Mới đây, Cục Cảnh sát Hình sự (C02) Bộ Công an đã có công văn đề nghị Công an TPHCM và công an các địa phương khác rà soát, đánh giá hoạt động kêu gọi từ thiện của cá nhân, tổ chức có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản trên địa bàn.
Công an TPHCM chỉ đạo công an 21 quận, huyện và TP Thủ Đức phối hợp rà soát, đánh giá tình hình các cá nhân, tổ chức hoạt động tự phát kêu gọi từ thiện trên địa bàn từ năm 2020 đến nay. Các đơn vị báo cáo kết quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố với các cá nhân, tổ chức hoạt động tự phát kêu gọi từ thiện để chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, mạng xã hội xôn xao việc làm từ thiện thiếu minh bạch của một số cá nhân, hội, nhóm. Dư luận cũng đặt nghi vấn việc thiếu minh bạch về hoạt động quyên góp từ thiện của một số nghệ sĩ, người nổi tiếng trong đợt kêu gọi quyên góp từ thiện ủng hộ người dân miền Trung trong trận lũ lụt lịch sử năm 2020.
Dư luận cho rằng những người nổi tiếng đã không công khai, minh bạch số tiền người dân quyên góp, ủng hộ vào tài khoản cá nhân. Theo đó, C02 đã tiếp nhận nhiều đơn tố cáo các cá nhân và đang xác minh làm rõ.
|
Hình ảnh lũ lụt miền Trung năm 2020. |
Rà soát việc huy động kêu gọi từ thiện là cần thiết
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc cơ quan công an vào cuộc, rà soát, đánh giá hoạt động kêu gọi từ thiện của cá nhân, tổ chức có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản trên địa bàn là hoàn toàn hợp lý và cần thiết để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động từ thiện, phát hiện ra những sai phạm để xử lý, làm rõ những nghi ngờ của dư luận.
Theo luật sự Cường, bản chất hoạt động từ thiện là giúp đỡ, tương trợ, tương thân, tương ái trong cộng đồng khi có người gặp khó khăn, hoạn nạn theo tinh thần lá lành đùm lá rách, một miếng khi đói bằng một gói khi no…
Với sự phát triển kinh tế xã hội, công nghệ, hoạt động từ thiện không chỉ là giữa người có của với người gặp khó khăn mà đã xuất hiện vai trò của người thứ ba, những người đứng ra kêu gọi, quyên góp, tiếp nhận thường là những người nổi tiếng, người của công chúng.
Sức ảnh hưởng của các nghệ sĩ, ca sĩ, người nổi tiếng mạnh mẽ hơn trên các nền tảng mạng xã hội. Do đó, họ có thể dễ dàng có thể huy động tiền từ thiện của số đông với số tiền rất lớn trong thời gian ngắn. Bên cạnh những mặt tích cực từ kêu gọi từ thiện sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, những mặt tiêu cực cũng bắt đầu phát sinh là vấn đề lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, các hành động ăn chặn tiền từ thiện có xu hướng gia tăng.
Thời gian qua, những thông tin về việc một số người sau khi kêu gọi từ thiện trở nên giàu có, mua nhà, mua xe, trả nợ khiến nhiều người dân nghi ngờ về hoạt động từ thiện đang bị bóp méo, trục lợi từ một số cá nhân, tổ chức.
Đặc biệt, thời gian qua, dư luận phát hiện nghệ sĩ Hoài Linh kêu gọi được 14 tỷ đồng để ủng hộ đồng bào miền Trung nhưng đã không thực hiện kịp thời việc phân phát số tiền này. Khi dư luận phát hiện, lên tiếng, phản ứng, nghệ sĩ này mới giải ngân số tiền trên, ở thời điểm nhu cầu cần sự giúp đỡ của người dân không còn cao nữa. Việc giải ngân chậm đã làm mất niềm tin của người dân đối với hoạt động kêu gọi từ thiện của nhiều người.
Một số nghệ sĩ, ca sĩ, đã đứng ra kêu gọi hoạt động từ thiện cũng đã dính vào lùm xùm từ thiện như Thủy Tiên, Trấn Thành… dù đã trần tình giải thích, sao kê tài khoản công khai nhưng vẫn không làm thỏa mãn sự nghi ngờ của dư luận.
Đến nay, đã rất nhiều người có đơn thư tố cáo tố giác tội phạm đối với hoạt động gian lận từ thiện và tố cáo về các hành vi vu khống, làm nhục, đưa tin sai sự thật liên quan việc này trên không gian mạng khiến sự việc phức tạp. Bởi vậy, việc cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ hoạt động từ thiện vào thời điểm này là rất cần thiết và hợp lý.
Luật sư Cường cho rằng, không chỉ TP HCM mà một số tỉnh thành phát sinh hoạt động kêu gọi từ thiện cũng cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng để kiểm tra, kiểm soát, xác minh thông tin làm rõ tính minh bạch, công khai, công bằng trong hoạt động này. Nếu có phát hiện ra vi phạm thì phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Nguy cơ thất thoát, ăn chặn, lừa đảo… từ thiện tự phát
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Cường cho rằng, đối với hoạt động kêu gọi huy động từ thiện từ những cá nhân đứng ra quyên góp, tiếp nhận, quản lý, phân phát tiền, hàng từ thiện sẽ có nguy cơ thất thoát, biển thủ, chiếm đoạt.
Với những cơ quan tổ chức nhà nước như: Hội Chữ thập đỏ, Mặt trận Tổ quốc, các Quỹ từ thiện, hoạt động trên cơ sở nghị định 64 và các văn bản pháp luật nên có sự quản lý của nhà nước, có sự giám sát của tổ chức và hoạt động có tính chất chuyên nghiệp. Những người vi phạm về thủ tục, có hành vi biển thủ phải chiếm đoạt tiền, hàng từ thiện đều dễ dàng bị phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, đối với hoạt động kêu gọi từ thiện tự phát của cá nhân, tổ chức không có sự quản lý của nhà nước, nguy cơ thất thoát, ăn chặn, lừa đảo là rất dễ xảy ra.
Bản chất pháp lý về hoạt động từ thiện có bên thứ ba đứng ra kêu gọi là việc tặng, cho gián tiếp thông qua người ủy quyền. Người có tài sản đóng góp để từ thiện là bên tặng cho, người đứng ra kêu gọi, vận động, tiếp nhận là bên được ủy quyền, còn đồng bào đang gặp khó khăn là bên hưởng thụ, bên được nhận tặng cho.
Về mặt pháp lý, người đứng ra thực hiện công việc theo ủy quyền là nhận, quản lý, vận chuyển số tiền, hàng từ thiện không được phép tự ý chi tiêu, sử dụng số tiền, hàng đó vào mục đích khác nếu như không có sự đồng ý của người đã đóng góp tiền hàng đó.
Nếu thực hiện sai công việc ủy quyền, lợi dụng niềm tin để người khác chuyển tiền làm từ thiện nhưng đã gian dối để chiếm đoạt số tiền từ 4 triệu đồng trở lên là hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điều 175 bộ luật hình sự năm 2015 với chế tài cao nhất của tội danh này có thể đến 20 năm tù.
Trường hợp cá nhân nào đứng ra kêu gọi từ thiện mang danh cá nhân hoặc tổ chức nhưng những thông tin đưa ra là gian dối, thực tế không thực hiện hoạt động từ thiện mà chiếm đoạt số tiền đó, hành vi gian dối có trước thời điểm nhận tiền thì đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với số tiền chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 174 bộ luật hình sự năm 2015 với mức chế tài cao nhất của tội danh này có thể là 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Sao kê tài khoản cũng khó chứng minh sự minh bạch
Theo luật sư Cường, hoạt động kêu gọi từ thiện là hoạt động xúc tiến cho việc từ thiện diễn ra nhanh chóng hơn, sâu rộng hơn, kịp thời hơn và số tiền huy động cũng lớn hơn.
Tuy nhiên, với số tiền huy động lớn nhưng thiếu sự quản lý của nhà nước, thiếu sự giám sát của cơ quan, tổ chức, thiếu sự giám sát của người đã góp tiền dẫn đến nảy sinh những cám dỗ, sơ hở để người quản lý số tiền đó nảy lòng tham. Việc phát tiền cũng thực hiện trao tay, bằng tiền mặt, không có sự thống kê nên những tài liệu về số tiền đã phát ra là rất khó để có thể tin cậy, minh bạch đối với khâu này.
Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ đã sao kê tài khoản để chứng minh sự minh bạch trong hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, hoạt động sao kê tài khoản chỉ có thể chứng minh được số tiền chuyển đến, số tiền chuyển đi hoặc đã rút ra và số tiền còn lại trong tài khoản mà không chứng minh được số tiền đó đã đưa đến tay người được hưởng thụ hay chưa. Từ thời điểm rút số tiền đó từ tài khoản ra đến thời điểm đưa cho đồng bào đang gặp khó khăn mới là thời điểm khó quản lý nhất, dễ này lòng tham, phát sinh hành vi chiếm đoạt.
Do đó, việc Bộ Công an yêu cầu Công an TPHCM, công an các địa phương kiểm tra, xác minh, ra soát các tổ chức, cá nhân đã từng đứng ra kêu gọi từ thiện, yêu cầu cung cấp các thông tin, số liệu, tài liệu về hoạt động từ thiện và xem xét các dấu hiệu sai phạm nếu có để xử lý theo quy định pháp luật là cần thiết.
Phục hồi điều tra vụ tố cáo ông Võ Hoàng Yên lừa đảo hàng tỷ đồng
Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh vừa thông báo phục hồi điều tra giải quyết nguồn tin về tội phạm liên quan đến đơn tố cáo của bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1972, ngụ phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) đối với ông Võ Hoàng Yên (SN 1975, ngụ xã Gia An, huyện Tánh Linh, Bình Thuận).
Theo đơn tố cáo của bà Hằng vào tháng 3/2021, ông Yên chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của gia đình bà Hằng và khám chữa bệnh không có hiệu nghiệm. Bà Hằng đã chuyển cho tài khoản do ông Yên và người thân ông này hàng chục tỷ đồng để trả nợ xây dựng chùa, cứu trợ đồng bào miền Trung, trả nợ từ thiện, chữa bệnh cho nhân dân…
Sau một thời gian, vợ chồng bà Hằng phát hiện số tiền này đã "chảy" vào túi người nhà gia đình của ông Yên mà không phục vụ mục đích nhân đạo, từ thiện, xây chùa, trồng vườn cây thuốc như lời ông Yên nói.
Bà Hằng có chuyển tiền đến tài khoản của ông N.T.B (là người thân của ông Yên). Sau khi sự việc xảy ra, bà Hằng yêu cầu ông B. trả tiền thì người này đã trả lại 12 tỷ đồng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Xem video "Thủy Tiên - Công Vinh livestream sao kê từ thiện":