Trong những ngày cận Tết Nguyên đán, việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng pháo nổ trái phép vẫn diễn ra ở một số địa phương dưới nhiều vỏ bọc, phương thức, thủ đoạn khác nhau. Hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép pháo nổ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
|
Ảnh minh họa. |
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, ngày 27/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP quy định về quản lý và sử dụng pháo. Trong đó, nội dung về cho phép người dân được mua và sử dụng pháo hoa. Tuy nhiên có một số lưu ý đối với người dân về quy định sử dụng pháo như sau:
|
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Thứ nhất, về loại pháo mà người dân được phép sử dụng. Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, người dân được phép sử dụng pháo hoa. Nghị định 137 cũng quy định pháo được chia làm 2 loại là pháo nổ và pháo hoa. Trong pháo nổ có loại pháo tạo ra hiệu ứng màu sắc ánh sáng được gọi là pháo hoa nổ. Loại pháo được Nhà nước cho bắn vào đêm Giao thừa hằng năm là pháo hoa nổ, là một loại pháo nổ.
Pháo hoa nổ và pháo hoa khác nhau ở điểm cơ bản nhất là tiếng nổ phát ra khi sử dụng. Pháo hoa nổ khi sử dụng gây ra tiếng nổ hoặc tiếng rít còn pháo hoa thì không gây ra tiếng nổ và tiếng rít như vậy. Người dân chỉ được phép sử dụng pháo hoa mà và không được phép sử dụng pháo hoa nổ cũng như pháo nổ.
Thứ hai, ai được phép mua và sử dụng pháo hoa? Nghị định 137 quy định cơ quan tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được mua và sử dụng pháo hoa. Cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ là người từ đủ 18 tuổi trở lên, không mắc bệnh tâm thần dẫn đến mất nhận thức hay không bị hạn chế về khả năng nhận thức.
Thứ ba, mua pháo hoa ở đâu? Cá nhân tổ chức sử dụng pháo hoa chỉ được phép mua pháo hoa ở các cơ sở được phép sản xuất kinh doanh pháo hoa. Đó là các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, được Cơ quan công an cấp phép về sản xuất và kinh doanh pháo hoa. Ngoài những nguồn cung cấp này, tổ chức cá nhân không được phép mua pháo hoa từ bất kỳ nguồn nào khác. Và cũng không cá nhân tổ chức nào được phép tự chế tạo, sản xuất, kinh doanh pháo hoa ngoài những doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng nói trên. Tất cả các loại pháo trôi nổi nhập lậu đều vẫn bị cấm mua bán sử dụng.
Thứ tư, đối với người có hành vi sử dụng pháo trái phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy mức độ. Về xử phạt vi phạm hành chính, người có hành vi sử dụng pháo trái phép có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Trường hợp mua bán, sử dụng trái phép pháo nổ là vật liệu nổ bao gồm pháo nổ theo Nghị định 137/2020 nói trên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Mua bán, sử dụng trái phép vật liệu nổ” theo Điều 305 Bộ luật Hình sự. Người phạm tội này có thể bị phạt tù cao nhất đến chung thân.
Hiện nay, tại Việt Nam chỉ có duy nhất Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoá chất 21 (Nhà máy Z121) được giao sản xuất, cung ứng pháo hoa.
>>> Xem thêm video: Xem lựu pháo D-30 của Nga bắn trúng mục tiêu chỉ trong vài phút