Chiều 6/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ thuốc tại bệnh viện
Quan tâm đến việc sửa đổi Luật Đấu thầu, đại biểu Trần Khánh Thu, đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, dự thảo luật có nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 55 Luật Đấu thầu để quy định mua thuốc cho bán lẻ tại các nhà thuốc bệnh viện công lập. Tuy nhiên, nếu sửa như trong dự thảo là áp dụng “mua sắm trực tiếp” thì chưa thể tháo gỡ khó khăn đối với việc tổ chức mua sắm tại các cơ sở y tế, nhất là mua thuốc cho các cơ sở bán lẻ thuốc cho Nhà thuốc bệnh viện.
|
Đại biểu Trần Khánh Thu, đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình. Ảnh: QH. |
Theo đại biểu, mua sắm trực tiếp không phải là “áp giá”; trong các quy định về đấu thầu không có hình thức áp giá. Còn mua sắm trực tiếp là một hình thức lựa chọn nhà thầu, nên vẫn cần phải thực hiện các quy định trình tự của việc lựa chọn nhà thầu như: xây dựng kế hoạch; tổ chức thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; phát hành hồ sơ yêu cầu, nhà thầu nộp hồ sơ đề xuất, đánh giá hồ sơ đề xuất và thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Bất cập là thời gian các bước không thể cắt ngắn hơn, trong khi nhà thuốc bệnh viện phục vụ không chỉ người bệnh nội trú mà bao gồm cả người bệnh ngoại trú, người nhà.... Bên cạnh đó, hiện tại chưa có mẫu hồ sơ yêu cầu đối với hình thức mua sắm trực tiếp.
Đại biểu cũng nêu rõ, nhà thuốc bệnh viện hoạt động theo hình thức kinh doanh có đóng thuế, nên nếu giá hàng hóa được bán tại đây bao gồm cả chi phí tổ chức đấu thầu và chi phí các loại thuế phí của cơ sở kinh doanh thì sẽ bị tính trên giá thành sản phẩm, khiến người dân phải chịu chi phí tăng thêm này. Mặt khác, đơn vị công lập tự chủ còn có nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ khác như căng tin, tạp hóa... vậy nếu áp dụng phạm vi Điều 2 Luật Đấu thầu thì các sản phẩm, hàng hóa tại đây cũng thuộc đối tượng áp dụng.
Chính vì vậy đại biểu đề nghị sửa lại khoản 2 Điều 55 Luật Đấu thầu như sau: “Đối với việc mua thuốc không thuộc danh mục thuốc do quỹ bảo hiểm y tế chi trả, mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ, mua hàng hóa để bán lẻ (bao gồm cả mua thuốc để bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập), cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình”.
Thiếu thuốc bệnh viện khiến không kiểm soát được chất lượng, giá cả
Nêu ý kiến về vấn đề đại biểu Thu đã nêu, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) phân tích ở một khía cạnh khác. Đồng thời đề xuất phương án sửa đổi, cơ sở bán lẻ thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là cơ sở cung cấp thuốc, thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các hàng hóa thiết yếu khác trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
|
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội). Ảnh: QH |
Đại biểu Nhị Hà cho hay, theo quy định, nhà thuốc bệnh viện do giám đốc bệnh viện chịu trách nhiệm toàn diện hoạt động. Do các đặc thù, nhà thuốc bệnh viện bán thuốc theo nhu cầu người bệnh, không dự trù trước được về danh mục, số lượng, mô hình, bệnh tật cũng liên tục thay đổi, do đó rất khó để đề xuất được kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
“Thiếu thuốc tại nhà thuốc bệnh viện buộc người dân phải đi mua bên ngoài, vừa bất tiện, vừa khó kiểm soát được chất lượng và giá cả, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận dịch vụ y tế tốt nhất”, đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu cho rằng, quy định tại khoản 1 Điều 2 và khoản 2 Điều 55 Luật Đấu thầu đã gây ra không ít lúng túng cho các bệnh viện do việc mua thuốc của nhà thuốc bệnh viện cũng sử dụng nguồn thu hợp pháp.
Cụ thể, tại khoản 1 Điều 2, tất cả các hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng nguồn vốn từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị đều phải áp dụng Luật Đấu thầu, trong khi quy định tại khoản 2 Điều 55 cho phép cơ sở tự quyết định việc mua sắm. Khi triển khai thực tế đã có rất nhiều Sở Y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gửi công văn tới Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phản ánh khó khăn, bất cập, đề nghị hướng dẫn nội dung này.
Thực trạng hiện nay các nhà thuốc bệnh viện đang thiếu rất nhiều các loại thuốc, thiết bị y tế để phục vụ cho nhu cầu người dân. Ngoài thuốc, nhà thuốc, bệnh viện còn có một số mặt hàng khác như thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các sản phẩm bổ sung thực phẩm, dinh dưỡng, y học, sữa đều là những mặt hàng thiết yếu phục vụ trực tiếp cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Từ những phân tích như trên, đại biểu kiến nghị sửa khoản 2 Điều 55 như sau: "Đối với việc mua vắc-xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ mua thuốc, thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng hóa thiết yếu khác tại cơ sở bán lẻ trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự quyết định việc mua sắm đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế, trách nhiệm giải trình mà không phải áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu".
Và để đảm bảo tính logic giữa các điều khoản trong luật, tôi kiến nghị sửa khoản 1 Điều 2 như sau: "Hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước vốn từ nguồn thu hợp pháp theo quy định pháp luật của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 55 của luật này".