Điểm lại những vụ cán bộ nghỉ phép, đi học rồi "mất tích”

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều cán bộ cấp cao của các công ty xin nghỉ phép để đi chữa bệnh, đi học... rồi bất ngờ mất tích gây xôn xao dư luận trong thời gian qua.

Phó TGĐ PV Power Lê Chung Dũng xin nghỉ phép rồi “bặt vô âm tín”
Trường hợp ông Lê Chung Dũng, Phó TGĐ Tổng công ty điện lực dầu khí VN - PV Power xin nghỉ phép ra nước ngoài nhưng quá thời hạn vẫn bặt vô âm tín đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Thông tin từ Tổng công ty điện lực dầu khí VN -PV Power (thuộc Tập đoàn Dầu khí VN) cho biết, ông Lê Chung Dũng nguyên là Phó TGĐ PV Power xin nghỉ phép quá thời hạn ra nước ngoài nhưng đến nay chưa thấy trở lại. Theo thông tin này, ngày 10/10/2016, ông Lê Chung Dũng có đơn gửi Tổng Công ty Điện lực Dầu khí xin được nghỉ phép 15 ngày để giải quyết công việc gia đình, không nêu rõ địa điểm nghỉ phép. Căn cứ vào số ngày phép còn lại trong năm 2016 của ông Lê Chung Dũng, Tổng Công ty đã chấp thuận cho ông Dũng được nghỉ phép theo đúng quy định từ ngày 10/10/2016 đến hết ngày 20/10/2016 (phép 9 ngày) và đề nghị ông Dũng có mặt ở Tổng Công ty sau khi hết thời hạn nghỉ phép.
 Ông Lê Chung Dũng phát biểu tại một hội nghị của PV Power Coal. Ảnh Vietnamnet.
Tuy nhiên, hết thời hạn nghỉ phép, ông Lê Chung Dũng đã không đến cơ quan làm việc mà lại tiếp tục có đơn gửi Tổng Công ty xin đi học khóa dự bị MBA của trường Đại học SP Jain School Of Management tại Singapore trong thời gian 6 tháng, ngày nhập học 20/10/2016. Đơn này của ông Dũng không được PV Power chấp nhận và nhiều lần liên hệ qua điện thoại, email cũng như gửi các văn bản yêu cầu ông Lê Chung Dũng trở lại Tổng Công ty để tiếp tục làm việc và giải quyết các thủ tục liên quan nhưng ông Lê Chung Dũng vẫn chưa trở lại Tổng Công ty làm việc.
“Đây cũng là thời điểm bổ nhiệm lại chức vụ Phó TGĐ đối với ông Lê Chung Dũng. Với việc vắng mặt, theo quy định quản lý cán bộ ông Lê Chung Dũng không được bổ nhiệm lại và không còn là Phó TGĐ Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam”, PV Power thông tin.
Hiện nay, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về Đảng và tiến hành các thủ tục để kỷ luật lao động theo quy định của Nội quy lao động của Tổng Công ty và Luật lao động đối với ông Lê Chung Dũng.
Trước khi về làm Phó TGĐ PV Power, ông Lê Chung Dũng từng giữ chức vụ Phó TGĐ Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC) dưới thời kỳ ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch và ông Vũ Đức Thuận làm TGĐ. Tháng 1/2011, ông Dũng được điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ Phó TGĐ PV Power.
Xin nghỉ đi chữa bệnh, ông Vũ Đình Duy bỗng dưng mất tích
Một trường hợp khác là ông Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex), thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) xin đi chữa bệnh rồi... "bỗng dưng mất tích” cũng khiến dư luận xôn xao.
Thông tin từ Bộ Công Thương về việc ông Vũ Đình Duy nhiều ngày không xuất hiện tại văn phòng làm việc và đã có giấy xin nghỉ phép cho biết, ngày 2/11/2016, Vinachem có công văn gửi Bộ Công Thương thông báo việc ông Vũ Đình Duy có đơn xin nghỉ để đi chữa bệnh. Về vấn đề này, Bộ Công Thương khẳng định, Bộ không chấp nhận đơn xin nghỉ đi chữa bệnh của ông Vũ Đình Duy. Đồng thời, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Vinachem triệu tập ông Vũ Đình Duy có mặt tại cơ quan để thực hiện đúng quy định của pháp luật.
 Ông Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex), thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) xin đi chữa bệnh rồi... "bỗng dưng mất tích".
Ông Vũ Đình Duy sinh năm 1975, có học vị Thạc sỹ công nghệ hóa học, giữ chức Tổng giám đốc PVTex từ ngày 15/7/2009 đến tháng 2/2014. Sau đó, ông Duy bị giáng chức làm Phó Tổng giám đốc PVTex. Ngày 12/12/2014, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng có Quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm ông Vũ Đình Duy giữ chức Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hải Phòng với thời hạn bổ nhiệm 5 năm. Ngày 18/6/2015, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng ký Quyết định bổ nhiệm ông Vũ Đình Duy giữ chức Phó Cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật và Môi trường công nghiệp. Ngày 30/6/2015, tại trụ sở Bộ Công thương, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đã trao quyết định bổ nhiệm Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp cho ông Duy. Sau đó, tháng 4/2016, ông Vũ Đình Duy được điều động về Vinachem chỉ một ngày trước khi Bộ Công thương có Bộ trưởng mới thay ông Vũ Huy Hoàng.
Thời điểm ông Duy giữ chức vụ Tổng giám đốc PVTex, nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Đình Vũ với tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng luôn trong tình trạng khó khăn, không bán được hàng và phải nhiều lần dừng hoạt động. Đây là một trong 5 dự án lớn thua lỗ, có nguy cơ phá sản. Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra tình hình tại PVTex và phát hiện nhiều sai phạm. Quá trình thanh tra đã phát hiện có dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư. Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
 Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Đình Vũ được Thanh tra Chính phủ kết luận có nhiều sai phạm. Ảnh Hải Ninh.
Thông tin mới nhất liên quan vụ việc ông Vũ Đình Duy mất tích, ngày 1/12, Bộ trưởng Bộ Công thương, Trần Tuấn Anh đã ký quyết định áp dụng hình thức kỷ luật "buộc thôi việc" với ông Vũ Đình Duy, thành viên Hội đồng thành viên Vinachem, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần hoá dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex).
Quyết định của Bộ trưởng Công thương được đưa ra trên cơ sở đề xuất của Hội đồng kỷ luật người quản lý doanh nghiệp do Bộ này thành lập hồi giữa tháng 11 để xem xét hình thức kỷ luật với ông Duy và sự thống nhất từ Ban cán sự Đảng Bộ Công thương.
Nguyên PCT tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh mất tích
Ly kỳ nhất trong các vụ lãnh đạo bỗng dưng mất tích phải nhắc đến vụ nguyên PCT UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh.
Ngày 18/7/2016, ông Trịnh Xuân Thanh đã gửi đơn đến Tỉnh ủy Hậu Giang xin nghỉ phép với lý do bị bệnh gút nặng với thời gian từ 25/7 đến ngày 29/7. Tiếp đó, ngày 19/8, ông này gửi đơn lần 2 xin nghỉ phép và điều trị bệnh trong 1 tháng, kể từ ngày 3/8 đến 2/9, tại nước ngoài. Tỉnh ủy Hậu Giang đã không đồng ý với đề nghị thứ hai của Trịnh Xuân Thanh. Quan điểm của tỉnh này là: “Tuyệt đối không được cử hoặc cho phép ra nước ngoài vì bất cứ lý do gì đối với Đảng viên đang trong thời gian xem xét kỷ luật Đảng, đang bị điều tra về hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm tư cách đảng viên, có vấn đề liên quan đến chính trị hiện nay nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền kết luận”.
Mặc dù không được lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đồng ý cho ra nước ngoài trị bệnh nhưng từ đó đến nay, ông Thanh vẫn không có mặt tại Hậu Giang. Thậm chí, hiện giờ không ai biết ông Thanh đang ở đâu, kể cả người thân trong gia đình ông.
Quyết định truy nã toàn quốc và quốc tế đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: INTERNET/PLTPHCM.              
Trước đó, dư luận xôn xao về chiếc xe biển xanh Lexus của ông Trịnh Xuân Thanh. Kết quả xác minh của cơ quan có thẩm quyền cho thấy, chiếc Lexus mà ông Thanh sử dụng thực chất là xe thuộc sở hữu tư nhân được “phù phép” gắn biển xanh xe công của UBND tỉnh Hậu Giang để cho ông Thanh sử dụng. Thực hiện chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với ông Trịnh Xuân Thanh, xác định thêm: Trong thời gian từ năm 2007-2013, trên các cương vị là phó bí thư Đảng ủy, tổng giám đốc, bí thư Đảng ủy, chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), mặc dù đã có kiến nghị, cảnh báo về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh và Ban thường vụ Đảng ủy, HĐQT, ban tổng giám đốc, ban kiểm soát tổng công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỉ đồng (giai đoạn 2011-2013).
Vụ việc này đã khiến nhiều tổ chức, cá nhân trong tổng công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự. Tuy nhiên, ông Thanh lại được thuyên chuyển vào Hậu Giang công tác.
Ngày 15/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định số 51/C46(P12) khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam; ngày 16/9/2016 ra Quyết định khởi tố bị can số 363/C46(P12) đối với Trịnh Xuân Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự; đồng thời ra Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh. Sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn; căn cứ các điều 34, 82, 161, 169, 187, 256 và 260 Bộ luật tố tụng hình sự nước CHXHCN Việt Nam, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.
Liên quan đến việc bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, kỳ họp thứ 8 diễn ra từ ngày 28/11 đến ngày 30/11/2016 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của ông Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, xử lý và đề nghị thi hành kỷ luật một số đảng viên và tổ chức đảng. Cụ thể, UBKT Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật: Cảnh cáo đồng chí Bùi Cao Tỉnh, nguyên Vụ trưởng, nguyên Trợ lý đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Khiển trách đồng chí Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2015-2020. Khiển trách đồng chí Trần Thị Hà, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Các vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Trần Anh Tuấn, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chưa đến mức phải thi hành kỷ luật. Yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, sâu sắc và có biện pháp khắc phục. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đề nghị Ban Bí thư: Thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với 2 đồng chí: đồng chí Huỳnh Minh Chắc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2010-2015 và đồng chí Trần Lưu Hải, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương. Xem xét xử lý đối với đồng chí Nguyễn Duy Thăng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ theo Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26-7-2016 của Ban Chấp Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.
Đối với tập thể Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ nhiệm kỳ 2011-2016 có các vi phạm, khuyết điểm như không kịp thời sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban cán sự đảng theo quy định của Bộ Chính trị; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, dẫn đến vi phạm, khuyết điểm trong việc thẩm định, cho ý kiến về tuyển dụng, bổ nhiệm ngạch, xếp lương công chức và đề nghị phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho Trịnh Xuân Thanh; thẩm định đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng cho Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và Trịnh Xuân Thanh. Chưa kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trong Bộ tham mưu, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, ban hành một số quy định về công tác cán bộ và công tác thi đua, khen thưởng. Những khuyết điểm, vi phạm nêu trên đã ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng và của Bộ Nội vụ. UBKT Trung ương yêu cầu Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, sâu sắc và có biện pháp khắc phục kịp thời.
Sau khi xem xét các báo cáo của UB Kiểm tra TƯ (số 50- BC/UBKTTW, ngày 05/12/2016; số 51-BC/UBKTTW, ngày 05/12/2016 và số 52-BC/UBKTTW, ngày 05/12/2016), Ban Bí thư đã có kết luận. Theo đó, xét nội dung, tính chất, mức độ vi phạm; căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, với 100% phiếu kín, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Lưu Hải và ông Huỳnh Minh Chắc, khiển trách ông Nguyễn Duy Thăng.
Được cử đi du học nước ngoài, nữ cán bộ trường ĐH Cần Thơ mất tích
Tháng 7/2016, dư luận cũng lùm xùm việc nữ cán bộ trường Đại học Cần Thơ được cử đi nước ngoài du học nhưng sau đó “mất tích”. Danh tính nữ cán bộ này được xác định là bà Nguyễn Thị Ngọc Anh (sinh năm 1984, nguyên nhân viên Đại học Cần Thơ). Bà Anh được đi nước ngoài học theo Chương trình 150.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Trúc - Phó trưởng phòng Công chức - Viên chức, Sở Nội vụ TP Cần Thơ cho biết, Nguyễn Ngọc Anh được cử đi đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Quan hệ Công chúng tại Đại học Sydney, Australia trong thời hạn 12 tháng, bắt đầu từ tháng 7/2008. Dự kiến, sau khi đào tạo trở về, thành phố Cần Thơ sẽ bố trí Ngọc Anh vào một trong số các vị trí như chuyên viên phụ trách kinh tế đối ngoại, phụ trách trang web của thành phố, hoặc làm việc tại cơ quan thông tin và truyền thông. Tuy nhiên chương trình 150 kết thúc từ năm 2013 nhưng đến nay bà Anh vẫn không thấy tăm tích.
Trao đổi với báo Tiền Phong, Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ, PGS.TS Hà Thanh Toàn xác nhận, trường này hiện có trên 30 cán bộ được cử đi đào tạo nước ngoài nhưng không về nước hoặc không về trường công tác sau khi kết thúc chương trình đào tạo.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)