Ông Đặng Thanh Nam - Chủ tịch UBND huyện Kon PLông (Kon Tum) mới đây đã trở thành nạn nhân của vấn nạn đưa tin sai lệch khi một video có nội dung được cho là thất thiệt được đăng tải lên mạng xã hội đã làm ảnh hưởng đến uy tín của vị lãnh đạo huyện này.
Nội dung đoạn clip ghi lại cảnh ông Đặng Thanh Nam, Chủ tịch UBND huyện Kon PLông đang trao đổi với nhiều người trong quán cà phê và nói rằng: "Đi làm việc phải có phong bì, phong bao. Không phong bì, phong bao thì không trôi được". Ngay sau đó, đoạn video đã thu hút sự quan tâm của dư luận, không ít ý kiến đã bày tỏ sự bức xúc trước nội dung câu nói của ông Nam.
|
Ông Đặng Thanh Nam, Chủ tịch UBND huyện Kon PLông tại buổi trò chuyện.
|
Trao đổi với báo chí, ông Đào Duy Khánh, Bí thư huyện Kon PLông, khẳng định hoàn toàn không có chuyện này. Sự thật, câu nói đầy đủ của ông Đặng Thanh Nam tại chương trình cà phê khởi nghiệp với sự tham gia của các lãnh đạo huyện, hơn 20 doanh nghiệp và phóng viên báo chí là: “Trước đây ở một số địa phương có tình trạng doanh nghiệp đưa phong bì để công việc "trôi." Nếu tình trạng trên xảy ra, cán bộ gây sách nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp, chính quyền huyện sẽ xử lý nghiêm”.
Đồng thời, ông Nam cũng nói rằng, cán bộ nhận phong bì của doanh nghiệp chính là tham nhũng vặt.
Ngay ông Bùi Viết Hà, chủ quán cà phê Bạch Dương (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông), nơi diễn ra buổi "Cà phê khởi nghiệp” cũng khẳng định, clip đăng tải đã cắt và không còn đầy đủ phần phát biểu của ông Nam nên gây ra hiểu lầm.
Một doanh nhân tham dự buổi “Cà phê khởi nghiệp” cho biết, trước ý kiến của một doanh nghiệp phản ánh tình trạng cán bộ có thái độ không thân thiện khi làm việc, ông Đặng Thanh Nam nhấn mạnh huyện sẽ xử lý nghiêm những cán bộ phải có phong bì mới làm việc.
Từ một câu nói đầy đủ của Chủ tịch UBND huyện Kon PLông mang quyết tâm triệt tiêu nạn tham nhũng tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, góp phần cải thiện môi trường đầu tư bị cắt dán trở thành một đoạn clip với thông tin sai lệch dẫn đến không ít người hiểu lầm, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Chủ tịch UBND huyện Kon PLông, môi trường đầu tư của huyện này.
Trên thực tế, không cần đến khi Bí thư huyện ủy hay ông Nam lên tiếng, bởi với video có nội dung như trên, nhiều người sẽ nhận ra đây là chiêu trò của đối tượng xấu. Bởi một lãnh đạo huyện như ông Đặng Thanh Nam không thể thiếu hiểu biết về pháp luật, thiếu hiểu biết về các quy định của Đảng để có thể phát ngôn như nội dung trong đoạn clip. Nhất là trong bối cảnh, Đảng ta quyết tâm chống tham nhũng một cách mạnh mẽ như thời gian qua.
Dù việc cắt dán, đưa thông tin sai sự thật lên mạng xã hội nhằm mục đích gì nhưng có thể khẳng định đây là hành vi không chỉ đáng lên án khi gây ảnh hưởng đến hình ảnh, danh dự của người khác mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo quy định của pháp luật, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và pháp luật bảo vệ. Người nào có hành vi đăng tải hình ảnh, nội dung về người khác lên mạng xã hội sai sự thật, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử nêu rõ, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Trường hợp người đăng tải bài viết, hình ảnh sai sự thật đó nhằm mục đích xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Tuy nhiên, trước vấn nạn đưa tin sai lệch lên mạng tràn lan, không chỉ Chủ tịch UBND huyện Kon PLông mà trước đó đã rất nhiều người trở thành nạn nhân cho thấy, mức phạt trên chưa đủ sức răn đe.
Vấn nạn tin giả, tin đồn thất thiệt, thông tin không đúng sự thật thời gian qua đã làm ảnh hưởng đến nhiều cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, thậm chí có thể gây tác động tiêu cực đến cả xã hội, đến nền kinh tế và thậm chí đối với cả thể chế.
Do đó, ngoài việc xử lý nghiêm các đối tượng này, cần phải áp dụng hình phạt nghiêm ngặt hơn, đồng thời nâng cao ý thức cảnh giác, trách nhiệm của người dân trong phòng, chống những thông tin thất thiệt.
>>> Mời độc giả xem thêm video Tràn lan thông tin giả mạo VTV: