàn lâm hóa những kiến thức đó và những điều rất đơn giản trở thành rất phức tạp, rắc rối, học sinh rất khó tiếp thu”, ông Thưởng nói.
Đại biểu tỉnh Phú Thọ cho rằng, nguyên nhân từ người lớn khi đã nghĩ ra quá nhiều điều để nhồi nhét vào bộ óc còn non nớt của trẻ, làm cho việc học tập trở thành áp lực, gánh nặng quá lớn. Một bộ phận không nhỏ trẻ sợ học, không thích học và chán học.
“Tâm lý phụ huynh muốn con mình trở thành con người ta nên bắt các cháu phải giỏi, giỏi toàn diện một cách quá sức, dẫn đến tâm lý hoang mang, hoảng sợ. Đây là quan niệm rất sai lầm trong giáo dục, trái với năng lực và sở trường của trẻ em”, đại biểu Thưởng nói.
Ông cho rằng, không thể bắt trẻ học để trở thành ông nọ, bà kia khi các cháu không thích, không đủ năng lực.
“Thử hỏi đã mấy học sinh giỏi văn quốc gia trở thành nhà văn, nhà thơ lớn”, câu nói của ông Thưởng khiến nhiều người phải ngẫm nghĩ.
Nên phát động cuộc thi viết sách giáo khoa?
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Phú Thọ cho rằng, chương trình sách giáo khoa cần phải rà soát và điều chỉnh kỹ lưỡng. Theo ý kiến của cử tri, nhiều giáo viên, phụ huynh, phải có chương trình sách giáo khoa thống nhất.
Ông Thưởng đưa ra đề xuất, nên chăng phát động cuộc thi viết sách giáo khoa trong giáo viên phổ thông để chương trình sách giáo khoa không bị hàn lâm hóa, giáo sư hóa, tiến sĩ hóa.
Ông cũng cho rằng, việc dạy học là phải được đánh giá bằng thi cử. Nhưng hiện nay thi cử trở thành áp lực và gánh nặng quá lớn, bị hiểu rất sai lệch.
“Từ mục tiêu học để làm việc, làm người trở thành học để thi nhưng thi để làm gì thì không phải ai cũng trả lời đúng. Dẫn đến mất phương hướng, gây hoang mang và dẫn đến nhiều tiêu cực như thời gian vừa qua”.
Do đó, đại biểu Thưởng đề nghị, sau mỗi quá trình học tập của học sinh phải đánh giá qua kiểm tra, thi cử, vấn đề là tổ chức thi như thế nào cho phù hợp, đánh giá đúng thực chất và ít tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc của nhân dân.
Đồng thời đề nghị không nên tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia như hiện nay.