Chuyến du lịch... "bão táp"
"Đây là lần đầu tiên mình đưa gia đình đi du lịch dịp Tết Nguyên đán nhưng chắc cũng là lần cuối. Đến đây vào ngày mùng 3 nhưng gia đình mình chỉ toàn thấy tắc đường, chen chúc, chưa kịp trải nghiệm điều gì thú vị tại Sa Pa", chị Bùi Bích Thủy (Hà Nội) thất vọng chia sẻ.
Ngày mùng 3 Tết, gia đình chị Thủy gồm 4 thành viên, di chuyển từ Hà Nội lên thị xã Sa Pa (Lào Cai) để du xuân trong hai ngày hai đêm. Chiều đầu tiên tại đây, chị đưa con trai đi thăm vườn dâu. Nhưng khi đến, vườn đã hết sạch dâu chín do mấy ngày qua quá đông du khách. Gia đình quay lại một quán cà phê để nghỉ chân. 18h chiều, gia đình gọi taxi để di chuyển vào quán ăn tại trung tâm thị xã.
"Quãng đường chỉ có hơn 1km nhưng chiếc xe nhích từng phân, gần 2 tiếng đồng hồ chưa đến nơi. Trời mưa, rét nhưng gia đình mình vẫn phải xuống giữa đường, tự đi bộ", chị Thủy cho biết.
Cảnh kẹt xe do chị Thủy chụp lại tại Sa Pa ngày mùng 3 Tết
Khi đến quán, khách đã ngồi chật cứng, không còn bàn trống, gia đình chị Thủy lại đành tìm ra quán vỉa hè ăn đồ nướng. Do thời tiết lạnh, con trai 2,5 tuổi của chị Thủy bị đau bụng. Chị Thủy chưa kịp ăn gì, vội vàng đưa con về khách sạn.
"Cuối ngày, hai mẹ con ăn tạm hộp xôi trong phòng khách sạn. Mình nuốt không nổi. Ngay lúc đó mình đã muốn bắt xe về lại Hà Nội", chị Thủy nói.
Sáng ngày mùng 4, các tuyến đường xung quanh khách sạn nơi chị Thủy ở lại tiếp tục tắc nghẽn nghiêm trọng. Gia đình phải đi ăn trưa từ 10h để tránh đông đúc. Buổi tối, gia đình chị Thủy cũng tìm tới quán từ 18:30 nhưng quán đã chật kín bàn, đành chuyển địa điểm khác.
"Sau một năm ở nhà vì dịch bệnh, mình mong muốn đưa con trai và gia đình đi du xuân, thay đổi không khí, mà chuyến đi quá mệt mỏi, tệ ngoài sức tưởng tượng của mình. Thời tiết thậm chỉ còn rất xấu, nhiều mây mù, mưa, rét", chị Thủy chán nản kể.
Mẹ con chị Thủy trải nghiệm hái dâu... xanh
Trái với sự háo hức ban đầu, giờ người mẹ này chỉ mong sớm đến giờ trở về Hà Nội...
Tương tự như gia đình chị Thủy, Minh Trang - một du khách tới từ Sài Gòn cũng ngao ngán vì cảnh tượng đông đúc, tắc nghẽn tại Sa Pa.
"Mình đặt phòng trước một tháng nên không phải khổ sở tìm phòng nhưng một nhóm bạn khác của mình thì chật vật đi khắp nơi tìm phòng tới giữa đêm. Họ phải trả mức chi phí cao khoảng 3 lần so với bình thường", Trang chia sẻ.
Từ Sài Gòn ra Sa Pa, cô gái dù chuẩn bị rất kĩ trang phục nhưng không thể thích ứng kịp sự thay đổi thời tiết hoàn toàn giữa hai miền. Trang thất vọng khi cả ngày, thị xã chìm trong sương mờ, âm u, mưa.
"Mình không thể chụp ảnh đẹp như dự kiến. Các bản làng du lịch đều đông, đường thì khá khó đi do mưa, trơn trượt", Trang chia sẻ. "Kinh hoàng" nhất với Trang là phải xếp hàng chờ cáp treo lên Fansipan. "Mình đứng chôn chân giữa cả trăm người, vừa đói, vừa mệt vừa lo dịch bệnh", cô gái cho biết.
Cảnh chen chúc chờ lên Fansipan
Thời tiết xấu, dòng người vẫn ùn ùn kéo về Sa Pa
Ngày mùng 4 Tết, thời tiết tại Sa Pa mưa và rất lạnh, nhiều sương mù, có thời điểm nhiệt độ hạ xuống chỉ 4 - 5 độ C. Tuy vậy, hàng ngàn phương tiện vẫn nối đuôi nhau kéo về trung tâm thị xã.
Đoàn ôtô nối dài hàng km trên đường hướng về trung tâm thị xã
Con đường quanh quảng trường thị xã Sa Pa cũng gặp tình trạng ùn xe trong một số thời điểm
Xe máy và ôtô dừng đỗ kín các bãi gửi xe trước chợ Sa Pa
Những đoạn đường tập trung nhiều quán ăn, khách sạn đều ùn ứ
Ông Vương Trinh Quốc - Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết: Từ ngày 29/1 đến 3/2, Sa Pa đón khoảng 25.000 lượt khách, tập trung đông nhất sau ngày 2/2. Công suất phòng ở thị xã Sa Pa đạt trên 80%, phân khúc phòng cao cấp đạt 95%. Dự kiến cả dịp Tết, Sa Pa đón 68.000 lượt khách. Riêng ngày 4/2, thị xã này đón khoảng 10.000 lượt phương tiện, tăng gấp 10 lần so với ngày thường.
Mở cửa trở lại vào ngày 2/2, trong 3 ngày, tuyến cáp treo lên đỉnh Fansipan thu hút lượng rất đông du khách. Nhiều thời điểm, khách phải ngồi "dài cổ" chờ đợi cáp treo.
Dòng người xếp hàng chờ lên đỉnh Fansipan
Tuy nhiên, trên đỉnh Fansipan nắng ấm hơn vào trưa, đầu giờ chiều, thời tiết khá thuận lợi