Trong tờ trình tổng thể tuyến đường vừa được UBND thành phố báo cáo Thành ủy Hà Nội, tuyến đường Vành đai 4 có 2 phương án thiết kế kỹ thuật. Gồm thiết kế tuyến đường đi bằng (phương án 1) và thiết kế tuyến đường đi bằng kết hợp làn cao tốc đi trên cao với 4 làn xe (phương án 2).
Đối với phương án 1, đường Vành đai 4 sẽ được xây dựng với 6 làn xe cơ giới đô thị; 4 làn cao tốc chạy ở giữa, 2 bên là đường gom; ngoài ra theo phương án này, tuyến đường còn bố trí dành ra 20 mét cho đường sắt đô thị đi trên cao.
|
Đường Vành đai 4 có cao tốc trên cao được Hà Nội đề xuất xây như đường Vành đai 3 trên cao. Ảnh: T.Đảng |
Với phương án 2, đường Vành đai 4 có 6 làn đường xe cơ giới, 4 làn đường cao tốc được thiết kế đi trên cao, hệ thống đường gom và đường sắt đô thị đi như phương án 1.
Về vốn đầu tư, Sở GTVT Hà Nội cho biết, tính toán sơ bộ để đầu tư toàn tuyến Vành đai 4, phương án 1 - cao tốc đi bằng sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 105.000 tỷ đồng và theo phương án 2 - cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến cần khoảng 135.000 tỷ đồng.
TS Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT - TDSI cho rằng, trong các kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng cho giao thông của Hà Nội hiện nay nên ưu tiên đầu tư cho đường Vành đai 4, và xem đây là ưu tiên số 1. Theo ông Mười, cùng với giảm tải cho các tuyến đường Vành đai 3, Vành 2 đang quá tải thì việc đầu tư sớm đường Vành đai 4 còn giúp cho Hà Nội phân luồng, phân hướng cho toàn bộ xe các tỉnh “quá cảnh” qua Hà Nội sẽ không đi vào nội đô.
Về thiết kế, đại diện các hiệp hội, viện quy hoạch cho rằng, Hà Nội nên xây dựng theo phương án thiết kế có làn cao tốc đi trên cao. Làn cao tốc sẽ giúp cho các xe “quá cảnh” qua Hà Nội hoặc đi liên vùng không bị xung đột với các phương tiện khác. Việc này sẽ góp phần làm giảm xung đột, ùn ứ khi các làn xe liên tỉnh không bị xung đột với các dòng xe đô thị tại địa phương.
Cần có giải pháp “đột phá”
Theo đại diện UND thành phố Hà Nội, từ thiết kế dự án do Bộ GTVT lập và các điều chỉnh về sau, hiện tuyến đường Vành đai 4 đã có 4 nhà đầu tư đề xuất được thực hiện dự án theo từng phân đoạn.
Chiều 29/9, trao đổi với PV Tiền Phong về đề xuất tham gia đầu tư dự án, ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Đầu tư xây dựng công trình giao thông Phương Thành (liên danh nhà đầu tư) cho biết, nguồn đầu tư tuyến đường có giá trị lớn từ 3 đến 5 tỷ USD, do vậy nếu thành phố không có chính sách đầu tư, thực hiện linh hoạt, trong đó phân đoạn dự án thì rất khó huy động vốn để thực hiện dự án.
Với đoạn từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, bao gồm cả cầu Mễ Sở với tổng kinh phí 9.800 tỷ đồng mà đơn vị mình đề xuất triển khai, ông Khôi cho biết, đơn vị đã đề xuất huy động và hoàn vốn qua hình thức đầu tư BOT. Trong bối cảnh hiện nay đây là số tiền rất lớn với doanh nghiệp cổ phần. Tuy nhiên với khả năng kết nối giao thông và thu hút lưu lượng phương tiện của Vành đai 4, nếu thành phố có các chủ trương, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, bứt phá trong khâu giải phóng mặt bằng thì việc kêu gọi nhà đầu tư được khơi thông.