Đầu tư 2.150 tỷ đồng để lắp camera xử lý vi phạm giao thông

Google News

Thủ tướng quyết định phê duyệt đề án với tổng kinh phí thực hiện khoảng 2.150 tỷ đồng để đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính "từ năm 2021 đến năm 2025".

Đầu tư "khủng"

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt đề án "Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính" từ năm 2021 đến năm 2025.

Mục tiêu của đề án là nâng cấp trung tâm thông tin chỉ huy Cục CSGT, bảo đảm việc kết nối các hệ thống camera của các đơn vị trong và ngoài ngành công an. Cùng với đó, hoàn thiện Trung tâm thông tin chỉ huy và điều hành giao thông của Cục CSGT, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, Phòng CSGT Công an TP.HCM.

Dau tu 2.150 ty dong de lap camera xu ly vi pham giao thong
Camera giao thông sẽ khiến người vi phạm ý thức hơn khi không có CSGT đứng chốt, ngoài ra, hình thức giám sát này kỳ vọng sẽ giảm tiêu cực trong lực lượng CSGT khi không còn phải ra đứng đường làm nhiệm vụ. 

Đề án cũng hướng tới ban hành tiêu chuẩn quốc gia về lắp đặt hệ thống giám sát để đảm bảo tính thống nhất và tích hợp được các hệ thống. Tầm nhìn đến năm 2030, hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí, dịch vụ của các đô thị thông minh kết hợp với hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều khiển giao thông...

Theo quyết định phê duyệt, đề án có tổng kinh phí thực hiện khoảng 2.150 tỷ đồng để lắp camera, được phân ra làm ba dự án.

Dự án một do Cục CSGT làm chủ đầu tư với khoảng 850 tỷ đồng để xây dựng Trung tâm dữ liệu dùng chung, phục vụ cho kết nối, chia sẻ dữ liệu camera.

Dự án này xây dựng kho dữ liệu dùng chung có tích hợp các hệ thống camera giám sát trên không gian mạng; quản lý dữ liệu dùng chung và tích hợp với các hệ thống nghiệp vụ trong và ngoài ngành công an; lưu trữ toàn bộ dữ liệu camera trên tuyến quốc lộ 1A, các tuyến cao tốc...

Dự án hai và thứ ba có cùng nội dung đầu tư, nâng cấp Trung tâm chỉ huy và lắp đặt hệ thống camera giám sát cho hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM sẽ do công an của các TP này làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự kiến mỗi dự án 650 tỷ đồng.

Theo đó, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội và Công an TP.HCM xây dựng thêm hệ thống phần mềm tự động phát hiện xe vi phạm, tự động cảnh báo các điểm ùn tắc giao thông và các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông, tự động cảnh báo, hiển thị xe thuộc diện phải giám sát (xe mất cắp, xe tai nạn bỏ chạy, xe đang trong chuyên án cần theo dõi...).

Trên các tuyến cửa ngõ ra, vào TP, cổng các nhà ga sẽ được bổ sung màn hình điện tử phục vụ công tác chỉ huy điều hành giao thông, tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông. Ngoài ra, CSGT của hai TP còn được trang bị máy tính bảng chuyên dụng phục vụ công tác tuần tra kiểm soát và điều tra giải quyết tai nạn giao thông tại hiện trường...

Đáng chú ý, trong đề án, Chính phủ quy định việc lắp đặt hệ thống camera giám sát sẽ là điều kiện bắt buộc với mỗi nhà thầu, nhà đầu tư trong quá trình thiết kế, xây dựng các tuyến đường, cao tốc mới.

Khi hệ thống camera giám sát được lắp đặt đầy đủ, CSGT tập trung làm nhiệm vụ tuần lưu, điều tiết, chỉ huy dẫn đoàn, giải quyết tai nạn, chỉ lập chốt phát hiện các lỗi camera không thể phát hiện được như nồng độ cồn, ma túy, vượt quá tải trọng...

Sẽ hạn chế việc CSGT ra đường
Đại tá Đỗ Thanh Bình - Cục phó Cục CSGT - cho biết ngoài hệ thống camera hiện có trên một số tuyến cao tốc, đơn vị này đề xuất lắp đặt hai loại camera giám sát, an ninh, điều khiển giao thông và camera phát hiện lỗi vi phạm trên toàn quốc, bao phủ các tuyến cao tốc và quốc lộ trọng điểm. 
"Yêu cầu đặt ra là ngoài phục vụ xử "phạt nguội" đối với các lỗi vi phạm giao thông thì tất cả camera lắp đặt còn phải được kết nối sử dụng nhiều mục đích khác như phát hiện tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự... Hệ thống camera này được coi là tài sản chung của toàn xã hội. Đề án hướng tới việc xây dựng đồng bộ hệ thống camera từ Bộ Công an tới các địa phương, cùng chung một tiêu chuẩn, có thể sử dụng vào nhiều mục đích và nhiều cơ quan, ban ngành cùng có thể khai thác" - đại tá Bình chia sẻ.
Nói về hiệu quả của việc lắp đặt camera "phạt nguội" trên toàn quốc, lãnh đạo Cục CSGT kỳ vọng đây sẽ là "liều thuốc" điều trị hiệu quả hành vi cố tình vi phạm Luật giao thông khi không có lực lượng chức năng, từ đó góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Việc tăng cường "phạt nguội", hạn chế xử phạt thủ công sẽ đảm bảo được sự minh bạch trong xử phạt và nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, khi hệ thống camera giám sát được lắp đặt đầy đủ thì CSGT sẽ không phải ra đường lập chốt để xử phạt nhiều như hiện nay. 
Cục CSGT cũng đề xuất Chính phủ nên quy định quá trình xây mới các tuyến quốc lộ, cao tốc Bắc - Nam thì phải lắp đặt hệ thống camera giám sát.
Tránh được tiêu cực, tham nhũng
Ông Bùi Danh Liên - nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho rằng việc CSGT đề xuất lắp camera "phạt nguội" trên toàn quốc là việc làm hết sức cần thiết. Lắp camera "phạt nguội" trên toàn quốc đồng nghĩa với việc áp dụng công nghệ vào quản lý nhà nước, đây là điều đáng hoan nghênh và tiên tiến.
"Việc lắp camera "phạt nguội" trên toàn quốc sẽ tạo hành lang pháp lý cho CSGT xử lý vi phạm, giúp CSGT đỡ phải ra đường. Từ đó, CSGT đỡ phải tiếp xúc với tài xế, tránh được tiêu cực, tham nhũng ngầm và nâng cao được trách nhiệm, bảo vệ được danh dự của người CSGT" - ông Liên phân tích.

Kim Ngưu

>> xem thêm

Bình luận(0)