Ban quản lý (BQL) dự án 2 (PMU 2, Bộ GTVT) vừa trình Bộ GTVT thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc TP.HCM-Mộc Bài (Tây Ninh). Dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP), tổng mức đầu tư khoảng 10.456 tỉ đồng. Trong đó phần vốn nhà nước hơn 5.000 tỉ đồng.
Đề xuất xây mới hoàn toàn
Theo BQL dự án 2, tuyến cao tốc TP.HCM-Mộc Bài có điểm đầu dự kiến từ đường Vành đai 3 (Hóc Môn, TP.HCM), song song với tuyến đường sắt Tân Chánh Hiệp-Trảng Bàng. Sau đó cắt ngang đường Vành đai 4, đường Hồ Chí Minh, ĐT782, ĐT787, đến khu vực đường sắt Gò Dầu (Tây Ninh), cắt qua quốc lộ (QL) 22B, đến gần Km 4+00, tiếp tục rẽ phải, vượt sông Vàm Cỏ về phía QL22, giao với QL22 tại Km 52+850, kết nối với điểm cuối là cửa khẩu Mộc Bài hoặc chốt Cây Me. Chiều dài dự kiến là 53,5-64,2 km.
Theo đề xuất, cao tốc TP.HCM-Mộc Bài được đầu tư hai giai đoạn (giai đoạn 1 xây dựng bốn làn xe, giai đoạn 2 là 6-8 làn xe). Trong đó, giai đoạn 1 được chia ra thành hai phân đoạn: TP.HCM-Trảng Bàng (dài 33 km) và Trảng Bàng-Mộc Bài (dài 20,5 km). Đoạn TP.HCM-Trảng Bàng có lưu lượng giao thông lớn hơn được đầu tư xây dựng với quy mô bốn làn xe hoàn chỉnh, tốc độ thiết kế 120 km/giờ. Còn lại, đoạn Trảng Bàng-Mộc Bài được đề xuất đầu tư với mô hình đường cao tốc hạn chế bốn làn xe, tốc độ thiết kế 80-100 km/giờ.
Về công tác giải phóng mặt bằng, đơn vị đề xuất thực hiện toàn bộ trong giai đoạn 1 với quy mô quy hoạch (6-8 làn xe) để thuận tiện cho công tác quản lý đất đai của địa phương và phục vụ cho việc mở rộng sau này. Cụ thể, đoạn TP.HCM-Trảng Bàng sẽ giải phóng mặt bằng theo quy mô tám làn xe và đoạn Trảng Bàng-Mộc Bài giải phóng theo quy mô sáu làn xe với tổng diện tích đất chiếm dụng để xây dựng dự án khoảng 342 ha. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Về phương án đầu tư, BQL dự án 2 cho biết dự án có mức đầu tư lớn nên để đảm bảo tính khả thi về tài chính, trên cơ sở kết quả nghiên cứu của tư vấn Hàn Quốc, đơn vị đề xuất xây dựng dự án theo loại hợp đồng BOT và hỗ trợ Nhà nước từ nguồn ngân sách, vốn vay ODA. “Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, vốn ngân sách bố trí cho dự án chưa thể thực hiện được nên việc kêu gọi các nguồn vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư theo hình thức PPP là cần thiết nhằm đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế, các khu công nghiệp và du lịch khác trong quy hoạch” - lãnh đạo BQL dự án 2 thông tin.
|
Sơ đồ tuyến đường cao tốc TP.HCM- Mộc Bài. Thực hiện: HỒ TRANG |
Cần xây dựng vì QL22 sẽ quá tải
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Thắng, Phó Giám đốc BQL dự án 2, cho biết hiện nay QL22 là tuyến giao thông duy nhất kết nối giữa TP.HCM với cửa khẩu Mộc Bài. Các dữ liệu mới nhất, vận tải hàng hóa giữa TP.HCM và Tây Ninh đang gia tăng đáng kể. Theo nghiên cứu của tư vấn DEEP của KOICA (Hàn Quốc) và TEDI South, tuyến đường này sẽ quá tải và ùn tắc giao thông trong vài năm tới, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế trong khu vực và hai địa phương TP.HCM, Tây Ninh.
Bên cạnh đó, Mộc Bài là cửa ngõ quốc tế của các nước ASEAN, có vai trò quan trọng kết nối TP.HCM - Phnom Penh (Campuchia) - Bangkok (Thái Lan). “Vì vậy, cần xây dựng một tuyến đường mới có năng lực cao kết nối từ TP.HCM đến cửa khẩu Mộc Bài để san sẻ lưu lượng giao thông với QL22 hiện hữu và kết nối giao thương thuận tiện với các nước trong khu vực ASEAN… Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp Campuchia sẽ chọn tuyến này để vận chuyển hàng hóa ra các cảng ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Sài Gòn thay vì cảng trong nước khi di chuyển gần hơn” - ông Thắng thông tin.
Qua đó ông Thắng đánh giá khi dự án cao tốc hoàn thành cùng với đường Vành đai 3 giúp tạo điều kiện liên kết giữa các QL hiện hữu NH.1, NH.22, NH.22B, đường Hồ Chí Minh, tuyến đường đô thị, metro và hệ thống hàng không khu vực. Bên cạnh đó sẽ giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, giảm chi phí vận tải, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế...
“Hiện tỉnh Tây Ninh rất mong tuyến đường này vì sẽ rút ngắn thời gian đi lại, vận chuyển thuận tiện các mặt hàng nông sản của địa phương đến TP.HCM để tiêu thụ. Thực tế hiện nay nút giao ở An Sương đang bị ách tắc, nếu di chuyển từ TP.HCM đi Tây Ninh vào giờ cao điểm có khi phải mất 3-4 tiếng đồng hồ” - ông Lê Thắng chia sẻ.
Cần sớm triển khai tuyến đường cao tốc TP.HCM-Mộc Bài
Năm 2017, Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Vương quốc Campuchia đã chứng kiến lễ ký bốn văn kiện hợp tác, trong đó có Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ GTVT Việt Nam và Bộ Giao thông Công chính Campuchia về việc xúc tiến nghiên cứu xây dựng tuyến đường cao tốc TP.HCM-Mộc Bài và Phnom Penh-Bà Vẹt. Ngày 22-8-2018, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của tỉnh Tây Ninh về việc cần sớm triển khai tuyến đường cao tốc TP.HCM-Mộc Bài. Theo đó, Thủ tướng kết luận trong năm 2018, Bộ GTVT phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiền khả thi tuyến đường này. Để từ đó Chính phủ có chủ trương cụ thể về giải phóng mặt bằng, tiếp tục triển khai sớm tuyến cao tốc TP.HCM-Mộc Bài từ những nguồn lực khác nhau.